Ngôi đền cổ được ví như “kho tàng văn hóa” của tỉnh Vĩnh Phúc
Theo Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Vĩnh Phúc, đền được xếp hạng di tích quốc gia ngày 29/12/2023. Đền Đức Ông thuộc địa giới hành chính của thôn Văn Trưng xưa, nay thuộc đất khu 5 thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Đây là ngôi đền chung của ba làng cổ: Thế Trưng, Văn Trưng và Vĩnh Trưng thờ vị Thành hoàng Đông Kinh Phán Quan Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần, húy là Nguyễn Văn Nhượng có công lao đánh giặc Ai Lao và thờ vọng Công chúa của nước Chiêm Thành.
Theo các thư tịch cổ, đền Đức Ông tiền thân là lăng Đức Ông cùng với lăng Bảo Trưng (xã Phú Đa) được xây dựng từ sau khi danh tướng Nguyễn Văn Nhượng mất, tức là vào thời Lý (thế kỷ 11), cách ngày nay hơn 1.000 năm. Lăng Đức Ông xưa kia xây to đẹp, đến thời Lê Trung hưng (cuối thế kỷ 18) thì bị tàn phá nặng nề, chỉ còn giữ được các đạo sắc phong và một số xà cột bằng gỗ. Nhân dân Tứ Trưng góp công góp của dời về vị trí hiện nay để xây dựng đền thờ, từ đó gọi là đền Đức Ông. Đến thời Nguyễn, đền được trùng tu, tôn tạo. Dấu vết còn lại hiện nay là các bẩy hiên ở hậu cung được chạm khắc hình lá rất tinh xảo.
|
Tòa nhà Tiền tế đền Đức Ông. Ảnh: Phí Văn Liệu - Trưởng Phòng VH&TT Vĩnh Tường. |
Năm 1963, nhân dân phá dỡ tòa tiền tế của đền để lấy vật liệu làm kho tập thể, trường học... Khoảng năm 1990-1991, địa phương cho xây dựng lại tòa tiền tế trên nền cũ nhưng làm theo kiểu tường hồi bít đốc, quá giang gối tường, mái lợp ngói Sông Cầu. Những năm sau đó, đền được tôn tạo khuôn viên, xây cổng, lát sân... Ngôi đền Đức Ông hiện nay được xây dựng cuối thế kỷ 18, tu sửa vào giai đoạn đầu thế kỷ 20, tôn tạo tiền tế cuối thế kỷ 20 và tiếp tục tu sửa hậu cung, thay thế một số cấu kiện kiến trúc bị hỏng vào đầu thế kỷ 21.
Đền Đức Ông hiện có hai tòa kiến trúc, song, chỉ có hậu cung còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc gốc thời Lê. Chính vì vậy, nghệ thuật chạm trổ ở đây được thể hiện trên hầu hết các cấu kiện gỗ, từ ngoài cửa vào bên trong hậu cung như: Ván nong, cốn mê, cốn nách, đầu bẩy, đều được đục bong, chạm thủng hay chạm nổi đề tài rồng phượng, kim nghê, vân mây, hoa lá, chim muông… vừa phong phú, sinh động lại vừa tinh tế, đặc sắc. Tiêu biểu nhất là chạm trổ ở ba vì kiến trúc và cửa khám thờ hậu cung. Có thể khẳng định, chạm trổ của đền Đức Ông chủ yếu là đề tài rồng và với tư duy phong phú kết hợp với trình độ nghệ thuật chạm khắc trên gỗ điêu luyện.
|
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đền Đức Ông. Ảnh: Phí Văn Liệu - Trưởng Phòng VH&TT Vĩnh Tường. |
Đền Đức Ông hiện còn lưu giữ hệ thống di vật phong phú như: Ngai, mâm xà, mâm ấu, bát hương, viên đá thờ, án gian, bộ bát bửu, hoành phi, chó đá, phù điêu hình rồng... có niên đại từ khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Tuy nhiên, các di vật có giá trị hơn cả là 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, trong đó sắc phong có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng nguyên niên (năm 1742). Ngoài ra còn có một cuốn tài liệu viết bằng chữ Hán nói về vị thần được thờ ở đền Đức Ông (niên đại thế kỷ 17-19), một chóe độc long (thế kỷ 19)... Các cổ vật này hiện đang được lưu giữ, bảo quản nghiêm cẩn.
