Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta vẫn nghe thấy một vài người nói: "Tính tôi rất thẳng, có gì nói đó, anh đừng để bụng".
Nhưng quả thực, người khác sẽ không vì một câu nói phân trần như thế mà có thể bao dung cho cái miệng nhả ra những lời khó nghe của bạn.
Trong gia đình cũng vậy, lời nói cũng liên quan mật thiết đến hạnh phúc, tạo nên phúc đức cho gia đình.
Lời nói tử tế có thể gắn kết lan tỏa yêu thương giữa các thành viên, ngược lại, những lời nói cáu bẳn, khó nghe sẽ chỉ khiến quan hệ gia đình ngày càng rạn nứt.
Lời nói có sức mạnh rất lớn. Nó có thể xây nên một gia đình hạnh phúc nhưng cũng có thể khiến một gia đình tan nát. Chính vì thế, dù là ai cũng nên lựa lời nói năng.
Lời nói tử tế là bước đầu tiên trong việc giáo dục gia đình
Tại Trung Quốc, nhiều ông bố bà mẹ thường không tán dương hay khen ngợi con cái, thay vào đó, họ vẫn dùng biện pháp chê bai, đả kích với hy vọng chúng sẽ nhận thấy mình còn thiếu sót mà vươn lên.
Những câu nói kiểu như: "Con xem bạn rất ngoan, rất hiểu chuyện, con được bằng một nửa người ta là bố mẹ vui lắm rồi!" hay "Bố mẹ thấy con chẳng được việc gì, đến việc đơn giản vậy còn không làm được, con xem con có vô dụng không?" dường như trở thành câu cửa miệng của nhiều ông bố bà mẹ.
Phương pháp giáo dục này được gọi là phương pháp giáo dục kiểu đả kích. Rất nhiều đứa trẻ vì thế mà bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là nhóm trẻ đang ở độ tuổi mới lớn.
Ở giai đoạn này, trẻ rất muốn được người khác thừa nhận, đánh giá cao. Nếu chỉ nhận được sự đả kích, chế giễu từ cha mẹ, chúng sẽ dễ trở nên tự ti, cuối cùng không muốn giao lưu với người khác, thậm chí là xa lánh cha mẹ.
Vết thương trên cơ thể có thể phát hiện thấy nhưng những tổn thương trong lòng, do lời mắng chửi, dè bỉu, chê bai gây ra thì vô hình. Bởi thế mà trong giáo dục gia đình, những lời nói tử tế là không thể thiếu
Đừng giáo dục con cái bằng phương pháp đả kích. Dùng lời hay ý đẹp, lựa lời bảo ban, khuyến khích động viên con cái rèn luyện thể chất, tinh thần mới là việc cha mẹ nên làm.
Lời nói tử tế là thói quen nên có nhất trong hôn nhân
Từ thời cổ đại, người xưa đã nói rằng quan hệ hôn nhân tốt nhất chính là đôi bên tôn trọng yêu thương nhau, đối đãi với nhau như đối đãi khách quý. Rất nhiều người cho rằng, giữa vợ chồng với nhau, trước khi nói vẫn còn phải nghĩ, vậy có phải là rất mệt mỏi không?
Vợ chồng nói chuyện với nhau một cách khách khí không có nghĩa đang xem bạn là người ngoài mà là luôn duy trì một thói quen ngôn ngữ lịch sự, không chỉ áp dụng với bạn đời mà với bố mẹ, con cái cũng vậy. Biết quan tâm yêu thương bạn đời, vợ chồng lựa lời trò chuyện sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc cao độ cho đôi bên, hôn nhân từ đó mới bên vững, lâu dài.
Những gia đình bất hạnh, ngày này qua ngày khác chỉ có những mâu thuẫn và cãi vã, nguyên nhân phần nhiều cũng là bởi chưa lựa lời nóng năng mà ra.
Nhiều cặp vợ chồng ở với nhau lâu, sự nhẫn nại kém dần, nên mặc dù xuất phát từ ý tốt nhưng lúc nói chuyện lại không quan tâm đến cảm xúc của đối phương, lời nói ra đến miệng liền biến thành chỉ trích, oán giận, lâu dần, cuộc sống gia đình sẽ xuất hiện rạn nứt và nguy cơ đổ vỡ.
Không lựa lời nói năng tử tế dễ nghe, đó chính là "hung thủ" bóp nghẹt quan hệ vợ chồng.
Thực ra trong hôn nhân, cả vợ và chồng đều nên hiểu, nhà là nơi nói chuyện tình cảm, không phải là nơi nói chuyện thị phi, vì thế không nên dùng những lời lẽ cay nghiệt sắc lạnh để khoét sâu vào lòng đối phương.
Lời nói tử tế là biểu hiện của lòng hiếu thảo mà con cái dành cho cha mẹ
Chúng ta thường cho rằng, chỉ cần phụng dưỡng đầy đủ, cho bố mẹ ăn ngon, mặc đẹp là hiếu thuận với bố mẹ nhưng thực ra, lời nói tử tế mà chúng ta dành cho bố mẹ, đứng ở vị trí của bố mẹ để suy xét, thấu hiểu và thông cảm cho bố mẹ, đó mới là sự báo đáp ý nghĩa nhất.
Cổ ngữ có câu: Một câu nói hay ấm 3 đông, một lời ác ý lạnh 6 tháng. Những lời nói làm tổn thương người khác dù vô tình hay hữu ý thực ra đều là một dạng bạo lực – bạo lực về ngôn ngữ và kiểu bạo lực này gây ra những tổn thương còn đáng sợ hơn những vật hữu hình.
Vì thế, hãy thay đổi cách ăn nói. Mỗi người chúng ta đều nên học cách dùng tình yêu và lòng khoan dung để lắng nghe và đối xử với nhau. Để có một gia đình hạnh phúc, không thể thiếu tình yêu và lòng biết ơn.
Chúng ta thường nói rằng, nói năng là một nghệ thuật, nói phải biết lựa lời để nói nhưng chính tại gia đình, lời nói lại dễ được phát ra một cách tùy tiện nhất. Muốn có được hạnh phúc, xin hãy bắt đầu từ việc lựa lời trong các cuộc trò chuyện với người thân.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep