Dịch vụ chụp ảnh cưới thời bao cấp bây giờ đang là một xu hướng thu hút được khá nhiều bạn trẻ. Thế hệ 8X, 9X hôm nay cũng không ít người tự hỏi ông bà, cha mẹ chúng ta cưới xin như thế nào trong thời kỳ bao cấp - thời kỳ mà đất nước còn gặp khó khăn, hàng hóa khan hiếm, nhu yếu phẩm cần thiết đều phải phân phối theo chế độ tem phiếu.
Sách Chuyện thời bao cấp (Nhà xuất bản Thông tấn, phát hành năm 2017) có các bài viết của một số tác giả kể lại những chuyện cưới hỏi “chẳng thể nào quên” trong thời kỳ đó.
Chuẩn bị đám cưới và lễ hỏi
Tình yêu và đám cưới thời bao cấp thật giản đơn. Khi nam nữ gặp gỡ, cảm thấy có tình cảm với nhau, không xét chuyện tuổi hợp hay không, không tính thiệt hơn.
Việc đầu tiên cho một đám cưới đó là chuẩn bị buồng hạnh phúc cho đôi uyên ương. Việc này thực sự khó khăn đối với những người đang sống trong những phòng tập thể "độc thân" (phòng nam nữ thanh niên chưa xây dựng gia đình, hoặc vợ/chồng ở xa).
Tác giả Ngọc Phương trong bài Đám cưới thời bao cấp cho biết hồi đó tác giả ở cùng với ba cô bạn khác trong một phòng ở khu tập thể Thọ Lão B, Hà Nội chỉ 12 m2. Trong phòng, có cô Đ.T.M cưới trước. Chồng cô làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Khi cưới không có phòng riêng, nên mua giường phân phối đành để dựng ở góc nhà tập thể. Hàng ngày, đôi vợ chồng mới cưới ai vẫn ở nhà đấy cho đến khi sinh con trai. Mãi sau này, gia đình cô mới được phân một phòng 6 m2 (phòng 12 m2 phân đôi bằng cót ép) hai hộ chung nhau một bếp nấu ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh chung cả khu tập thể.
Có một số phòng nữ ở trong khu tập thể lại giải quyết vấn đề phòng hạnh phúc bằng cách quây ri đô che giường cá nhân. Vì thế, sau khi tất cả thành viên trong phòng lập gia đình, căn phòng 12 m2 trở thành bốn phòng hạnh phúc.
Bài Cưới xin thời bao cấp còn cho biết, nhà thơ Phạm Tiến Duật lấy vợ không có nhà để ở. Ông ở nhờ gian bếp “bẩn thỉu, hôi hám” đằng sau nhà vợ ở ngõ Yên Thế (đường Nguyễn Thái Học).
Khi nhận giấy đăng ký kết hôn, mỗi cặp được phát giấy mua một chiếc giường đôi. Hàng phân phối chỉ có một loại giường, gọi là giường giẻ quạt vì đầu giường và cuối giường có nan gỗ xòe ra như nan quạt. Giường là gỗ cấp 4, vênh, nên khi nằm cứ kêu cót két, tuổi thọ được vài năm là mọt rơi đầy nhà. Trong bài Cưới xin thời bao cấp cho biết nhà văn Lê Lựu sau ngày cưới chỉ mua được một chiếc chiếu mới và một chiếc màn, còn giường phải mượn của cơ quan.
Còn việc sắm chăn màn, ở thời điểm đó phải về vùng ngoại thành Hà Nội tìm mua phiếu vải để có màn xô, hoặc màn tuyn may sẵn. Vải phin hay vải chéo hoa của nhà máy dệt làm vỏ chăn. Hồi đó có hai loại phiếu vải: 4 m và 5 m. Loại 5 m thường cấp cho cán bộ nhà nước. Loại phiếu 5 m có kèm chữ “nữ”, được mua thêm 2 m xô màn (giải quyết “chuyện vệ sinh” của chị em) và 2 m lụa hay satin để may quần.
Việc mua chiếu và ruột chăn bông cũng rất khó khăn, thường phải chờ phòng thương nghiệp phân phối về cơ quan, từ đó chia tới các đơn vị. Hai phòng chỉ được một ruột chăn bông hoặc một phòng chỉ được một chiếu cá nhân… Ai có nhu cầu phải đăng ký rồi thương lượng nhau, nếu nhu cầu bức thiết phải tổ chức bốc thăm. Ai có ý định lập gia đình thì nhằm có hàng ở căng tin phải đăng ký ngay, không chỉ có nằm chiếu cũ.
