Như từng đề cập, mối bất hòa của 2 viên tướng Tống là chánh tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết là một trong những nguyên nhân khiến quân Tống bại vong khi sang xâm lược Đại Việt. Việc Tống Thần Tông quyết định dùng Quách Quỳ thay Triệu Tiết làm chánh tướng và đẩy Triệu Tiết xuống làm phó tướng ngoài việc do không còn sủng ái những người Vương An Thạch tín nhiệm còn có một lý do khác. Sự nóng vội của Thần Tông.
Khi Thần Tông dùng Triệu Tiết làm chánh tướng thì có thể tin vua Tống muốn đánh chắc thắng chắc. Triệu Tiết là tướng nhưng xuất thân từ văn nhân, từng đỗ tiến sĩ trước khi vào quan trường và thích đánh bằng nhân tâm, dùng mưu mẹo chính sách hơn là dàn quân bày trận.
tạm hiểu là: Người Tây Hạ xâm phạm Hoàn Khánh lộ, sau đó lại đến chúc mừng năm mới. Tiết hiến kế ly gián kẻ địch, nhân đó chiêu dụ dân cư Hoành Sơn, cho rằng đó là không đánh mà khuất phục binh lực của địch. Tiết được thăng làm Đề điểm Thiểm Tây hình ngục; Hàn Giáng làm Tuyên phủ Thiểm Tây, muốn đem quân Hà Đông đi đánh Tây Hạ, ông khuyên rằng Tây Hạ thủy thổ khô cằn, địa hình hiểm trở, rời xa cửa ải rất dễ bị chặn mất đường về, chẳng bằng dựa vào binh uy mà chiêu dụ dân chúng ở biên thùy, hòng lấn dần sang đất địch, còn hơn gây sự chiến tranh vừa khó nhọc lại chưa chắc thắng lợi.
hay: "Sơ, phu diên địa giai hoang tích, chiêm điền giả bất xuất tô phú, ỷ vi phiên tế. Bảo nguyên dụng binh hậu, điêu hao đãi tận, kỳ khoáng thổ vi chư tù sở hữu. Tiết nhân chiêu vấn viết: "Vãng thời nhữ tộc hộ nhược can, kim giai an tại?" Đối: "Đại binh chi hậu, tử vong lưu tản, kỳ sở tồn chỉ thử." Tiết viết: "Kỳ địa tồn hồ?" Tù vô dĩ đối. Tiết viết: "Thính nhữ tự mộ đinh, gia sử chiêm điền sung binh, nhược hà? Ngô sở đắc giả nhân nhĩ, điền tắc ngô bất vấn dã." Chư tù giai cảm phục quy mộ, tất bổ vong tịch. Hựu kiểm quát cảnh nội công tư nhàn điền, đắc thất thiên ngũ bách dư khoảnh, mộ kỵ binh vạn thất thiên. Tiết dĩ dị thời phiền binh đề không bộ, mạn bất khả khảo, nhân nghị niết kỳ thủ. Thuộc tuế cơ, lệnh phiền binh nguyện thứ thủ giả, thải thường bình cốc nhất hộc, ô thị nhân nhân nguyện thứ, nhân huấn luyện dĩ thời, tinh nhuệ quá ô chính binh. Thần tông văn nhi gia chi, trạc thiên chương các đãi chế".
tạm hiểu là: xưa đất đai Phu Duyên lộ bị bỏ hoang, những kẻ chiếm hữu ruộng đất không chịu nộp tô thuế, dựa vào sự bảo hộ của triều đình đối với các dân tộc thiểu số. Sau chiến tranh (Hạ – Tống) năm Bảo Nguyên thời Tống Nhân Tông (1039), vùng này càng thêm điêu tàn, trong khi các tù trưởng chiếm hữu những diện tích rộng lớn. Tiết chiêu dụ các tù trưởng, hứa hẹn không hỏi đến ruộng đất, chỉ yêu cầu bổ sung hộ tịch; bọn họ cảm phục nên vui lòng làm theo. Tiết kiểm kê được ruộng đất bỏ hoang cả công lẫn tư có hơn 7500 khoảnh, mộ được 17000 kỵ binh. Tiết phát hiện binh sĩ người Phiên không có trong sổ bộ, tản mát không thể tra xét; nhân đó kiến nghị xăm ký hiệu trên tay của họ. Gặp năm đói kém, binh sĩ người Phiên tình nguyện xăm tay sẽ được ban thêm một hộc gạo, vì vậy người người tình nguyện xăm tay. Tiết huấn luyện bọn họ, trở nên tinh nhuệ hơn cả quân chánh quy. Tống Thần Tông nghe tin thì khen ngợi, thăng làm Thiên Chương các đãi chế".
