Đã có thời gian rất dài, thời đại An Dương Vương với thành Cổ Loa và nước Âu Lạc - nhà nước thứ 2 trong lịch sử Việt Nam luôn bị che mờ bởi những huyền thoại rất khó tin.
Tuy nhiên, với những thành tựu của khảo cổ học, các huyền thoại đó dần được sáng tỏ, từ thành Cổ Loa tới truyền thuyết "nỏ thần" An Dương Vương.
Từ truyền thuyết
Chuyện kể rằng, sau khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thần Kim Quy trao cho ông một chiếc móng vuốt để làm lẫy nỏ giữ thành. Chiếc Nỏ Thần được tướng quân Cao Lỗ chế tạo thành công, với cái lẫy được làm từ móng chân của thần Kim Quy.
Nỏ Thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng. Chiếc nỏ lớn và rất cứng, phải là người lực sĩ mới giương nổi. An Dương Vương quý chiếc nỏ thần vô cùng, lúc nào cũng để gần bên cạnh.
Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân xâm lược Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần nên quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều.
|
Hình vẽ nỏ thần An Dương Vương. |
Triệu Đà thấy dùng binh không lợi bèn xin giảng hoà, mặt khác cho con là Trọng Thuỷ sang cầu thân nhưng thực chất là tìm cách để lấy trộm lẫy của nỏ thần. An Dương Vương không hề nghi ngờ gì cả, vả lại ông tin tưởng vào nỏ thần nên lơ là mất cảnh giác. Trọng Thuỷ sau khi lấy trộm được chiếc lẫy của nỏ thần bèn xin phép An Dương Vương để về nước thăm cha.
Biết được bí mật của nỏ thần, lại có được chiếc lẫy trong tay nên Triệu Đà cả mừng và lập tức mang quân xâm chiếm Âu Lạc. An Dương Vương vì chủ quan có nỏ thần nên dẫn tới nước mất nhà tan.
Nghe tới đây, hầu hết đều cho rằng chuyện nỏ thần bắn một lần hàng trăm mũi tên bách phát bách trúng chỉ là truyền thuyết.
Tuy vậy, các nghiên cứu khảo cổ chỉ ra rằng chuyện thần Kim Quy cho vuốt là truyền thống nhưng “nỏ thần” với sức mạnh khủng khiếp khiến kẻ địch “thất kinh mất vía” lại có thật.
Sự thật không ngờ
Mà ngạc nhiên là chuyện “nỏ thần” lại được chính sử sách Trung Quốc thừa nhận. Cuốn Lịch sử Kỹ thuật Quân sự Việt Nam (giản yếu) của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân dẫn nguồn sách “Tam tài đồ hội” do Vương Kỳ (nhà Minh) soạn có nói đến các máy nỏ thời cổ như loại tam cung sàng lỗ, nhị cung sàng lỗ, thần tý sàng lỗ…
Trong đó, loại nhị cung sàng lỗ có hai cánh cung, có trục để giương nỏ vì cánh nỏ rất cứng, không giương trực tiếp bằng tay được. Loại nỏ này một phát bắn được đồng thời năm mũi tên qua một cái ống như kiểu nòng súng.
Khảo cổ học còn cung cấp một bằng chứng về sự tồn tại của máy nỏ thời Đông Sơn. Đó là những chiếc lẫy nỏ Làng Vạc khá nguyên vẹn, còn đầy đủ các bộ phận hợp thành.
|
Phục dựng nỏ thời An Dương Vương. |
Chiếc lẫy nỏ này gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ. Bốn bộ phận gồm: hộp lẫy rỗng hình chữ nhật, một đầu vát, miệng hộp có rãnh đặt tên và khấc để giữ dây cung; lẫy cong để tiện bóp cò; hai bộ phận còn lại là hai thanh đồng dùng để đưa dây cung vào khấc hãm.
Theo tài liệu dân tộc học, trước đây người ta đã đào được ở chân thành Cổ Loa một cái ống đồng dài khoảng 0,5m, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như lỗ cây sáo. Phải chăng ống đống này là bộ phận của chiếc nỏ.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Cổ Loa có tục rước nỏ thần. Chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ, trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên, tượng trưng cho máy nỏ An Dương Vương một phát bắn đi nhiều mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này cũng có những nét tương đồng với ống đồng nói trên.
Đương nhiên, từ những tài liệu nêu trên, ta chưa thể phục dựng chính xác “nỏ thần” của người Âu Lạc đã làm giặc ngoại xâm phải khiếp vía, nhưng cũng đã đủ để khẳng định sự tồn tại thực sự của loại vũ khí lợi hại của tổ tiên ta thời dựng nước.
Mời độc giả xem phóng sự "người phục chế nỏ thần An Dương Vương": Nguồn: Truyền hình Nhân dân.
Hoàng Lê