Lễ hội đặc sắc với trò trò “bắt chạch trong chum”
Lễ hội đền Đức Ông, thường được người dân địa phương gọi là lễ hội Rưng, được tổ chức vào ngày mùng 6-7 tháng giêng hàng năm. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.
Từ sáng ngày mùng 6 cả dân làng già trẻ, gái trai… gác hết công việc gia đình để tập trung ở chợ Rưng cùng nhau vui chơi biểu diễn các trò truyền thống như đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ người, bơi thuyền ván, nấu cơm thi...
|
Lễ rước bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Đức Ông. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Vĩnh Tường. |
Đặc biệt, lễ hội Rưng được gần xa biết đến với trò chơi “bắt chạch trong chum”, là một trò chơi dân gian rất đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng Bắc bộ. Người ta nói rằng trò bắt chạch trong chum có nguồn gốc từ chính nơi đây.
Trò chơi xuất phát từ quan niệm về sự sinh sôi nảy nở của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, chính nó đã duy trì sự sống của mọi sinh vật trên trái đất mà người ta vẫn gọi nó là tín ngưỡng phồn thực. Đối với người lao động hay cư dân nông nghiệp thì sự sinh sôi nảy nở là đặc biệt quan trọng.
Theo Cổng Thông tin điện sử Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc, để tổ chức trò “bắt chạch trong chum”, dân làng dựng một cái chòi bằng tre nứa cao chừng 4 hoặc 5 mét trên khoảng sân rộng của chợ ngay phía trước cửa đình Rưng, chứng tỏ trò chơi mang tính thiêng, có sự bảo trợ của thần thánh chứ không đơn thuần là quan niệm trần tục. Trên chòi đặt một cái chum sành gần đầy nước, người ta thả vào đó một con chạch.
Các đôi trai gái (thường là đang trong quá trình tìm hiểu yêu đương) tiến vào đình làm lễ rồi lần lượt từng đôi một được chọn để leo lên chòi bắt chạch. Sau khi được vị trưởng lễ (bô lão trong làng) cho phép bắt chạch thì họ liền vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Người nam giới một tay khoắng nước bắt chạch, một tay luồn qua eo người con gái; người con gái cũng vậy, một tay bắt chạch, một tay ôm ngang hông người nam giới.
Cứ thế, trước sự hò reo cổ vũ của mọi người, đôi trai gái phải ra sức khoắng nước để bắt lấy con chạch mà lại bị chi phối bởi sự ngượng ngùng của sự đụng chạm cơ thể. Chạch trơn nên chúng rất khó bắt, dân gian thường có câu “lẩn như chạch”, thông thường phải mất chừng nửa giờ thì đôi trai gái kia mới bắt được chú chạch. Nhưng cũng có khi sau khoảng thời gian quy định mà họ vẫn không bắt được chạch thì họ phải nhường cho một đôi khác.
Giải thưởng thường là một dải khăn lụa hồng, trầu cau, trà mạn, cũng có khi là vài quan tiền, song trên hết là sự hào hứng, vui tươi của người xem, tâm tình của các đôi trai gái tham gia. Thông qua trò chơi này, các đôi trai gái như để công bố tình yêu của họ trước dân làng và cũng là để cầu xin thần hoàng làng chứng giám, ban phước lành cho họ, hầu hết các cặp đôi này sẽ nên duyên vợ chồng ngay trong năm đó...
Đến ngày mùng 7, dân làng tổ chức lễ giỗ ông Nguyễn Văn Nhượng. Lễ giỗ ông Nhượng được người già và những người có trọng trách trong xã đứng ra tổ chức ở Miếu Ông, sau đó dân làng đến làm lễ cúng ông Nhượng để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người con yêu nước của xã. Và lễ giỗ ông Nguyễn Văn Nhượng được duy trì cho đến bây giờ.
Thanh Bình