Theo Sohu, trong số hơn 400 vị hoàng đế Trung Quốc, có những hoàng đế không có vai trò gì lớn lao nhưng lại rất đặc biệt nên được hậu thế nước này nhắc đến nhiều, như Phổ Nghi, vì ông là hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một hoàng đế cũng được hậu thế nhắc đến, không phải bởi chính tích (thành tích trong lúc tại vị) lừng lẫy, mà bởi sự vô dụng, có thể nói là vô dụng nhất lịch sử Trung Quốc.
Hoàng đế Lý Dục chỉ say mê làm thơ, vẽ tranh (ảnh minh họa).
Vị hoàng đế cuối cùng của Nam Đường chỉ say mê làm thơ, vẽ tranh. Ông là Lý Dục, con thứ sáu của Nam Đường Nguyên Tông Lý Cảnh.
Không giống như nhiều hoàng đế là tham lam, háo sắc, ham chơi, ông cũng biết xúc động trước nỗi thống khổ của người dân, nhưng chỉ biết đem cảm xúc đó vào thơ ca.
Nếu không phải làm hoàng đế, có lẽ Lý Dục đã trở thành một thư pháp gia, một thi sĩ hay họa sĩ. Có thể nói Lý Dục cực kỳ có tố chất nghệ thuật. Bài thơ “Ngu mĩ nhân” nổi tiếng chính là do ông sáng tác trước khi chết. Chỉ tiếc rằng ông đã sinh nhầm thời, hoặc theo cách nói ngày nay là “ngồi nhầm chỗ”.
Hai chị em Chu Nga Hoàng, Chu Gia Mẫn lần lượt trở thành hoàng hậu của hoàng đế Nam Đường Lý Dục (ảnh minh họa).
Lý Dục từng lần lượt lập hai chị em ruột Chu Nga Hoàng, Chu Gia Mẫn làm hoàng hậu. Cho nên lịch sử gọi hai hoàng hậu này là Đại Chu hậu và Tiểu Chu hậu.
Lý Dục và Đại Chu hậu (tức Chu Nga Hoàng) có tình cảm gắn bó sâu sắc. Nhưng sau 10 năm bên nhau, Đại Chu hậu đột nhiên bị bệnh. Lý Dục vô cùng lo lắng, lệnh cho tìm khắp trong thiên hạ đạo sĩ có thể chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu.
Chu Gia Mẫn và anh rể Lý Dục nhanh chóng nảy sinh tình cảm với nhau (ảnh minh họa).
Trong khi đó, người em gái Chu Gia Mẫn, vì lo lắng cho sức khỏe bệnh tình của chị nên xin được vào cung để có thể chăm sóc cho chị. Nào ngờ chính chuyến thăm này lại khiến cho Chu Gia Mẫn và Lý Dục nảy sinh tình cảm, rồi đến với nhau.
Đại Chu hậu bệnh tình càng trầm trọng hơn rồi ôm hận ra đi (ảnh minh họa).
Vô tình biết được chuyện tình của Lý Dục với em gái mình, Đại Chu hậu bệnh tình càng trầm trọng hơn rồi ôm hận ra đi.
Lý Dục biết có lỗi với vợ, vì thế ông đã viết rất nhiều bài thơ ca tụng Đại Chu hậu. Chờ đến sau khi tròn 3 năm ngày mất của Đại Chu hậu, Lý Dục tổ chức đón rước Chu Gia Mẫn vào cung cực kỳ long trọng. Hai người đã trải qua những ngày vô cùng hạnh phúc. Chu Gia Mẫn trở thành Tiểu Chu hậu.
Ngày 13/8/978, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (hoàng đế khai quốc nhà Tống) dẫn binh đánh Nam Đường. Nhưng Triệu Khuông Dận không giết Lý Dục, một mặt để thể hiện lòng nhân từ của ông ta, mặt khác để làm bẽ mặt Lý Dục. Trước khi tiến vào thành, Triệu Khuông Dận đã truyền lệnh cho Lý Dục phải quỳ gối đầu hàng và hô to “hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”.
Lý Dục cũng biết như vậy là nhục nhã, nhưng ông không muốn chết. Sau khi lên ngôi, Triệu Khuông Dận phong Lý Dục làm Lũng Tây quận công, từ đây trở đi đối với Lý Dục thực sự là chuỗi ngày ô nhục.
Lý Dục nhiều lần phải mang hoàng hậu của mình vào cung Triệu Khuông Dận (ảnh minh họa).
Triệu Khuông Dận sớm biết đến Lý Dục có một Tiểu Chu hậu xinh đẹp hơn người nên ông ta đã nhiều lần lệnh cho Lý Dục mang hoàng hậu của mình vào cung ân ái với ông ta. Ngoài Tiểu Chu hậu, còn rất nhiều thê thiếp khác của Lý Dục cũng bị ép vào cung phục vụ Triệu Khuông Dận. Sau mỗi đêm hoan lạc, Tiểu Chu hậu và các thê thiếp đều được trả về cho Lý Dục.
Chuyện này đối với Lý Dục phải nói là sự sỉ nhục khủng khiếp. Đặc biệt Triệu Khuông Dận tính tàn bạo, mỗi lần sau khi Tiểu Chu hậu được ông ta thả về, trên người đều đầy vết. Quá ấm ức, Tiểu Chu hậu chỉ còn cách trút giận lên Lý Dục. Ấm ức như vậy, nhưng ngay cả khi nhận được mệnh lệnh của Triệu Khuông Dận, Tiểu Chu hậu cũng không dám kháng cự.
Lý Dục chỉ còn biết trốn chạy vào cơn say để không phải đối mặt với hiện thực (ảnh minh họa).
Trước sự bạo ngược của Triệu Khuông Dận, Lý Dục nhu nhược không biết làm thế nào, chỉ có thể ngày ngày uống rượu, trốn chạy vào cơn say để không phải đối mặt với hiện thực. Cái chết của Lý Dục được chép lại trong sử sách là do uống nhầm thuốc độc, toàn thân bị co giật mà chết.
Lời giải thích này đương nhiên khó thuyết phục. Các chuyên gia cho rằng, rất có thể hoàng đế Tống Thái Tông (em trai Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận) biết Lý Dục hận trong lòng, ngày nào đó sẽ báo thù nên đầu độc Lý Dục.
Khi chết, Lý Dục mới chỉ 42 tuổi. Tiểu Chu hậu sau mấy năm tủi hổ, đau buồn cũng qua đời.
Nếu không phải làm hoàng đế mà chỉ là thi sĩ, họa sĩ, thư pháp gia, có lẽ cuộc đời Lý Dục đã khác. Số phận quả là biết đùa cợt với ông.
Theo Hồng Nhung/ Khám Phá