Trong Tam Quốc, Tào Tháo được coi là "ông chủ" mạnh và có nhiều lợi thế nhất. So với Lưu Bị hay Tôn Quyền, Tào Tháo đều có những ưu thế vượt trội hơn, ngay từ buổi đầu lập nghiệp.
Thu phục nhân tài là mục tiêu mà ngay từ khi bước chân vào vũ đài chính trị Tam Quốc, Tào Tháo đã luôn chú trọng. Quả thực, trong cuộc đời lẫy lừng của mình, Tào Tháo đã chiêu mộ được rất nhiều anh hùng, hào kiệt, mưu sĩ tài danh. Một trong những nhân tài, cụ thể là mãnh tướng, được Tào Tháo cảm mến nhất chính là Hứa Chử.
Hứa Chử là tướng hộ vệ bên cạnh Tào Tháo. Ông không chỉ có sức khỏe phi thường mà còn nổi tiếng là mãnh tướng trung thành và hết lòng vì chủ nhân.
Hứa Chử là một trong những mãnh tướng được Tào Tháo tin tưởng nhất. Ảnh: Sohu
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Hứa Chử được gọi là "Hổ hầu", nhằm so sánh sức mạnh của ông như hổ hoang. Trong cuộc đời là một trung thần tận tụy, hết lòng vì Tào Tháo, Hứa Chử từng giao đấu với những mãnh tướng nổi tiếng như Điển Vi, Trương Phi, Triệu Vân và Mã Siêu.... Trong đó, có những cuộc đơn đấu bất phân thắng bại.
Cụ thể, tại trận chiến Vị Thủy, Hứa Chử từng giao đấu với Mã Siêu. Hai mãnh tướng giao đấu hơn 200 hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Sau đó, do Tào Tháo cho hai người khác ra tiếp ứng, cuộc đơn đả độc đấu giữa Mã Siêu và Hứa Chử vì thế cũng kết thúc mà vẫn chưa rõ thắng bại.
Tuy nhiên, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, có một mãnh tướng khiến "Hổ hầu" như Hứa Chử phải kiêng nể. Người này là ai?
Đó là Trương Phi, một "hổ tướng" dũng mãnh, có sức địch vạn người, đầu quân cho Lưu Bị và Thục Hán. Sự dũng mãnh, thiện chiến của Trương Phi đôi lúc còn khiến cho Hứa Chử rơi vào tình thế mất bình tĩnh. Trên thực tế, Trương Phi và Hứa Chử từng có vài lần gặp gỡ, giao đấu với nhau và lần nào cũng khiến mãnh tướng của Tào Tháo khó quên.
Trương Phi giao đấu với Hứa Chử: Kết quả thế nào?
Trương Phi là một trong những vị tướng mạnh nhất của Thục Hán. Ảnh: Sohu
Cụ thể, trong khi đang giao tranh ở Trường Bản, trước sự tấn công dồn dập của Tào Tháo, phe Lưu Bị thất bại và phải tháo chạy tan tác. Trương Phi lúc đó đảm nhận nhiệm vụ mang theo một số quân đi chặn hậu để ngăn cản quân Tào đang truy đuổi.
Các tướng sĩ của Tào Tháo khi ấy đều kinh ngạc trước sức mạnh của Trương Phi nhưng không ai dám bước tới phía cầu Trường Bản. Sự hùng dũng của Trương Phi khi vừa cầm xà mâu vừa quát lớn khiến quân Tào không dám sang sông để giao đấu, trong đó có Hứa Chử. Nhận thấy sự dũng mãnh của Trương Phi và lo ngại có mai phục nên quân Tào đành phải lui quân. Chính nhờ vậy mà Lưu Bị mới có thể chạy thoát.
Ngoài ra, sau thất bại tại trận Xích Bích, Tào Tháo cùng tàn quân của mình tháo chạy. Trương Phi dẫn quân truy đuổi phía sau. Trốn chạy cả đêm, quân Tào vừa mệt vừa đói nên quyết định tạm nghỉ tại chỗ.
Đúng lúc này, Trương Phi bất ngờ xông ra khiến quân Tào rơi vào tình cảnh hoảng sợ. Hứa Chử bấy giờ chỉ kịp lao lên che cho Tào Tháo chạy thoát thân. May mắn có Từ Hoảng và Trương Liêu đến ứng cứu kịp thời, nếu không Hứa Chử không biết sẽ thế nào.
Một lần khác, trong trận Hán Trung, Tào Tháo cho Hứa Chử dẫn 1.000 tinh binh ra con đường ở ngoài cửa Dương Bình để chịu trách nhiệm áp tải lương thảo. Thế nhưng trên đường áp tải lương thảo thì Hứa Chử gặp toán quân chặn đường, do Trương Phi đi đầu.
Bấy giờ Hứa Chử say rượu nên không địch nổi Trương Phi. Khi Trương Phi khua mâu giật ngựa đâm tới thì Hứa Chử múa đao đón đánh. Tuy nhiên đánh chưa được vài hiệp thì Hứa Chử bị xà mâu của Trương Phi đâm trúng vào vai và ngã ngựa. Hứa Chử chịu cảnh thảm bại trước Trương Phi. Các binh sĩ chạy lại đỡ Hứa Chử dậy rồi chạy, còn Trương Phi thì cướp được lương thảo đem về.
Từ những lần đụng độ này có thể thấy rằng Trương Phi quả thực là "nỗi ám ảnh" đối với Hứa Chử. Dù sở hữu sức mạnh hơn người nhưng Hứa Chử lại phải chịu thất bại nhục nhã trước Trương Phi.
Hứa Chử là một vị tướng thân cận bên cạnh Tào Tháo và được vị quân chủ này tin tưởng giao trọn tính mạng. Ông từng cùng Tào Tháo tham gia vào nhiều trận chiến và lập được nhiều công lớn. Sau khi Tào Tháo qua đời năm 220, Hứa Chử lại tiếp tục phục vụ cho Tào Phi, con trai Tào Tháo, và được phong là Vạn Tuế đình hầu. Đến thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, Hứa Chử được phong là Mâu Hương hầu. Ông mất vào năm 230 sau nhiều năm phục vụ cho họ Tào.
Theo PV/Pháp luật và bạn đọc