Người mẹ phi thường
Nhà giáo, Nghệ sĩ nhân dân Thái Thị Liên sinh năm 1918 trong một gia đình trí thức danh giá có 7 người con ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Bố của bà là một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp – kỹ sư Thái Văn Lân. Anh ruột của bà là Thái Văn Lung, luật sư nổi tiếng, tên của ông đã được đặt tên cho một tuyến phố trung tâm của TPHCM. Chị ruột của bà là nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Lang, cũng là một nghệ sĩ piano danh tiếng.
|
Bà Thái Thị Liên (giữa) cùng các anh chị em ngày nhỏ. |
Khi lên 4 tuổi, nghệ sĩ Thái Thị Liên đã được gia đình cho học piano tại trường dòng và tiểu học dành cho con em người Pháp, bà học trong vòng 7 năm.
Năm 11 tuổi, bà đã học đàn chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp. Năm 16 tuổi, bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn.
Năm 1946, bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Conservatoire Paris. Trong quãng thời gian học tập tại đây, bà đã gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, em ruột cố Tổng Bí thư Trần Phú), Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp lúc đó.
Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc cũ). Sau đó, bà đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha.
|
Bà Thái Thị Liên thời trẻ. |
Cuối năm 1951, chiến tranh trong nước diễn ra ác liệt, bà trở về nước, địu con gái Thu Hà chưa đầy 2 tuổi cuốc bộ xuyên rừng hơn trăm cây số tới chiến khu Việt Bắc đoàn tụ với chồng. Không may, chồng của bà mất vì bệnh khi con trai chưa kịp chào đời. Bà một mình sinh con, rồi nuôi hai con nhỏ.
Sau đó, bà đã gặp nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, nên nghĩa vợ chồng với ông và sinh ra Đặng Thái Sơn.
Cả cuộc đời, Nhà giáo nhân dân (NGND) Thái Thị Liên dành trọn vẹn cho âm nhạc. Trong tâm trí đồng nghiệp, học trò, đặc biệt là những người con, nghệ sĩ Thái Thị Liên là một người thầy, người mẹ vĩ đại.
|
Bà Thái Thị Liên bên hai con thời trẻ. |
Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ về NSND Thái Thị Liên – người thầy mà ông vẫn gọi là “bác Liên”:
“Cuộc đời của bác là 1 bức tranh toàn cảnh lịch sử bi thương của dân tộc VN trên 100 năm qua. Trải qua bao hy sinh, gian khó, bác đã dâng cho cuộc đời những người con tầm vóc lớn lao, đi vào lịch sử văn hóa của Việt Nam và quốc tế”.
NSND Đặng Thái Sơn hồi tưởng: “Má vừa là người mẹ, nhưng cũng rất quan trọng là người thầy. Tôi thành danh từ cuộc thi piano Chopin, mà người mang đến tôi tình yêu với nhạc Chopin cũng là má. Trong một đêm tĩnh lặng ở nơi sơ tán, tôi được nghe những bản nhạc của Chopin từ má, giúp tôi thức tỉnh tình yêu ấy".
|
Bà Thái Thị Liên cùng hai con trai năm 2022. |
Chính những bản nhạc Nocturne, Mazurka mà người má của ông chơi trong các đêm thanh vắng nơi thôn dã ấy đã gieo vào trong cậu bé 8-9 tuổi Đặng Thái Sơn một tình yêu thấm sâu với âm nhạc Chopin. Bà là người thầy dạy đàn đầu tiên của ông, cũng như những người con khác của mình.
Những năm 1950 – 1970, khi người chồng Đặng Đình Hưng gặp "gặp nạn" vụ Nhân Văn giai phẩm, mất việc làm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, một mình bà Thái Thị Liên đã nuôi cả gia đình đông đúc con chung - con riêng chỉ bằng nghề dạy đàn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, chia cắt.
“Má gánh cả đàn con lẫn chồng”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn trải lòng trên báo và cho biết, từ lúc ông sinh ra, hoàn toàn chỉ có má ông nuôi hết. Gian nan, tủi nhục thì vô chừng, nhưng má không một lời than trách chồng hay kể công mình. Sau này lớn lên, nhìn lại ông mới giật mình nhận ra sự phi thường của má.
