Nhà văn Tạ Duy Anh: Từ kẻ đa tình thành chung tình

Google News

"Lúc cưới, tiền chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền nhuận bút. Vợ tôi bảo cứ để cô ấy lo, chỉ cần tôi có mặt đúng lúc. Và nhất định là phải mặc áo comple...”, nhà văn Tạ Duy Anh kể về đám cưới "kịch tính" của mình.

Gặp nhà văn Tạ Duy Anh lúc nào cũng thấy vui, gần gũi, thoải mái. Cái dáng vẻ "cũ cũ" cùng tiếng cười “khà khà” dân dã của ông gợi cảm giác  đúng “chất” một nhà văn của nông thôn, đi lên từ làng. Tôi đã không nghĩ, ông lại có một chuyện tình “kịch tính” đến vậy.
Nha van Ta Duy Anh: Tu ke da tinh thanh chung tinh
 Nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ, ấn tượng đầu tiên khi gặp người vợ của mình là một "cảm giác rất trong sạch".
Quyết định liều mạng ngay sau lần gặp đầu tiên
Nhà văn Tạ Duy Anh kể, vợ ông trước là sinh viên Khoa Phát hành sách của trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Khi ông vào học thì vợ ông đã tốt nghiệp ra trường. Chỉ vì thủ tục giấy tờ bị sai mà vợ ông phải ở lại thêm mấy ngày so với thời gian định rời Hà Nội. Nhưng cũng vì có thêm mấy ngày đó mà ông và vợ mới gặp nhau.
“Tôi gặp cô ấy khi đi lấy nước. Trong quãng thời gian tôi nhường cô ấy lấy trước xô nước, chỉ kịp cho tôi thấy cơ thể cô ấy quả thật gợi cảm giác rất trong sạch. Trong đầu tôi nảy ngay ra ý nghĩ, nếu cô gái kia là vợ mình, thì mình sẽ rất yêu những đứa con cô ấy sinh ra và có thể yên tâm theo nghiệp bút nghiên mà không phải lo chuyện gia đình.
Khoảng 5 phút thì xô nước đầy, tức là cô ấy sẽ về ký túc xá, không kịp để tôi nói điều gì ngoài câu mời cô ấy sang phòng tôi chơi”, nhà văn Tạ Duy Anh kể về giây phút gặp gỡ định mệnh.
Một quyết định liều mạng lướt qua đầu ông: phải ngỏ lời cầu hôn trước khi cô ấy về lại Cao Bằng.
“Tôi bảo tôi sẽ sống rất tốt với cô ấy. Tôi cũng thú nhận luôn là tôi đã cưới một lần vợ, có một đứa con gái nhưng đã là người tự do. Có lẽ điều đó khiến cô ấy cảm động, nhất là khi tôi nói thêm rằng tôi không biết tán tỉnh nhưng biết giữ lời mình nói, trong bất kể tình huống nào. Chắc cô ấy chưa nghe trên đời có ai tỏ tình như thế bao giờ nhưng cũng nói rằng, cô ấy tin tôi là người như vậy nhưng cô ấy cần có thêm thời gian”, nhà văn Tạ Duy Anh nhớ lại.
Ngày đó, ông vẫn là sinh viên, còn vợ ông đã ra trường, đi làm. Có được tình yêu từ người con gái mình thương, nhưng ngay lập tức, ông phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách.
Thời điểm đó, đi từ Hà Nội lên Cao Bằng giống như đi sang một nước khác. Mỗi lần lên thăm người yêu, ông phải thức qua đêm luôn, đợi đến 1 giờ sáng ra số 1 Phan Chu Trinh. Hằng ngày đều có một cái xe Hải Âu chở thư báo dọc tuyến Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng.
Để lên được với người yêu, ông phải gặp để đăng ký trước với lái xe, sau đó chờ anh ta đi nhận đủ thư báo, làm thủ tục rồi mới xuất bến, thường là vào khoảng 6 giờ sáng. Suốt cả 4-5 tiếng đồng hồ đó, nhiều lần ông suýt chết cóng vì rét. Khi lên xe thì nằm lọt giữa các bao tải thư, báo vô cùng bẩn thỉu, đầy bụi và sợi gai, đầu và đầu gối nhiều khi cùng chạm nóc xe.
Nhưng được thế cũng là may mắn lắm bởi lái xe luôn không cần khách, sẵn sàng mời xuống nếu anh đòi hỏi gì đó.
Khi biết tin ông yêu cô gái xứ Mường, nhiều bạn bè tỏ ý lo ngại. Một anh bạn làm phê bình, không hề úp mở bảo ông “cơm áo, nhà cửa nó không đùa với sự rồ dại đâu”. Có người, quê tận Nghệ Tĩnh, lấy chồng ra Hà Nội, nhưng lại vẫn thản nhiên bảo ông việc gì phải vào hang bắt chuột chù, sao phải đi xa thế để lấy vợ.
