Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, triều đình nhà Thanh trở nên bất lực trước sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là phương Tây. Đó là thời điểm phong trào Nghĩa Hòa Đoàn trỗi dậy, với khẩu hiệu “ủng hộ Thanh triều, tiêu diệt người Tây”.
Nội bộ nhà Thanh khi đó một phần ủng hộ Nghĩa Hòa Đoàn, một phần tỏ ra nhún nhường phương Tây để Từ Hi Thái Hậu có thể tiếp tục nắm quyền. Do đó, nhà Thanh làm ngơ để Nghĩa Hòa Đoàn tập hợp lực lượng, sát hại người nước ngoài, chủ yếu ở khu vực xung quanh Bắc Kinh.
Quân phương Tây với vũ khí vượt trội đánh bại Nghĩa Hòa Đoàn và quân Thanh triều.
Tuyên chiến phương Tây
Đến giữa năm 1900, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn trở nên mạnh mẽ với hơn 100.000 người. Đó là thời điểm mà các đại thần trong triều Thanh truyền tai nhau về khả năng phương Tây muốn “phế truất Từ Hi Thái Hậu, chuyển giao quyền lực cho người khác”.
Đại thần nhà Thanh khi đó là Vinh Lộc đã mật báo lên Hoàng Thái Hậu. Trong bối cảnh người phương Tây tùy nghi hoạt động ở Trung Quốc, không tuân theo mệnh lệnh của chính quyền phong kiến, Thái Hậu càng tin việc mình bị phế truất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Từ Hi Thái hậu khi đó nhận được sự ủng hộ của các đại thần trong triều, cam kết tận trung đến cùng. Thái hậu được cho là đã nói rằng: "Chiến đấu cũng chết, không chiến đấu cũng chết, đợi cũng chết, vậy thì do dự gì nữa mà không đánh".
Theo các nhà sử học, thông tin phương Tây muốn lật đổ Từ Hi Thái Hậu thực chất không chính xác. Chỉ là nhận định một chiều từ một tờ báo bằng tiếng Anh xuất bản ở Thượng Hải. Người phương Tây khi đó thực chất đã được trao rất nhiều quyền lợi kể từ Chiến tranh Nha phiến.
Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Bắc Kinh.
Chính quyền nhà Thanh khi đó gần như chỉ còn là bù nhìn không nắm thực quyền. Nhưng với quyết định ngả hẳn về Nghĩa Hòa Đoàn, 100.000 quân Thanh đã hợp sức cùng hơn 100.000 thành viên Nghĩa Hòa Đoàn nhằm “quét sạch bóng dáng người nước ngoài ở Bắc Kinh”.
Liên quân 8 nước xâu xé Trung Quốc
Trước khi quân nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn tiến vào Bắc Kinh, lực lượng nước ngoài đã được tăng cường ở khu tòa công sứ và các cơ sở khác của người phương Tây.
Ngày 31/5/1900, một lực lượng viễn chinh gồm 56 lính Thủy quân lục chiến Mỹ được triển khai đến Bắc Kinh. Họ cùng với khoảng 350 lính ngoại quốc khác hình thành một vành đai phòng thủ bên ngoài. Tòa công sứ khi đó có 473 nhân viên ngoại giao phương Tây trú ẩn và sau đó là hàng ngàn người Trung Quốc theo Công giáo.
Từ đầu tháng 6/1900, quân nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn bắt đầu tấn công dữ dội vào khu tòa công sứ. Thủy quân lục chiến Mỹ cùng binh sĩ các nước khác cố gắng chống cự, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công.
Thủy quân lục chiến Mỹ và Đức khi đó trấn giữ tường thành Tartar cao hơn 13 mét ở mạn phía nam của tòa công sứ. Đây được coi là nơi trọng yếu nhất vì từ đây có thể quan sát rõ ràng tình hình trên chiến trường. Quân Thanh và Nghĩa Hòa Đoàn liên tục dùng đại bác và các loại hỏa lực công phá vị trí này, đồng thời dựng lên một hệ thống chướng ngại vật ngày càng áp sát tường thành.
