8 đầu lĩnh ngoại hiệu có chữ “Hổ”
Ở đây chúng ta không bàn về “Ngũ hổ tướng” Lương Sơn vốn là danh hiệu mà hậu nhân gọi chung nhóm 5 võ tướng hàng đầu Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Diên Chước, Tần Minh và Trương Thanh mà là điểm qua kết cục của toàn bộ đầu lĩnh có ngoại hiệu dính tới chữ Hổ. Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn, cả thảy có 36 người người mà biệt danh gắn với một con vật có thật (hổ, báo, rắn, cá sấu, chuột, chim…) hoặc loài vật trong truyền thuyết (rồng, kỳ lân).
|
8 hảo hán Lương Sơn ngoại hiệu có chữ “Hổ”. |
Và trong nhóm 36 đầu lĩnh này, tổng cộng có 8 con Hổ, cụ thể là: Sáp Sỉ Hổ Lôi Hoành (Hổ mọc cánh), Cẩm Mao Hổ Yến Thuận (Hổ long gấm), Nụy Cước Hổ Vương Anh (Hổ chân ngắn), Khiêu Giản Hổ Trần Đạt (Hổ nhảy khe), Hoa Hạng Hổ Cung Vượng (Hổ sẹo hoa), Đả Hổ tướng Lý Trung (Tướng đánh hổ), Tiếu Diện Hổ Chu Phú (Hổ mặt cười) và Trúng Tiễn Hổ Đinh Đắc Tôn (Hổ trúng tên). Toàn bộ “Bát Hổ” này đều qua đời ở trận chiến Phương Lạp, bởi những nguyên nhân khác nhau.
Sáp Sí Hổ Lôi Hoành
Lôi Hoành, thân vóc khoẻ mạnh, râu quai nón màu tía xoè ra như cái quạt, xếp hạng thứ 25 Lương Sơn, sao Thiên Thoái Tinh chiếu mệnh, chức vụ đầu lĩnh bộ quân. Trước khi lên Lương Sơn, Lôi Hoành vốn xuất thân thợ rèn, rồi làm đô đầu bộ binh ở huyện Vận Thành, dùng phác đao thiện nghệ.
|
“Hổ mọc cánh” Lôi Hoành. |
Lôi Hoành từng giúp Tống Giang thoát khỏi quan phủ truy bắt khi Cập thời Vũ giết Diêm Bà Tích. Sau họ Lôi bị cha con ca nữ Bạch Tú Anh hãm hại, rồi lỡ tay đánh chết người, bị bắt giam may được huynh đệ Chu Đồng thả cho thoát, nên đầu quân về “Bến nước”. Khi quân Lương Sơn chinh phạt Phương Lạp, Lôi Hoành bị tướng tài phía địch Từ Hành Phương giết chết sau 30 hiệp giao đấu.
Cẩm Mao Hổ Yến Thuận
Yến Thuận tóc đỏ, râu vàng, mắt tròn, tay dài và lưng rộng nên có biệt hiệu Cẩm mao hổ (Hổ lông gấm). Yến Thuận quê ở Lai Châu (thuộc Sơn Đông), giỏi võ nghệ, sử dụng vũ khí là đao. Thuận nguyên là lái buôn ngựa, do buôn bán thua lỗ lưu lạc giang hồ rồi làm nghề cướp bóc. Yến Thuận chính là thủ lĩnh băng cướp trên núi Thanh Phong cùng Vương Anh và Trịnh Thiên Thọ.
|
“Hổ lông gấm” Yến Thuận. |
Sau khi cứu Tống Giang khỏi tay quan huyện Thanh Phong Lưu Cao, giết vợ tên này (Lưu thị), Yến Thuận cùng huynh đệ và nhóm Hoa Vinh, Tần Minh, Hoàng Tín gia nhập Lương Sơn. Ở Lương Sơn Bạc, Yến Thuận là đầu lĩnh thứ 50, sao Địa Cường Tinh chiếu mệnh.Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, Yến Thuận bị tướng nguyên soái đối thủ - Thạch Bảo vung chuỳ đánh chết, tử trận ở đèo Ô Long.
Nụy Cước Hổ Vương Anh
Vương Anh vóc người lùn, thô nhưng nhanh nhẹn và võ nghệ cũng khá, chuyên dùng kiếm, có biệt hiệu là Nụy Cước Hổ (Hổ chân ngắn).Vương Anh là thủ lĩnh thứ hai của băng cướp núi Thanh Phong, sau Yến Thuận. Vương Anh có một tật khó sửa là háo sắc, từng khiến Tống Giang chịu nhiều rắc rối vì 2 lần cướp vợ quan tri phủ Lưu Cao về làm áp trại phu nhân.
|
“Hổ chân ngắn” Vương Anh. |
Vương Anh chính là chồng của kiệt nữ Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương (Khi ở núi Thanh Phong, Tống Giang hứa với Vương Anh sẽ tìm một phu nhân cho gã, nên sau khi hạ Chúc gia trang Tống Giang đã “thuận duyên” cho Hỗ Tam Nương và Vương Anh). Trong trận đánh Phương Lạp, Hỗ Tam Nương cùng Vương Anh đối đầu với tướng có tài dùng phép phía địch là Trịnh Bưu, cả hai cùng tử trận.
