Thời Tam Quốc, Lữ Bố nổi tiếng thiên hạ với võ nghệ cao cường, dũng mãnh thiện chiến, được tôn xưng với biệt hiệu "phi tướng", còn được ca tụng bằng cách nói "nhân trung Lữ Bố, mã trung xích thố", ý nói người xuất chúng phải kể đến Lữ Bố, ngựa quý phải kể đến ngựa xích thố.
"Tam quốc diễn nghĩa" đã xây dựng Lữ Bố thành hình tượng "Đệ nhất mãnh tướng" thời Tam Quốc. Lưu Bị muốn đánh bại Lữ Bố thì cần đến 3 đại tướng liên thủ. Tào Tháo muốn đánh bại Lữ Bố thì phải có Hứa Chử, Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Lý Điển, Nhạc Tiến, tổng cộng 6 người liên thủ. Thế nhưng thời Tam Quốc còn có một nhân vật phải cần đến 10 mãnh tướng mới có thể đánh bại.
Nói đến danh tướng thời Tam Quốc, ai cũng đều nghĩ đến Ngũ hổ tướng, 5 vị tướng có sức ảnh hưởng mạnh khắp thiên hạ lúc bấy giờ. Thế nhưng có thể khiến Tào Ngụy và Đông Ngô cùng xuất động 10 vị mãnh tướng để chiến đấu thì chỉ có duy nhất Quan Vũ.
Nếu xét về võ nghệ, Quan Vũ là người duy nhất có thể giết được chủ tướng của quân địch trong thế trận thiên binh vạn mã bủa vây. Từ đó cho thấy, Quan Vũ tài giỏi hơn Lữ Bố rất nhiều.
Quan Vũ bị đánh bại bởi 10 mãnh tướng
Kiến An thứ 24 (năm 219) là một năm chiến loạn khói lửa diễn ra khắp bốn phương của Tam Quốc. Trong sự giao tranh của quân Lưu Bị và quân Tào Tháo, Ngụy tướng Hạ Hầu Uyên đã bị Hoàng Trung của Lưu Bị giết chết. Tào Tháo đích thân mang đại quân đi nghênh chiến, phần thắng vẫn chưa nghiêng về bên nào.
Tôn Quyền của Đông Ngô tiến công Hợp Phì, Tào Tháo vừa mới chạy ra từ Hán Trung, Quan Vũ phát động tiến công vào Phàn Thành và Tương Dương, lợi dụng hồng thủy để dìm chết 7 quân, vây khốn Tào Chân trong Phàn Thành, khiến Tào Ngụy kinh hồn bạt vía, uy chấn cả vùng Hoa Hạ.
Tôn Quyền không muốn Quan Vũ chiếm thế thượng phong, hơn nữa lại có dã tâm đoạt Hình Châu nên đã liên kết với Tào Tháo, lệnh cho Lữ Mông đánh lén Hình Châu chiếm Giang Lăng.
Tào Tháo nhận được thư tín thì phái 12 binh đoàn đến hỗ trợ Từ Hoảng phản kích Quan Vũ. Thế là Quan Vũ đã thất bại trong trận ác chiến. Không lâu sau, Lữ Mông đánh lén Giang Lăng đắc thủ. Quan Vũ tháo chạy về Ích Châu, trên đường gặp phải quân Tôn Quyền truy sát và bị giết chết. Tôn Quyền gửi đầu của Quan Vũ đến Hứa Xương. Tào Tháo an táng Quan Vũ theo nghi lễ của chư hầu. Trận chiến Tương - Phàn kết thúc.
Quan Vũ mất đi Hình Châu có rất nhiều nguyên nhân. Tào Ngụy xuất động Tào Nhân, Vu Cấm, Bàng Đức, Từ Hoảng, Mãn Bàng, Trương Liêu (chưa đến chiến trường thì thế sự kết thúc).
Đông Ngô phái Lữ Mông, Lục Tốn, Chu Nhiên, Tưởng Khâm, Phan Chương, Triệu Nghiễm, Lữ Thường nghênh chiến với Quan Vũ. Chưa kể là nội bộ quân doanh lục đục, nhân sĩ đầu hàng Tôn Quyền, Lưu Phong từ chối ứng cứu. Quan Vũ phải dốc toàn lực để chống lại toàn bộ khủng hoảng trên, cuối cùng chịu cảnh đầu rơi khỏi cổ.
Qua đó cho thấy, mặc dù thất bại nhưng hậu thế luôn công nhận Quan Vũ là chiến thần dũng mãnh, văn võ song toàn khiến người khác khó lòng bì kịp.
Quan Vũ từng "cướp vợ" của Tào Tháo
Tào Tháo nổi tiếng với cái danh ác ma giết người không gớm tay, háo sắc đến nỗi nạp những góa phụ có chồng chết trận làm thiếp. Được biết, Tào Tháo có 14 người vợ, trong đó có đến 12 người là góa phụ bị cướp về.
Năm 198, khi Tào Tháo và Lưu Bị vẫn còn là bạn bè, cả hai đã cùng tổ chức tiến công đánh cứ điểm cuối cùng của Lữ Bố là Hạ Bì Thành.
Trước lúc tổng tiến công, Quan Vũ đã tìm đến Tào Tháo và nói: "Tào tư lệnh, mạt tướng hiện tại không có con cái. Nghe nói đại tướng của quân địch là Tần Nghi Lộc có vợ họ Đỗ. Hiện tại, Tần Nghi Lộc đã mất tích trong chiến loạn, tôi đoán là hắn đã chết rồi. Đỗ phu nhân đáng thương phải thủ tiết làm góa phụ. Tôi đây không thể nhắm mắt làm ngơ. Nên đến khi mọi chuyện xong xuôi, có thể để Đỗ phu nhân cho mạt tướng tùy ý giải quyết không? Cảm ơn tư lệnh!".
Vì để có được người đàn bà họ Đỗ kia, Quan Vũ phải lải nhải lời này trước mặt Tào Tháo vô số lần. Tuy nhiên, một kẻ ham quyền mê nữ sắc, thích cướp góa phụ về làm thiếp như Tào Tháo thì làm sao có thể nhường Đỗ phu nhân lại cho Quan Vũ.
Quan Vũ muốn "cướp thiếp" của Tào Tháo nhưng không thành, cuối cùng phải nhìn người ta đẻ cho Tào tư lệnh 3 đứa con, bao gồm Tào Lâm, Tào Cổn và Kim Hương công chúa.
Theo PV/Pháp luật và Bạn đọc