Ngày 2/7, lực lượng phòng thủ của Đức bị đẩy lùi. Có thời điểm quân Trung Quốc chỉ cách tường thành vài mét. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, lính thủy đánh bộ Mỹ mở cuộc phản công.
Nhóm binh sĩ phương Tây quyết tử thủ ở tòa công sứ.
2 giờ sáng hôm sau, dưới trời mưa tầm tã, đại úy John Twiggs Myers dẫn đầu lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cùng một nhóm nhỏ binh sĩ Anh, Nga tấn công vào các vị trí của quân nổi dậy bên ngoài tường thành.
Choáng váng vì bị tấn công bất ngờ, quân nổi dậy tuy đông nhưng chỉ là những thành phần ô hợp, nhanh chóng vỡ trận, hò nhau tháo chạy.
Trong suốt thời gian 55 ngày bị vây hãm, Thủy quân lục chiến Mỹ cùng quân đội các nước khác đã cầm cự trước những cuộc tấn công liên tiếp của Nghĩa Hòa Đoàn và quân triều đình trong môi trường tác chiến đô thị.
Họ hiểu rằng nếu thất bại, chính bản thân các binh sĩ và người phương Tây trong khu tòa công sứ có thể sẽ bị mất mạng.
Trong khi đó, lực lượng liên hợp bao gồm quân đội 8 nước lên tới 55.000 người, trong đó lớn nhất là Nhật Bản (20.300 người) đổ bộ vào đất liền và chiếm được Thiên Tân, thành phố cảng phía Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 14/7.
Đến ngày 4/8, khoảng một nửa trong số đội quân liên hợp bắt đầu hành trình dài 120km tiến đến Bắc Kinh. Đối đầu trên đường đi là 70.000 quân triều đình và 50-70.000 quân Nghĩa Hòa Đoàn. Đội quân liên hợp dù quân số ít hơn nhưng rất thiện chiến, chỉ gặp phải những ổ kháng cự nhỏ.
Lực lượng liên quân 8 nước duyệt binh ở Bắc Kinh sau khi đánh bại quân triều đình.
Đến ngày 14/8, đội quân liên hợp mở cuộc tấn công quyết định vào Bắc Kinh. Quân Thanh và Nghĩa Hòa đoàn thất thủ chỉ trong vòng chưa đầy một ngày. Đến chiều cùng ngày, binh sĩ Anh là những người đặt chân đến tòa công sứ đầu tiên.
Về phần Từ Hi Thái Hậu, bà đã cùng đoàn tùy tùng rời Tử Cấm Thành đến Tây An lánh nạn. Người ta nhìn thấy Thái Hậu mặc trang phục của một nông dân cùng Hoàng đế Quang Tự trèo lên ba chiếc xe bò bằng gỗ rời khỏi Bắc Kinh, theo cuốn sách "Vây hãm Bắc Kinh: Chuyện về phong trào Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900", xuất bản ở Anh năm 1999.
Từ Hi Thái Hậu nhường quyền kiểm soát Bắc Kinh cho phương Tây trong hơn một năm, cho đến khi ký kết hòa ước vào năm 1901.
Hòa ước bao gồm các điều khoản có lợi cho phương Tây, buộc nhà Thanh phải bồi thường 450 triệu lạng bạc trong 39 năm, với mức lãi suất 4%/năm. Con số 450 triệu tương đương với dân số Trung Quốc thời điểm đó, tức là mỗi người phải trả 1 lạng.
Tính ra Trung Quốc phải trả 668 triệu lạng bạc từ năm 1901-1939, tương đương 61 tỷ USD theo tỷ giá năm 2010. Thất bại năm 1900 trước liên quân 8 nước gây ra những hậu quả sâu rộng, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh sau đó 12 năm.
Theo Đăng Nguyễn/Khám Phá