Người đàn bà đó họ Tống, cũng là con cháu dòng họ Tống Phước gốc ở Thanh Hóa có nhiều người làm quan ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sử nhà Nguyễn vẫn gọi bà ta là Tống Thị, là vợ của vương tử Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng của vị chúa thứ 2 họ Nguyễn - Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên.
Sau khi vào Nam đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng làm chủ dải đất phía Nam sông Gianh, phân chia sơn hà với thế lực vua Lê, chúa Trịnh ở miền Bắc. Theo thông lệ, con trưởng của các chúa Nguyễn được điều vào trấn thủ Quảng Nam, và đến đời Chúa Sãi, vương tử trưởng Nguyễn Phúc Kỳ cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, vương tử Phúc Kỳ không may qua đời sớm (năm 1631), nên đến năm 1635, khi Chúa Sãi qua đời, vương tử thứ hai là Nguyễn Phúc Lan được tôn lên ngôi chúa, thường gọi là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.
Là một người đàn bà rất nhiều tham vọng, nên sau khi chồng chết, lỡ cơ hội trở thành quốc mẫu, Tống Thị vẫn không từ bỏ hy vọng bước lên đỉnh cao giàu sang và quyền lực. Bà ta tới phủ Kim Long gặp Chúa Thượng, đem tình trạng đau khổ của mình ra than vãn, lại đem một chuỗi ngọc bách hoa dâng lên.
Vốn là một mỹ nữ tuyệt sắc, ăn nói duyên dáng, cử chỉ gợi tình, sụp lạy dưới thềm, than khóc cảnh góa bụa, Tống Thị đã khiến chúa xiêu lòng.
Người ta còn kể giai thoại rằng, chiếc vòng liên châu của Tống Thị tỏa ra hương thơm mê hoặc, khiến chúa Nguyễn Phúc Lan mê mẩn, dẫn đến rơi vào mối tình loạn luân chị dâu – em chồng.
Từ đó, chúa quyết định để Tống Thị được tự do ra vào phủ của mình, để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ. Thị thần cũng có người can ngăn nhưng Chúa bỏ ngoài tai không nghe.
|
Ảnh minh họa |
Nhờ vào sự gần gũi với Chúa Thượng, Tống Thị ra tay làm giàu bằng cách nhận hối lộ của những kẻ luồn cúi cầu cạnh, thẳng tay bóc lột đám dân đen nên nhanh chóng trở nên giàu có. Tiền của bà ta nhiều không đếm xuể, vàng bạc châu báu chất đầy rương hòm, ruộng đất bạt ngàn.
Các quan lại trong phủ Chúa và nhân dân rất căm phẫn, có người quyết chí phải giết cho bằng được Tống Thị khiến bà ta vô cùng sợ hãi.
Nhân có cha là Tống Phước Thông ở Bắc Hà đang được chúa Trịnh Tráng tin dùng, bà ta liền bí mật gửi thư xin Trịnh Tráng cất quân đánh vào Nam và hứa sẽ đem gia tài giúp vào việc quân. Trịnh Tráng nhận thư, liền cùng triều thần bàn việc cất quân đánh vào Đàng Trong.
Năm 1643, quân Trịnh vào Nam nhưng không thu được thắng lợi gì, và âm mưu của Tống Thị chưa bại lộ nên không bị Chúa Thượng trị tội.
Năm 1648, quân Trịnh lại tấn công vào Nam lần nữa. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cầm quân chống lại, nhưng bị ốm rồi qua đời ở tuổi 48, con trưởng ông là Nguyễn Phúc Tần lên nối ngôi, tục gọi là Chúa Hiền.
Lúc này, Tống Thị lại phạm tội một lần nữa. Theo sách Đại Nam thực lục, tiền biên, nguyên trước kia, khi Tống Thị ở bên Chúa Thượng đã làm nhiều chuyện bậy bạ, quan Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung (Tôn Thất Trung - em ruột Chúa Thượng, con thứ tư của Chúa Sãi) muốn giết đi, Tống Thị sợ quá bèn tìm cách phải bủa lưới tình với Trung.
Rốt cuộc, bằng khả năng điêu luyện của mình, Tống Thị đã chinh phục được Tôn Thất Trung, từ đó hai người người tư thông với nhau. Tống Thị lại bước vào mối tình loạn luân chị dâu - em chồng thứ hai bất chấp miệng lưỡi chê bai phỉ nhổ của người đời.
Chưa thỏa mãn dục vọng, Tống Thị lại xúi giục Tôn Thất Trung mưu đồ phản nghịch để soán đoạt ngôi chúa. Lúc này cơ mưu bị bại lộ, Tôn Thất Trung bị tống giam còn Tống Thị thì bị xử tử, gia sản to lớn bị tịch thu.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có người đàn bà nào dùng nhan sắc quyến rũ được những người quyền lực to lớn đến vậy. Thậm chí, nếu âm mưu móc nối với chúa Trịnh của bà ta thành công, thì cơ nghiệp của các chúa Nguyễn cũng lung lay.
Tống Thị quả là một người đàn bà nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Theo Khám Phá