Mưu thâm kế hiểm thời Tam quốc

Google News

Thời kỳ Tam quốc đầy rẫy những mưu kế, trong đó, giả bệnh cũng là một trong các mưu kế được dùng và mang lại hiệu quả cho người chủ mưu.

Nói đến mưu giả bệnh thời Tam quốc, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Tư Mã Ý. Trước sự kiện binh biến lăng Cao Bình, khi Tư Mã Ý đối mặt với thế lực lớn mạnh của Tào Sảng, chỉ có thể chọn cách giả bệnh, để tránh chịu bức áp hơn nữa từ phía Tào Sảng.

Dĩ nhiên là sau khi Tào Sảng buông lỏng cảnh giác với ông thì Tư Mã Ý cũng chẳng cần giả bệnh tật nữa và nhân cơ hội đó phát động binh biến lăng Cao Bình, giết được Đại tướng quân của Tào Ngụy là Tào Sảng.

Tư Mã Ý và âm mưu giả bệnh đoạt thiên hạ

Tư Mã Ý (sinh năm 179, mất ngày 7/ 9/251), tự là Trọng Đạt, người ở phường Hiếu Kính, huyện Ôn, quận Hà Nội (nay là huyện Ôn, thị trấn Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam).

Thời Tam quốc ông là danh tướng, quyền thần nhà Ngụy và cũng là một trong những người đặt nền móng cho vương triều Tây Tấn.

Tư Mã Ý từ nhỏ đã thông minh mưu trí, học rộng biết nhiều, thông thạo Nho giáo.

Bởi vì nhà Hán bị Tào Tháo khống chế trong tay nên Tư Mã Ý từng từ chối chức quan mà Tào Tháo ban cho, nhưng đến năm Kiến An thứ 23 tức năm 208, sau khi Tào Tháo đảm đương vị trí Thừa tướng, đã cưỡng chế chiêu mộ Tư Mã Ý làm Văn học duyện.

Bởi vì Tư Mã Ý từng ủng hộ Tào Tháo xưng đế cho nên dần dần về sau đã chiếm được tin tưởng của Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo tự xưng là Ngụy vương, phong Tư Mã Ý làm Thái tử trung thứ tử để phò trợ Tào Phi, giúp Tào Phi giành được thắng lợi trong trận chiến tranh vị trí kế vị.

Đến khi Tào Phi lâm chung, lệnh cho Tư Mã Ý và Tào Chân trở thành Phù chính đại thần, phò tá cho Ngụy Minh Đế Tào Duệ.

Muu tham ke hiem thoi Tam quoc

Hình ảnh nhân vật Tư Mã Ý trên phim.

Khi Ngụy Minh Đế lên ngôi, Tư Mã Ý lần lượt nắm các vị trí quan trọng như Phủ quân Đại tướng quân, Đại tướng quân hay Thái úy… Trước khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ lâm chung, ông đã gửi gắm hoàng đế còn nhỏ tuổi là Tào Phương cho Tư Mã Ý và Tào Sảng.

Sau khi Tào Phương kế vị, Tư Mã Ý chịu sự bài xích của Tào Sảng, phải thăng chức lên vị trí Thái phó không có thực quyền.

Tháng 4 năm Chính Thủy thứ tám (tức năm 247), phu nhân của Tư Mã Ý là Trương thị qua đời. Tào Sảng dùng mưu kế của tâm phúc là Hà Yến, Đặng Dương cùng Đinh Mật giam lỏng Quách Thái hậu vào Vĩnh Ninh cung, bấy giờ anh em Tào Sảng đã "nắm trong tay triều đình, thống lĩnh cấm quân".

Vào tháng 5 cùng năm ấy, Tư Mã Ý giả vờ sinh bệnh, không lo việc trong triều. Mặc dù Tư Mã Ý và Tào Sảng đều là đại thần được Tào Duệ gửi gắm phò tá cho vua, nhưng Tào Sảng là tông thất nhà Tào Ngụy, trong tay lại nắm binh quyền, cho nên nếu không nắm chắc phần thắng trong tay, Tư Mã Ý sẽ không muốn đối chọi trực tiếp với Tào Sảng.

Đồng thời, bấy giờ tuổi tác Tư Mã Ý đã cao, nếu dùng cách giả bệnh để Tào Sảng buông lỏng cảnh giác quả thực là một phương án hợp lí.

Tháng 3 năm Chính Thủy thứ chín (tức năm 248), Thái giám Trương Đương đem Trương Tài nhân, Hà Tài nhân cùng 11 người khác tặng cho Tào Sảng, Tào Sảng cùng Hà Yến nhân cơ hội này để câu kết cùng Trương Đương, âm mưu phá hoại giang sơn.

Tào Sảng cùng vây cánh của mình lo sợ Tư Mã Ý chỉ đang giả vờ bệnh, cho nên mùa đông năm ấy, phủ doãn Hà Nam là Lý Thắng đến Kinh Châu nhậm chức Thứ sử, trước khi đi có đến thăm Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý giả bộ bệnh nặng, Lí Thắng gặp xong liền về báo với Tào Sảng rằng: "Tư Mã Ý giờ chỉ còn giống như bộ xương khô, bệnh liệt giường không dậy nổi, chỉ còn lại chút hơi tàn, chứ hồn cũng lìa khỏi xác rồi, không đáng để ngài lo lắng."

Muu tham ke hiem thoi Tam quoc-Hinh-2

Tư Mã Ý đã dùng kế giả bệnh để Tào Sảng lơ là phòng bị.

Về sau lại nói: "Thái phó không thể nào khỏe lại được, khiến người ta tiếc thương". Sau khi nhận được tin tức của Lý Thắng, Tào Sảng cùng đồng đảng cũng dần không còn phòng bị Tư Mã Ý nữa.

Tháng Giêng năm Gia Bình nguyên niên (tức năm 249), Hoàng đế Tào Phương rời Lạc Dương đến Lăng Cao Bình bái tế Ngụy Minh Đế, theo cùng có Đại tướng quân Tào Sảng, Trung lệnh quân Tào Hi, Vũ vệ tướng quân Tào Huấn.

Nếu như lúc trước Tư Mã Ý không giả bệnh nặng, thì Tào Sảng chắc chắn sẽ không mang theo hết tâm phúc của mình theo cùng, mà sẽ để lại vài tướng lĩnh trấn thủ Lạc Dương. Nhưng cũng chính vì Tư Mã Ý không còn đáng lo nữa, cho nên Tào Sảng đã không có sắp xếp phòng ngừa thích hợp.

Chính vì thế, Tư Mã Ý đã nhân cơ hội này, bẩm tấu với Quách Thái hậu, xin phế bỏ anh em Tào Sảng.

Bấy giờ, Tư Mã Sư là Trung hộ quân, dẫn quân đóng ở phủ Tư Mã, khống chế đô thành Lạc Dương. Còn Tư Mã Ý thì đích thân cùng Thái úy Tưởng Tế dẫn theo binh mã đi nghênh đón Hoàng đế, đóng quân tại Phù Kiều, Lạc Thủy, cử người dâng tấu chương kể rõ tội trạng của Tào Sảng.

Cuối cùng, Tào Sảng chấp nhận không chống trả, nhờ đó mà Tư Mã Ý giành được chiến thắng trận binh biến lăng Cao Bình. Về sau, ông không chỉ nắm được quyền hành trong triều mà hơn thế còn tạo cơ sở vững chắc để con cháu nhà Tư Mã xây dựng nên vương triều Tây Tấn. 

Theo Khánh An/Báo Tổ quốc