Việt Nam từ xa xưa đã có thầy đồ, ông giáo, nhưng họ đều là nam giới. Người phụ nữ đầu tiên làm nghề giảng dạy ở nước ta xuất hiện vào thế kỷ 15, dưới thời nhà Lê. Bà chính là Nguyễn Thị Lộ (1400-1442). Bà Nguyễn Thị Lộ quê ở làng Hải Triều (còn gọi là Hải Hồ), nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà xuất thân trong một gia đình khá giả, có cha làm nghề bốc thuốc. Từ bé, Nguyễn Thị Lộ đã được đọc sách, tinh thông Tứ thư, Ngũ kinh, Nam y, Nam sử…
Nguyễn Thị Lộ không chỉ thông minh, học rộng hiểu nhiều mà còn rất xinh đẹp. Trong một lần lên kinh thành bán chiếu, bà gặp Nguyễn Trãi và nên duyên với nhau. Từ khi làm thiếp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đã giúp chồng rất nhiều trong công việc, còn dạy cả con em thủ lĩnh và nghĩa quân ở Lam Sơn.
Sau khi vua Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Thị Lộ được đưa vào cung, phong làm Lễ nghi Học sĩ. Công việc của bà là thay vua và hoàng hậu quán xuyến mọi việc trong cung, thiết lập kỷ cương, dạy cung nữ và giảng sách cho vua.
Nguyễn Thị Lộ chính là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam được giao chức vụ cao như vậy. Nói cách khác, trường hợp của bà là chưa từng có tiền lệ ở thời kỳ trọng nam khinh nữ đó. Từ đây đánh dấu cột mốc quan trọng: Việt Nam có nhà giáo đầu tiên là phụ nữ.
Sử thần Vũ Quỳnh (1452 - 1516) từng khen người thiếp của Nguyễn Trãi rằng: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một "Minh Quân" khác hẳn trước”.
Nhưng biến cố sau đó ập đến. Năm 1442, vua Lê Thái Tông sau một lần ghé Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi đã lâm bệnh nặng mà qua đời. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị vu tội giết vua, tru di tam tộc.
Mãi đến 20 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Đại thần và vợ bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh hãm hại vì đã giúp đỡ bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông). Bên cạnh đó là sự thù ghét của một nhóm quan lại trong triều đình ngày ấy.
Theo SHTT&ST