Khiêu Giản Hổ Trần Đạt
Trần Đạt, vốn người đất Nghiệp Thành, có tài sử dụng trường thương, xuất hiện ngay từ hồi 1 Thủy Hử, là 1 trong 3 đầu lĩnh nhóm thảo khấu ở núi Thiếu Hoa cùng với Chu Vũ và Dương Xuân. Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Trần Đạt xếp thứ 72, chức Mã Quân Tiểu Bưu Tướng kiêmViễn Thám Xuất Tiêu Đầu Lĩnh.
Trong chiến dịch bình Phương Lạp, khi quân Lương Sơn tiến gần đến cửa ải Dục Linh, Lư Tuấn Nghĩa sai sáu tướng là Trần Đạt, Sử Tiến, Thạch Tú, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh đem 3000 bộ binh đi trước dọn đường. Vừa đến ải thì dính phục kích của tướng địch Bàng Vạn Xuân. Sử Tiến trúng tên của Vạn Xuân tử trận đầu tiên, sau đó quân Phương Lạp từ bên sườn núi bắn tên ra như mưa. Cả sáu tướng Lương Sơn, trong đó có Trần Đạt và gần 3000 quân đều chết thảm ở trận này.
Đả Hổ Tướng Lý Trung
Lý Trung quê ở Hào Châu (thuộc An Huy) làm nghề múa gậy bán thuốc. Thủy Hử mô tả Trung cao bảy thước, râu dài, tay lớn quen dùng trường côn, lại thạo đánh siêu đao. Lý Trung được biết đến là thầy dạy võ đầu tiên của Cửu Vân Long Sử Tiến. Lý Trung trước khi gia nhập Lương Sơn là chủ trại băng cướp núi Đào Hoa (cùng Chu Thông). Sau trận đánh với Hô Diên Chước, Lý Trung chính thức về “bến nước”.
Xếp hạng Lương Sơn, Lý Trung là đầu lĩnh thứ 86, Bộ Quân Tướng Hiệu, được sao Địa Tích Tinh chiếu mạnh. Kết cục của “Tướng đánh hổ” Lý Trung cũng tương tự “Hổ nhảy khe” Trần Đạt, thiệt mạng cùng 6 huynh đệ đầu lĩnh trong trận loạn tiễn của Bàng Vạn Xuân ở đèo Ô Long.
Hoa Hạng Hổ Cung Vượng
Cung Vượng (cùng Đinh Đắc Tôn) là một trong hai phó tướng của Một Vũ Tiễn Trương Thanh tại phủ Đông Xương trước khi cả ba hàng Tống Giang và gia nhập Lương Sơn Bạc. Có tài phóng thương trên mình ngựa, Thủy Hử mô tả Cung Vượng khá oai hùng với những nét xăm trổ vằn hổ trên cơ thể và mặt hổ trên cổ.
Khi phân định ngôi thứ Lương Sơn Bạc, Cung Vượng xếp thứ 78, giữ chức Bộ Quân Tướng Hiệu là một trong những đầu lĩnh chuyên cai quản bộ binh. Tại hồi 115, trong chiến dịch bình Phương Lạp, ở trận đánh cửa nam thành Đức Thanh, Cung Vượng đuổi theo tướng Hoàng Ái, người ngựa rớt xuống khe, bị quân địch xông tới đâm chết ngay tại trận.
Trúng Tiễn Hổ Đinh Đắc Tôn
Đinh Đắc Tôn (cùng với Cung Vượng) là phó tướng của Trương Thanh ở phủ Đông Xương, dùng phi xoa (đinh ba) rất tài. Mặt và cổ họ Đinh nhiều vết sẹo qua đánh trận nên có ngoại hiệu là Trúng tiễn hổ (Hổ trúng tên). Sau khi gia nhập Lương Sơn, Đinh Đắc Tôn xếp hạng 79, chức vụ Bộ quân Tướng hiệu.
Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, Đinh Đắc Tôn theo Lư Tuấn Nghĩa tấn công Hấp Châu Quân sư Chu Vũ bày kế mai phục bên ngoài trại, dụ quân Phương Lạp đến cướp trại vào ban đêm và tung đòn phản kích. Quả nhiên địch trúng bẫy, quân Lương Sơn thắng lớn. Tuy nhiên trong khi mai phục, Đinh Đắc Tôn vô ý bị rắn cắn và chết vì trúng độc.
Tiếu Diện Hổ Chu Phú
Chu Phú là em Chu Quý (một trong những khai quốc công thần Lương Sơn Bạc) thuộc số ít đầu lĩnh Lương Sơn không được nhắc nhiều về bản lĩnh võ nghệ. Chu Phú nguyên là chủ quán rượu ở ngoài phía tây thành Nghi Thủy. Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Chu Phú xếp thứ 93, là một trong những đầu lĩnh chuyên quản lý các việc lặt vặt và… nấu rượu trong quân.
Tại hồi 116, khi thành Hàng Châu dịch bệnh lan tràn, sáu võ tướng Lương Sơn là Trương Hoành, Mục Hoằng, Khổng Minh, Chu Quý, Dương Lâm, Bạch Thắng mắc bệnh và không thể tiếp tục theo Tống Giang đánh Phương Lạp. Chu Phú (và Mục Xuân) là hai người được giao phó ở lại Hàng Châu để coi sóc. Trừ Dương Lâm và Mục Xuân sống sót tìm về với đại quân Lương Sơn, 6 người còn lại, trong số đó có “Hổ mặt cười” Chu Phú đều qua đời vì bệnh dịch.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt