Lịch sử dân tộc Việt trong 1.000 năm Bắc thuộc luôn diễn ra những cuộc đấu tranh giành quyền độc lập. Trong đó, nhà nước Vạn Xuân do vua Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi nghĩa đánh đuổi giặc phương Bắc lập nên và Triệu Việt Vương kế nghiệp, dù tồn tại không dài song đã đi vào lịch sử như một “dấu son” về khát vọng độc lập.
Theo sử liệu, sau khi đánh thắng giặc Lương phương Bắc, thủ lĩnh Lý Bí đã lên ngôi vua, đặt tên nước ta là Vạn Xuân. Tuy nhiên, nhà nước Vạn Xuân thành lập chưa được bao lâu, năm 545, giặc phương Bắc quay trở lại xâm lược, hòng giành quyền cai trị. Sau nhiều giao tranh với giặc, lực lượng của Lý Nam Đế dần suy yếu. Vì vậy, nhà vua lui về động Khuất Lạo (Khuất Lão), ủy thác cho vị tướng dưới trướng là Triệu Quang Phục (con trai Thái phó Triệu Túc) giữ nước, lãnh đạo quân và dân ta đánh giặc.
Triệu Quang Phục được sử sách miêu tả là vị tướng uy dũng vô cùng. Ông cùng cha là Thái phó Triệu Túc đã theo Lý Bí từ những ngày đầu khởi nghĩa. Khi Lý Nam Đế lên ngôi, ông được phong chức Tả tướng quân. Sau khi vua mất, Triệu Quang Phục xưng vương. Lúc bấy giờ, sau những giao tranh ác liệt bất phân thắng bại, song do giặc Lương quá đông, Triệu Quang Phục đã cho quân về giữ đầm Dạ Trạch, tương truyền đầm là nơi Tiên Dung và Chử Đồng Tử gặp nhau (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư (phần Ngoại kỷ) đầm Dạ Trạch xưa kia rậm rạm, cỏ cây um tùm, chu vi không biết bao nhiêu dặm, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào lướt đi trên cỏ nước. Nhưng nếu không biết đường lối, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Giữa đầm có khoảng đất cao có thể đóng quân. Triệu Quang Phục nắm rõ địa thế nơi đây, đem hai vạn quân vào đầm Dạ Trạch hạ trại. Ban ngày tuyệt không để lộ dấu người và khói lửa, đêm đến tướng lĩnh dùng thuyền độc mộc ra đánh doanh trại giặc nhằm tiêu hao binh lực, lấy lương thực, giặc Lương đuổi theo đánh lại song đều thất bại. Cầm cự trong đầm Dạ Trạch lâu nhưng giặc Lương không rút quân, trong khi lương thực dần vơi cạn, Triệu Quang Phục liền thắp hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo trời đất, thần linh giúp đỡ, quả nhiên linh ứng. Truyền thuyết dân gian lưu truyền, chính Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời đã rút móng rồng trao cho Triệu Quang Phục, bảo cài lên mũ “đâu mâu” để đánh giặc. Từ đấy, quân của Triệu Quang Phục đánh đâu thắng đó, thanh thế lẫy lừng.
Năm 550, tình thế thay đổi, Triệu Quang Phục phản công đẩy lùi giặc Lương ra khỏi bờ cõi nước Vạn Xuân. Trước công lao của vị chủ tướng uy dũng, quân lính dưới trướng tôn ông làm vua, gọi là Triệu Việt Vương. Còn người dân vùng đất Trinh Hà xứ Thanh, vì lý do gì mà lập dựng đền thờ Triệu Việt Vương?
Lại nói, khi còn là tướng dưới trướng Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục đã nhiều lần vâng lệnh vua chinh chiến dẹp giặc. Trong một lần tiến xuống phía Nam đánh giặc Lâm Ấp, qua làng Trinh Hà dựng trại đóng quân, đã được Nhân dân dốc lòng giúp sức. Văn bia làng Trinh Hà do Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh soạn năm Thành Thái thứ 10 (1897) còn ghi: “Triệu Việt Vương đóng quân lúc hành quân tên là Quang Phục. Quãng năm Đại Đường nhà Lương, ông cùng với cha là Triệu Túc, về làm quan với vua Tiền Lý Nam Đế. Gặp giặc Lâm Ấp vào cướp nước ta, vua sai làm tướng đuổi đánh. Đóng quân ở ngách sông Tây Hà (còn gọi là sông Kim Trà, sông Ấu, sông Dọc), cùng quân giặc đánh nhau ở châu Cửu Đức, phá tan quân giặc, được phong Đại Việt tướng quân. Vài năm sau vua Tiền Lý Nam Đế bị quân Lương đánh thua, chết ở động Khuất Liêu (Khuất Lạo). Vương bèn đem quân đánh phá tướng giặc nhà Lương là Dương Sàn và lên làm vua” (theo sách Địa chí văn hóa Hoằng Hóa).
Truyền miệng dân gian ở làng Trinh Hà kể lại, khi Triệu Quang Phục kéo quân từ Chu Diên qua đây, đã được người dân giúp sức. Trong đó có hai người rất hảo tâm giúp cho tiền của và lương thực. Hai người giúp Triệu Quang Phục được dân gian gọi là “Già Nuôi đại vương” và “Xã U vương”.
Về làng Trinh Hà hôm nay, ngoài di tích đền thờ Triệu Việt Vương, còn đó những tên gọi gắn liền với việc đóng quân của vị vua nhà nước Vạn Xuân tại đây, như: đồng Bản Phủ (nơi Triệu Quang Phục đóng đại bản doanh); đồng Bản Cán, đồng Hạ Mã, đường Cán Cờ, Hang Trống, Hang Chiêng…
Cũng theo các cụ cao niên trong làng Trinh Hà, sau khi Triệu Quang Phục kế nghiệp Lý Nam Đế lên ngôi vua nước Vạn Xuân, nhằm bày tỏ sự tôn kính với ông, Nhân dân địa phương đã lập dựng ngôi đền thờ phụng, gọi tên đền thờ Triệu Việt Vương, trước đây còn có tên gọi nghè “Quốc tế”. Do là đền thờ nhà vua, nên việc tế lễ tại đền (nghè) diễn ra rất long trọng. Vào những kỳ đại tế, phải có quan đầu tỉnh làm chủ tế, bên cạnh còn có quan phủ, quan huyện và quan viên chức sắc trong vùng. Tại đền thờ còn lưu giữ đôi câu đối, đại ý: Khi xưa là nơi đóng quân, nay là miếu thờ linh thiêng/ trên thì nhà vua, dưới thường dân muôn năm thờ cúng.
Ông Đỗ Văn Chân (79 tuổi), Trưởng ban văn hóa làng Trinh Hà, thủ từ đền thờ Triệu Việt Vương, cho biết: “Không ai biết đích xác di tích được lập dựng năm nào, tuy nhiên trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu, hiện trạng di tích mang dấu ấn kiến trúc của lần đại trùng tu dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn (căn cứ tài liệu trên thượng lương). Mỗi năm tại đền thờ diễn ra nhiều kỳ lễ, trong đó lễ hội kỳ phúc từ ngày 11-13 tháng 2 (âm lịch) thu hút đông đảo người dân địa phương và con cháu các dòng họ về dâng hương, vãn cảnh, cầu mong an bình, ấm no, hạnh phúc. Đền thờ là điểm tựa tâm linh, nơi người dân gửi gắm ước mong được bề trên chở che, phù trợ”.
Trải qua thời gian, đến nay, đền thờ Triệu Việt Vương làng Trinh Hà vẫn nổi bật với kiến trúc gỗ chắc khỏe. Những cột đá vững chãi cùng cột gỗ lim chắc chắn được bàn tay khéo léo của người thợ mộc xưa kia tạo nên, giúp di tích chống đỡ ngoại lực tác động; các mảng chạm khắc gỗ trong di tích không thiên về tiểu tiết hoa văn trang trí rườm rà, mà chủ yếu là một số linh vật mang sức mạnh biểu trưng như: hổ phù, rồng, lân… Năm 2020, Di tích quốc gia đền thờ Triệu Việt Vương đã được UBND tỉnh đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo.
Tới thăm di tích, du khách không khỏi ấn tượng với cổng nghinh môn uy nghiêm, bề thế. Cổng được xây bằng đá và trên một phiến đá khắc ký tự “1936” cùng những chữ nho. Ông Lê Văn Bằng, công chức văn hóa – xã hội xã Hoằng Trung phỏng đoán: “Đây có thể là mốc thời gian xây dựng nghinh môn, song cũng có thể là thời điểm trùng tu, tôn tạo. Dù chưa có khẳng định rõ ràng, nhưng trong điều kiện khi xưa còn nhiều khó khăn, cha ông chắc chắn phải dồn rất nhiều tâm lực mới có thể dựng lên công trình bề thế nhường này”.
Theo Báo Thanh Hóa