Nhà văn Lê Lựu: Người bẻ bước ngoặt cho văn học Việt Nam

Google News

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt cho văn học Việt Nam kể từ năm 1954.

Thay đổi đời sống văn học Việt Nam với “Thời xa vắng”
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ông là một nhà văn Việt Nam, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974, chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn.
Trong giai đoạn đầu sáng tác, ông đã sớm có được những tác phẩm tiếng, được coi là kinh điển của của dòng văn học thời kỳ chiến tranh như truyện ngắn “Người cầm súng” (1970), tiểu thuyết “Mở rừng” (1976).
Nha van Le Luu: Nguoi be buoc ngoat cho van hoc Viet Nam
 Nhà văn Lê Lựu.
Tuy nhiên, làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu phải là bộ ba tiểu thuyết “Chuyện làng Cuội” (1991), “Sóng ở đáy sông” (1994), “Thời xa vắng”. Trong đó, “Thời xa vắng” là cuốn tiểu thuyết đã phác họa chính cuộc đời của nhà văn Lê Lựu và được giới phê bình đánh giá cao.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá, Tiểu thuyết "Thời xa vắng " là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác.
“Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Trong “Thời xa vắng”, Lê Lựu dựng lên bức tranh sống động về đất nước trong thời kì chiến tranh và bao cấp. Hình ảnh một làng quê mộc mạc, nghèo đói, lạc hậu như cảnh dân làng Hạ Vị lũ lượt kéo nhau đi làm thuê lúc sáng sớm, cảnh chạy lụt, cảnh tiếp khách ở quê… đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ người đọc.
Nha van Le Luu: Nguoi be buoc ngoat cho van hoc Viet Nam-Hinh-2
Cảnh trong phim "Thời xa vắng". 
Nhân vật Giang Minh Sài được xây dựng với bi kịch của một người luôn bị sống ép buộc theo ý người khác, không được là chính mình với tính cách nhu nhược, yếu ớt. Tính cách đó là kết quả của một xã hội đầy những định kiến hẹp hòi, những nguyên tắc trong một xã hội cứng nhắc, giáo điều, nơi những người cha, người anh, người thủ trưởng có thể can thiệp vào cuộc sống riêng tư của con, em, cấp dưới của mình.
“Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…”, lời nói đau xót của Sài khi biết tình yêu và cuộc hôn nhân với Châu là sai lầm, biết mình bị Châu lừa dối.
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm “Thời xa vắng” của Lê Lựu.
“Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình.
Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.
Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại”, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên viết.
Năm 1986, “Thời xa vắng” nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó một năm, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã mua tác quyền tiểu thuyết này để chuyển thể thành phim, do chính ông viết kịch bản. Năm 2003, bộ phim ra đời, sau 16 năm thai nghén. Năm 2005, bộ phim đã nhận được giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam.
“Tôi chỉ là một gã hạng xoàng”
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Là một nhà văn có tên tuổi và có sức ảnh hưởng như vậy, tuy nhiên, khi nói về mình, nhà văn Lê Lựu tự nhận: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".
Nha van Le Luu: Nguoi be buoc ngoat cho van hoc Viet Nam-Hinh-3
 Hình ảnh Nhà văn Lê Lựu vào năm 2013. Ảnh: Lao Động.
Về sự nghiệp, ông nói: “Sự nghiệp văn chương của mình không có gì là đồ sộ, chỉ tầm hơn 20 tác phẩm. Thế là ít so với nhiều người”.
Năm 2006, sức khỏe Nhà văn Lê Lựu suy yếu, ông phải thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2013, tại nơi ở thuộc trụ sở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở Tam Trinh (Hà Nội), ông ngày ngày tập vật lý trị liệu.
Nhiều người tìm đến ông, biếu ông tiền vì nghĩ ông khổ. Thế nhưng, ông từ chối, không cần ai thương hại, Ông cũng từ chối những lời đề nghị chụp ảnh về cuộc sống của mình vì thấy mình trong những bức ảnh thật đáng thương hại.
“Với tôi điều mong mỏi lớn nhất là mong được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương cho ông bà, mà không bị ai cản trở…”, nhà văn Lê Lựu chia sẻ với báo chí.

Tác phẩm của nhà văn Lê Lựu từng được trao nhiều giải thưởng: Truyện ngắn “Người cầm súng”, giải Nhì báo Văn nghệ 1968; Tiểu thuyết “Thời xa vắng”, giải A Hội Nhà văn Việt Nam, 1990. Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1... Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, Nhà văn Lê Lựu vừa qua đời tại quê nhà - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.

Mời quý độc giả xem video: "Tiểu sử nhà văn Lê Lựu".


Mai Loan