Trong "Tây Du Ký", Tôn Ngộ Không vượt núi, sông và đại dương, khởi hành từ Hoa Quả Sơn cách xa hàng ngàn dặm, để tới Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động bái sư học đạo.
Đáng chú ý, Phật Tổ Như Lai cũng cư ngụ tại Thiên Ngưu Hạ Châu, trong chùa Đại Lôi Âm ở Thiên Trúc Linh Sơn. Điều này có thể thấy, bản thân Bồ Đề Tổ Sư cũng là vị tôn giả Tây phương.
Sau khi được thu nhận làm đệ tử, Bồ Đề Tổ Sư hỏi "Nhà ngươi tên gì?", Thạch Hầu nhanh miệng trả lời ”Con không có danh tính. Nếu người khác chửi con, con không thấy phiền não; nếu người khác đánh con, con cũng không tức giận; chỉ là lấy lễ đáp lại là được. Một đời không có tên". Chỉ một câu nói của con khỉ đá, Bồ Đề Tổ Sư đã phát hiện được căn cơ của Thạch Hầu liền đặt tên cho hắn là Tôn Ngộ Không.
"Tôn" có nghĩa là "khỉ" và "Ngộ Không" có nghĩa là "Giác ngộ được Tính không". "Không" là cảnh giới cao nhất để đạt đến viên mãn, đắc đạo, là hoàn toàn vô niệm. Chỉ khi đạt đến trạng thái "Không" này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình.
Sau 7 năm tầm sư học đạo, Bồ Đề Tổ Sư đã truyền dạy đạo pháp trường sinh cùng 72 phép biến hóa (Thất thập nhị huyền công - Địa Sát) cho Tôn Ngộ Không. Tu luyện phép trường sinh ấy kỳ thực chính là thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, cao hơn nữa chính là vượt ra ngoài Tam giới, không chịu vòng luân hồi, sinh tử để đạt đến quả vị của La Hán, Chân Nhân.
Sau khi được truyền dạy phép thuật, tính thích khoe khoang của Tôn Ngộ Không bộc phát, hắn tưởng mình có thể làm nên danh tiếng ở Linh Đài Phương Thốn, không ngờ rằng mình đã mắc lỗi trước nên bị sư phụ đuổi ra khỏi đây. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, chính Bồ Đề Tổ Sư là người chủ động đuổi Ngộ Không xuống núi, cắt đứt mọi liên hệ với nhân vật này là có căn duyên. Không những vậy, khi đuổi Tôn Ngộ Không đi, tổ sư còn bắt hắn thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bồ Đề Tổ Sư sở hữu phép thuật hàng đầu đó là thuật tiên tri, sớm nhìn trước được tương lai của Tôn Ngộ Không, biết hầu tử có thể làm nhiều việc kinh thiên động địa và cuối cùng sẽ tu thành chính quả nên đã đặt tên theo pháp danh nhà Phật và truyền dạy phép thuật rồi mới đuổi đệ tử đi.
Ngay cả Như Lai cũng không biết thân phận của Bồ Đề Tổ Sư. Dù là người có phép thuật cao siêu, dùng nhãn tuệ nhìn ra chân tướng mọi vật nhưng Như Lai cũng không nhìn thấu thân phận sư phụ đầu tiên của Tôn Ngộ Không.
Mà ngay cả Tôn Ngộ Không dù sở hữu phép thuật cao siêu, đi mây về gió nhưng cũng không thể tìm lại chỗ ẩn cư của sư phụ. Điều này cho thấy Bồ Đề Tổ Sư hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của đệ tử không tầm thường. Sau khi tu thành chính quả, Tôn Ngộ Không cũng không thể tìm được Bồ Đề Tổ Sư bởi ông là người biết trước mọi việc.
Theo PV/Bảo Vệ Công Lý