Cách làm của Tiết như thế đáng gọi là khôn ngoan nên lọt vào mắt xanh của Vương An Thạch và ban đầu được Tống Thần Tông tin tưởng phong làm chánh tướng việc đi xâm lược Đại Việt. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin quân của Lý Thường Kiệt phá tan Ung châu, Khâm châu, tiêu diệt gần như toàn bộ quân Tống ở khu vực giáp biên thì Thần Tông nóng lòng trả thù. Hơn nữa, Tống Thần Tông muốn đánh thắng chớp nhoáng để quay về dồn lực lo cho mặt Bắc. Vua Tống đã nói rõ những khó khăn và ý đồ chiến lược đó: “Tuy ở biên thùy phía bắc, Quách Quỳ đã phân phát kế hoạch đề phòng cho các tướng ở lại, nhưng người bắc thấy triều đình bận việc Nam chinh chắc muốn quấy. Vậy phải lo việc An Nam cho chóng xong”
Lúc này, việc dùng chính sách xâm lược mềm kiểu Triệu Tiết không còn hợp nhãn với vua Tống nữa mà Thần Tông muốn thực hiện một cuộc xâm lược cứng rắn. Do vậy Triệu Tiết không thể làm chánh tướng mà Quách Quỳ lên.
Nếu Tiết xuất thân là tiến sĩ thì Quỳ là con trai thứ của Quách Bân, một danh tướng của Bắc Tống. Quỳ làm tướng giỏi và theo Tống sử thì rất giỏi binh thư, trận pháp. Vua Tống từng vời Quỳ vào hỏi cách bày binh bố trận và Quỳ trả lời rành rọt. Chuyện này cũng được Tống sử chép: "Quỳ khảng khái hỉ binh học, thần tông thưởng phỏng bát trận di pháp, đối viết: "Binh vô thường hình, thị đặc kỳ chính tương sinh chi nhất pháp nhĩ".
Trong quá trình làm việc chung khi xâm lược Đại Việt, quan điểm của Quách Quỳ và Triệu Tiết thể hiện khác nhau. Tiết theo cách cũ đã làm ở biên giới với Tây Hạ là trước khi động binh thì dùng lợi ích dụ dỗ những kẻ tráng dũng, sai sứ giả chiêu nạp những kẻ hai lòng, phá hủy cơ sở của họ, về sau sẽ đưa đại quân đến "đánh dẹp". Quỳ không nghe không phải vì kế của Tiết không hay mà Quỳ muốn đánh nhanh thắng nhanh như chí hướng của vua Tống trong khi cách làm của Tiết mất thời gian.
Rồi Tiết lại bày mưu “chia quân 3 lộ, thủy bộ cùng tiến, ắt đánh cho quân Nam tan vỡ”. Thế nhưng, Quỳ cũng không nghe vì nếu để thủy bộ cùng tiến thì phải chờ nhau mất thời gian. Do vậy, quân bộ của Tống với khoảng 10 vạn quân trong đó có 1 vạn kỵ binh tiến nhanh vào trước. Chỉ có điều 10 vạn quân Tống trong đó chủ yếu là quân từ các châu phía Bắc quen đánh trên địa bàn bằng phẳng đã phải dừng lại khi gặp phòng tuyến Như Nguyệt. Gặp sông lớn thì kinh nghiệm trận đồ, binh pháp và sức mạnh kỵ binh của Tống coi như đồ bỏ. Lúc này, Tống cần có thủy binh đưa qua sông.
Nhưng vì thủy binh thiếu sự bọc lót của bộ binh nên không hoàn thành nhiệm vụ “người chở đò”.Tướng chỉ huy thủy quân địch là Dương Tùng Tiên sau nhiều lần thua Lý Kế Nguyên thì không dám tiến, không dám thoái. Vì không có thủy quân chở đò nên khối quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết cũng không vượt nổi phòng tuyến Như Nguyệt và cuối cùng thất bại.
Nếu giả như Tống Thần Tông không nóng vội trong việc xâm lược Đại Việt mà để Triệu Tiết làm chánh tướng đánh theo kiểu chuẩn bị kỹ càng, tiến quân chậm chắc thì quân ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Hay nếu như Triệu Tiết nắm quyền điều khiển chiến lược để thủy bộ cùng tiến vào nước ta thì quân ta có lẽ phải trả một cái giá đắt hơn để giành chiến thắng. Nhưng sự nóng vội của Tống Thần Tông trong dùng người, sự tự tin vào sức mạnh của bộ binh – kị binh của Quách Quỳ đã đẩy quân Tống vào chỗ bất lợi. Điều đó giúp ông cha ta đỡ tốn xương máu để có chiến thắng trước quân xâm lược nhà Tống.