Tuy nhiên, điều khiến bản thân ông cũng thấy lạ, là lúc đó, ông chẳng bị ám ảnh gì, vẫn cứ háo hức, không mảy may lo lắng cho tương lai, rằng cứ thế này thì bao giờ hai vợ chồng mới có thể lập nghiệp. Cứ cảnh mỗi đứa một nơi mà đi lại khó khăn thế này thì không biết cả hai sẽ lãng mạn được bao lâu.
Từ đa tình thành kẻ chung tình
Trong những ngày khó khăn đó, điều khiến ông cảm động nhất là tấm lòng của “mẹ vợ tương lai.
“Tôi vô cùng biết ơn mẹ vợ tôi bởi ngay từ lần đầu bước vào nhà, bà đã không vì sự gày còm ốm yếu, ăn mặc bẩn thỉu, đầu tóc bù xù, mặt mũi xấu xí của tôi mà đánh giá thấp về tôi. Mà lại hoàn toàn chưa biết gì về gia đình, chưa thấy hé ra tí tương lai nào.
Nha van Ta Duy Anh: Tu ke da tinh thanh chung tinh-Hinh-2
 Nhà văn Tạ Duy Anh biết ơn mẹ vợ khi ngay buổi đầu ông về ra mắt, bà  đã không vì vẻ ngoài gày còm, ốm yếu, ăn mặc bẩn thỉu, đầu tóc bù xù... mà đánh giá thấp về ông. Ảnh: Trần Hải.
Phải là bà mẹ rất dũng cảm mới không ra tay ngăn con gái mình gá vào với kẻ thất thểu là tôi! Không có tí dấu hiệu gì cho thấy con gái cụ sẽ hạnh phúc nếu lấy tôi. Thế mà từ đầu chí cuối bà cụ vẫn hoàn toàn yên tâm giao con gái vàng bạc của cụ cho tôi (vợ tôi là con út) mặc dù chưa biết tôi sẽ cho cô ấy ăn gì, ở đâu?”, nhà văn Tạ Duy Anh xúc động khi nhớ về người mẹ vợ “dũng cảm” của mình.
Chờ nhau chẵn hai năm, qua nhiều sóng gió, cuối cùng, tình yêu của hai người cũng kết thúc bằng một đám cưới. Và với ông, ngày cưới, thực sự là một ngày đặc biệt theo tất cả các nghĩa.
“Bố mẹ tôi, chủ yếu do bố tôi, chưa bao giờ quan tâm đến chuyện lấy vợ, lấy chồng của con cái, nên không thể trông mong gì ở các cụ, kể cả việc chỉ cần các cụ có mặt làm phép đại diện xin dâu. Tiền thì cũng chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền nhuận bút. Vợ tôi bảo cứ để cô ấy lo, chỉ cần tôi có mặt đúng lúc.Và nhất định là phải mặc áo comple. Chuyện đó thì dễ, vì tôi biết có thể mượn”, nhà văn cười kể về việc chuẩn bị đám cưới đầy kịch tính của mình.
Chuyện chọn ngày cưới cũng thật đặc biệt. Vợ bảo ông chọn ngày, tính đi tính lại, sớm quá sợ không chuẩn bị kịp, mà để sang tháng sau thì ông không muốn, trước hết cứ phải kéo dài cảm giác lo lắng. Chỉ còn khoảng 10 ngày cuối tháng, ông bèn chọn ngày 26/10 âm lịch (1/12 Dương Lịch) chỉ vì cộng ba số đó lại thành số 9.
“Đó là số gắn với ngày sinh, tháng sinh và năm sinh của tôi, tôi tin sẽ may mắn, mà không biết đó là ngày Tị, xung với tuổi Hợi của tôi như vô tình 15 năm sau tôi mới biết. Vậy là mọi kế hoạch tạm ổn. Chỉ còn chờ đi may lại mấy chỗ sứt của bộ Comple Tiệp được tặng, là tôi có thể lên đường đi cưới vợ”, nhà văn Tạ Duy Anh cười.
Nhọc nhằn là thế, nhưng cuộc đời đã đền bù cho ông trái ngọt hạnh phúc. Vợ ông, đúng như ông dự cảm trong ngay từ giây phút gặp mặt, là người phụ nữ tuyệt vời, khéo chiều chồng, nuôi con.
Ông tự hào khoe với tôi tất cả những áo len ông mặc đều do tay vợ đan. Còn ông, từ một người đàn ông luôn tự nhận đa tình thì giờ lại nổi tiếng “chung tình”, yêu con hết mực đến mức một bạn văn đã tặng ông hai câu thơ tếu: “Sinh ra cho phí của giời, cơm nhà của vợ biết đời nào khôn”.
Hỏi ông, ông chỉ cười khà khà, nụ cười mãn nguyện.

Nhà văn Tạ Duy Anh tên khai sinh là Tạ Việt Đăng sinh năm 1959, tại làng Đồng Trưa (tên chữ là Cổ Hiền, sau đổi thành An Hiền), xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… Đặc biệt, tác phẩm làm nên tên tuổi của ông là truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến mượn tên truyện này để khái quát: “Có một dòng văn học bước qua lời nguyền”.

Mời quý độc giả xem video: Tiểu sử nhà văn Lê Lựu.


Mai Loan