Theo Đại Việt sử ký toàn thư, phần Kỷ Hồng Bàng, tục truyền Thánh Gióng sống vào đời Hùng Vương thứ sáu, có công đánh đuổi giặc Ân.
Ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương
Theo truyền thuyết, ngựa sắt là một trong những vũ khí mà Thánh Gióng yêu cầu nhà vua chuẩn bị cho mình khi ra trận. Cùng với ngựa sắt, Phù Đổng Thiên Vương còn dùng roi sắt, áo giáp sắt. Thánh Gióng đã lao vào thiên binh vạn mã tả xung hữu đột, phá tan đội hình giặc.
Sau khi đánh tan giặc Ân, ngựa sắt cùng Thánh Gióng lên đỉnh núi Sóc Sơn bay về trời. Nhớ công lao của ông, nhà vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ ngày nào để lập đền thờ, cúng tế.
Về sau, Lý Thái Tổ phong Thánh Gióng là Xung Thiên Thần Vương. Hiện nay, đền thờ Thành Gióng ở cạnh chùa Kiến Sơ, thuộc Sóc Sơn, Hà Nội.
Thánh Gióng dù là truyền thuyết, đã thể hiện tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta từ nghìn đời. Trong đó, những vũ khí đặc biệt thể hiện sự sáng tạo của người Việt là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công.
Nỏ Liên Châu của An Dương Vương
|
Nỏ Liên Châu. Ảnh: Internet |
Nỏ do tướng quân Cao Lỗ chế tạo dưới thời Thục Phán An Dương Vương, được đặt tên Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.
Khác với nỏ thường, Liên Châu có thể bắn một lần được nhiều phát tên (các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn). Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng “cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”.
Còn theo truyền thuyết, sau khi giúp An Dương vương xây xong thành Cổ Loa, thần Kim Quy rút chiếc móng của mình trao cho nhà vua để chế lẫy nỏ làm vũ khí giữ thành khi có ngoại bang xâm lấn.
Có được móng rùa thần, vua bèn sai Cao Lỗ chế nỏ. Nỏ làm xong, mỗi phát bắn hàng hàng trăm mũi tên tua tủa.
Nỏ thần đã giúp An Dương Vương dễ dàng đánh tan quân xâm lược của Triệu Đà, trước khi bị Trọng Thủy đánh cắp khiến nhà vua thua trận.
Kiếm Thuận Thiên của Lê Lợi
Với mong muốn đánh đuổi giặc Minh xâm lược, năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Buổi đầu, nghĩa quân non yếu, Lê Lợi nhiều lần thất bại trước thế mạnh của quân đội nhà Minh.
Theo truyền thuyết, Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc. Tuy vậy, thanh kiếm không được trao cho Lê Lợi mà nó được chia làm hai phần, gồm lưỡi và chuôi kiếm.
Lưỡi kiếm được ngư dân Lê Thận kéo lên trong lúc đánh cá, còn chuôi kiếm (có chữ Thuận Thiên) do chính Lê Lợi nhặt được trong rừng khi trốn chạy khỏi sự truy đuổi của quân Minh.
Kể từ khi có được kiếm thần, nghĩa quân Lê Lợi liên tiếp đánh thắng giặc Minh. Năm 1428, Lê Lợi hoàn toàn quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi nước ta.
Về sau, nhà vua đem kiếm thần ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng (Thăng Long). Một con rùa vàng nổi lên xin vua hoàn lại kiếm cho Long Quân.
Ô Long đao của Quang Trung - Nguyễn Huệ
Theo truyền thuyết, Nguyễn Huệ hành quân qua đèo An Khê, bỗng trong rừng xuất hiện hai con rắn mun to lớn nằm chắn ngang giữa đường, không cho đoàn quân tiến qua.
Thấy lạ, Quang Trung xuống ngựa, chắp tay cầu: "Nếu sơn thần, xà thần phù trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin mở đường cho quân đi. Sự nghiệp không thành xin xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng".
Nhà vua vừa dứt lời, hai con rắn to lớn lập tức quay đầu đi vào bụi rậm, khi quay ra mang theo một thanh đại đao to lớn dâng Quang Trung. Đó chính là Ô Long Đao.
Một số sách lịch sử mô tả cây đao có cán màu gỗ mun đen nhánh, lưỡi được rèn bằng kỳ kim, màu đen tuyền. Khi đao rời vỏ, khí lạnh tỏa ra một vùng, lưỡi đao sắc lẹm.
Đao rất nặng, người bình thường không thể sử dụng được. Vua Quang Trung nhận đao mà kính cẩn thề rằng sẽ vì đại nghĩa cứu dân, vì ơn của xà thần mà quyết tâm đi đến cuối cùng con đường giải phóng dân tộc.
Đây cũng là thanh đao gắn liền những chiến công hiển hách của anh hùng áo vải: Trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm 1785 kháng chiến chống quân Xiêm hay chiến thắng Kỷ Dậu (1789) trước 29 vạn quân Thanh.
Theo Zing