Trên đời quý nhất hai thứ: cây đàn Piano và chiếc đồng hồ
Tháng 11/1956, NSND Thái Thị Liên cùng một số nhạc sĩ nổi tiếng khác sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho tới năm nghỉ hưu 1977. Bà là người thầy của nhiều nghệ sỹ, nhà giáo ưu tú nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Đỗ Hồng Quân... Trong ký ức của các học trò, bà như người mẹ hiền, và là người thầy vĩ đại.
|
Người mẹ vĩ đại, cũng là người thầy đầu tiên của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. |
Trong cuốn “Ký ức người thầy”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Tôi may mắn được tiếp xúc với âm nhạc từ sớm, và còn may mắn hơn nữa là được học những nốt nhạc đầu tiên trên phím Piano với một người Thầy - như người mẹ hiền. Bác đã cầm tay, chỉ ngón cho tôi từ ô nhịp đầu tiên, những thăng giáng đầu tiên trên con đường âm nhạc”.
“Giờ học đàn với bác (cháu xin phép được gọi bác là bác như từ ngày xưa đến giờ) bao giờ cũng bắt đầu bằng bài chạy gam. Bác yêu cầu ngồi thẳng lưng, thả lỏng cánh tay, giơ cao hai tay lên và thả xuống trúng phím đàn – đó là Non-legato. Rồi đến Staccato là mổ ngón tay trên phím đàn sao cho nhanh, gọn và thật nẩy. Rồi mới tới Lagato và chạy gam: xuôi chiều, ngược chiều, quãng ba, quãng 6… cứ thế từ gam, rồi đến Rải và sau mới tới bài tập Etude, tiểu phẩm, phức điệu…
Nhà tôi và nhà bác ở không xa nhau. Bố tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) chơi thân với bác trai (nhà thơ Đặng Đình Hưng). Hai ông đều là cán bộ chính trị trong quân đội. Từ đầu phố Nguyễn Thái Học – Cửa Nam, qua Đình Ngang sang Tống Duy Tân, khi đó còn có chợ Kỳ Đồng họp cả ngày đông vui tấp nập như một chợ quê, chỉ độ chừng 500 mét.
Gia đình bác ở trên gác ba ngôi nhà Pháp cổ, phải đi qua chiếc cầu thang gỗ hẹp và tối mới lên được căn phòng nhỏ của bác, vừa là nơi ở vừa là nơi lên lớp, dạy học.
Có những lần tôi đi học muộn, đứng chờ trước cửa nghe có tiếng đàn vọng ra là tim tôi đập thình thình, tôi sợ bác mắng. Bác ra mở cửa, nhìn thấy tôi bé nhỏ đứng đợi, bác nghiêm giọng nói: “Tại sao cháu đi học muộn? trễ 5 phút rồi đó!”. Và bác nói tiếp: “Trên đời này, bác quý nhất hai thứ: đó là cây đàn Piano và chiếc đồng hồ”. Chiếc đồng hồ - sau này lớn lên tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó, đó chính là thời gian”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hồi tưởng.
Còn nghệ sĩ Nguyễn Thị Liên thì nhớ nhất kỷ niệm về bài học “biết nghe là điều quan trọng nhất đối với người chơi đàn” từ người thầy Thái Thị Liên: “Từ bé đến giờ tôi thấy má rất hiền, luôn vui vẻ. Đôi lúc má cũng giận khi gặp chuyện bất bình. Tôi trộm nghĩ má cũng nhiều chuyện buồn, nhưng má không muốn ai buồn vì má cả.
Tôi học đàn piano với má gần như mười năm, có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Với cô học trò “quậy” như tôi, má cũng khổ.
Má nghiêm lắm, lại bắt được “vía” của tôi. Có lẽ cũng vì thế mà tôi ngoan hơn đó. Nhớ một lần trả bài, quên cả má ngồi cạnh, tôi say sưa chơi bản Etude Burgmuller mà tôi rất thích. Bất ngờ, má đập vào tay làm tôi giật mình suýt ngã. Má còn quát lên với vẻ giận lắm: “Pedal để thế bẩn quá, không nghe à, trời ơi là trời!”.
Đúng rồi, má luôn nhắc phải tập nghe. Thì ra, khi say sưa, tôi quên cả pedal, để lung tung chẳng kiểm soát được...Sau lần trả bài nhớ đời ấy, tôi mới biết nghe là điều quan trọng nhất đối với người chơi đàn”.
Theo thông tin từ gia đình, bà Thái Thị Liên qua đời lúc 9h ngày 31/1, tức mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão, tại nhà riêng ở Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 106 tuổi. Bà Thái Thị Liên ra đi thanh thản. Những ngày cuối đời, bà được sống quây quần bên con cháu.
Lễ viếng nghệ sĩ Thái Thị Liên được tổ chức lúc 7h30 ngày 4/2, tức 14 tháng Giêng tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Mai Nguyễn