Trước ngày cưới, các cặp mang hộ khẩu đến UBND quận để đăng ký kết hôn. Một tuần sau theo giấy hẹn, đến nhận giấy đăng ký tại phòng khách của UBND quận, nhận giấy này coi như chính thức nên vợ nên chồng. Sau này cơ quan, gia đình tổ chức lễ thành hôn cũng được mà không tổ chức cũng không sao.
Lễ hỏi, không có lễ chạm ngõ thời bấy giờ chỉ là một buồng cau, dăm chục lá trầu, vài khúc vỏ ăn trầu, vài chai rượu chanh, hoặc rượu thanh mai, rượu lúa mới, một tút thuốc Thăng Long hay Du lịch. Tất cả cho vào thùng carton chở bằng xe đạp, nhà nào sang chở bằng xe máy cùng vài cụ cao niên đại diện sang nhà gái.
Lễ cưới thường tổ chức vào cuối tuần
Trong bài Đám cưới thời bao cấp, tác giả Ngọc Phương cho biết hồi đó đám cưới không chọn ngày, chọn giờ tỉ mỉ như bây giờ. Đám cưới thường tổ chức vào buổi tối thứ bảy hoặc chủ nhật.
Phòng cưới thì mượn hội trường hay phòng họp cơ quan rồi nhờ đồng nghiệp cắt, trang trí chữ. Ban chấp hành công đoàn cơ quan đứng ra tổ chức và phục vụ hôn lễ.
Cô dâu chú rể đến phòng cưới bằng xe đạp. Sau đó nhờ người trang điểm và thay quần áo. Cô dâu mặc áo tân thời màu trắng, người có điều kiện thì may, không thì mượn. Trang điểm xong, cô dâu ôm hoa thường là 10 bông lay ơn trắng bọc giấy poluya trắng, cùng chú rể và phù dâu, phù rể tiến vào hội trường.
Tiệc cưới chỉ là tiệc bánh ngọt, gồm bánh kẹo, trà Thái Nguyên, hạt dưa, hạt bí, thuốc lá (thường là thuốc lá cuốn không nhãn mác, 100 điếu/bịch). Ngoài tiệc ngọt, một số gia đình làm vài mâm cơm mời họ hàng và bạn bè thân thiết.
Bài Cưới xin thời bao cấp cho biết đám cưới nào cũng giống nhau. Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ vào nhau bay trên chữ "hạnh phúc" to đùng, bên kia là tên cô dâu, chú rể lồng vào nhau treo dưới đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là Vui duyên mới không quyên nhiệm vụ, câu này thường treo giữa phông chính. Hai là Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, thường treo ở bên cạnh hoặc cuối hôn trường.
Lễ cưới thời bao cấp nửa họp nửa mít tinh, thường có năm mục. Một là giới thiệu cô dâu, chú rể và lý do đám cưới. Kế đến, lãnh đạo lên phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ cho cô dâu, chú rể. Sau đó, cô dâu, chú rể lên hứa xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp đó là họ nhà trai lên cảm ơn lãnh đạo và bà con hai họ. Cuối cùng là văn nghệ.
Mừng đám cưới không phải tiền mà là đa dạng quà tặng. Các món quà thường được gói bằng giấy thủ công của học sinh màu đỏ, có cắt răng cưa, dùng ghim đính lại. Tác giả bài Đám cưới thời bao cấp Ngọc Phương cho biết các món quà đám cưới của mình hồi đó gồm một lọ cắm hoa bằng thủy tinh gia công, hai chiếc cốc thủy tinh gia công, hai chiếc đĩa sắt tráng men, rá nhôm, mâm nhôm, nồi nhôm…
Tác giả còn cho biết thời bấy giờ muốn có phim chụp ảnh đám cưới phải làm đơn trình lên ban chấp hành công đoàn đơn vị duyệt, rồi xin lãnh đạo cơ quan mua một cuộn phim đen trắng với giá rẻ. Cơ quan cử phóng viên chụp ảnh giúp, sau đó vợ chồng tự in ảnh. Có những cặp sau khi cưới chẳng có tiền đành cất cuộn phim trong tủ.
Kết thúc đám cưới, chú rể chở cô dâu bằng xe đạp của mình, gia đình bạn bè cũng đi cùng. Quà mừng cưới thì cho vào bao tải mang về.
Theo Zing