Lăng mộ và kiến trúc
Lăng Ông Bà Chiểu rộng 18.500 m² trên một gò đất cao, nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Lăng nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu nên mỗi khi nhắc đến tên chợ này là nghĩ ngay đến lăng Ông. Rất nhiều người nơi khác thường nhầm rằng đây là lăng thờ ông và bà tên Chiểu, thật ra không phải như vậy, đây là lăng thờ ông bà Lê Văn Duyệt và do lệ kiêng cữ tên không biết từ lúc nào người dân đã ghép hai từ "lăng Ông" với hai từ "Bà Chiểu" để chỉ khu lăng của Tả Quân. Theo cuốn sách năm xưa của cụ Vương Hồng Sến, tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Ðức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên. Ở Thủ Đức cũng có vùng đất tên là Linh Chiểu.
Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây. Cổng có hàng đại tự nổi bằng chữ Hán Thượng Công Miếu, được đặt ở hướng Nam, mở ra đường Vũ Tùng, thời Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hòa cổng này đã từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn-Gia Định xưa và khu lăng được xây dựng trên một trục đường chính. Từ cổng Tam quan ở phía Nam vào qua một khu vườn cảnh là nhà bia nơi đặt bia đá ghi công đức Tả quân – Mộ Tả quân và vợ, có bình phong và tường hoa bao quanh Miếu thờ.
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tấm bia đá khắc văn bia chữ Hán đề “Lê công miếu bi” (Bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng: Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Ngoài ra, ở đây còn hai phần mộ nhỏ của hai cô hầu cách khu lăng mộ một khoảng sân rộng đến khu vực “Thượng công linh miếu”, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một khoảnh sân lộ thiên, gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang, công trình mang dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, với những mái “trùng thiềm điệp ốc” và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến ngày nay.
Thân thế và sự nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt
Con người này ít học nhưng lạ lùng thay lại có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, giàu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông…
Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân 1764 tại Cù Lao Hổ, cạnh vàm Trà Lọt, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Ngãi đi vào Nam sinh sống. Sau khi ông Hiếu qua đời, cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào rời Trà Lọt đến ở tại vùng Rạch Gầm, thuộc làng Long Hưng, tỉnh Tiền Giang ngày nay.
Thuở nhỏ Lê Văn Duyệt ít chịu học hành mà chỉ thích bắt chim, đánh cá, nhất là việc nuôi gà, đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Sau này, ông còn là người rất mê xem đấu hổ, đấu voi. Ngoài ra ông cũng là người sành thưởng thức hát bội và thường tự tay cầm chầu. Tương truyền ông khỏe mạnh, thông minh, giỏi võ thuật, tuy không học nhiều, nhưng biết nhiều tuồng tích Tàu.
Lê Văn Duyệt luôn ước ao trở thành hào kiệt như trong truyện xưa miêu tả. Mới 15 tuổi, Lê Văn Duyệt đã nói “sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu”.
Năm Lê Văn Duyệt lên 17 tuổi, một cơ may đến với ông. Đêm hôm đó chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân nhà Tây Sơn đuổi gấp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của đối phương không đuổi kịp, tưởng vậy đã yên, nào ngờ khi vừa đến vàm Trà Lọt thì thuyền chở chúa bị sóng lớn làm cho suýt chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện đúng lúc, cứu Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn.
Biết là gặp dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, cho tất cả tạm trú ở đây, nhân đó ông được Nguyễn Phúc Ánh tuyển dụng làm thái giám. Ít lâu sau, Lê Văn Duyệt được phong làm cai cơ trông coi nội binh. Từ năm 1789, ông bắt đầu đứng vào hàng tướng lãnh của chúa Nguyễn. Năm 1793, Lê Văn Duyệt cùng với Nguyễn Phúc Ánh đi đánh Quy Nhơn, lấy được phủ Diên Khánh và phủ Bình Khương.
Tháng 1 năm 1801, ông cùng chúa và các tướng lãnh khác như Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại. Trận Thị Nại khiến quân Tây Sơn thua to.
Tháng 4, Nguyễn Phúc Ánh đem thủy quân ra Đà Nẵng. Đến tháng 5 vào cửa Tư Dung. Lê Văn Duyệt phá được quân Tây Sơn, bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách rồi vào cửa Eo. Vua Cảnh Thịnh mang quân ra giữ cửa Eo nhưng thua phải chạy ra Bắc.
Ngày 3 tháng 5, Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào thành Phú Xuân.
Tháng 5 năm 1802, chúa Nguyễn lên ngôi, chọn đế hiệu: Gia Long. Vua phong Lê Văn Duyệt là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân, lệnh cùng với Lê Chất mang quân thâu phục Bắc Hà. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn thì xong việc.
Do có nhiều công lao lớn nên Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu) nơi biên thùy. Cũng vì thế, sau này ông không chịu lạy vua Minh Mạng và đã giết Huỳnh Công Lý, cha một quý phi của ông vua này, vì tội tham nhũng.
Lê Văn Duyệt còn là người được vua Gia Long triệu vào cung hỏi ý kiến về việc chọn ngôi Thái tử. Tuy vua không nghe lời ông chọn con của Đông Cung Cảnh nối ngôi, thay vì hoàng tử Đảm là vua Minh Mạng sau này, nhưng ông vẫn phò tá cho đến hết đời, mặc dù lòng không kính phục ông vua trẻ.
Ngược lại, Minh Mạng cũng không ưa gì Lê Văn Duyệt nhưng vẫn phải dùng đến. Năm 1823, Lê Văn Duyệt được Minh Mạng ân thưởng ngọc đái với lời dụ: “Từ xưa hoàng tử, chư công chưa ai được ân tứ ngọc đái này, nay khanh đã nhiều công lao nên đặc biệt ân tứ vậy”.
Theo MA/Sài Gòn Xưa