Nửa thế kỷ nhìn lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng, PGS. TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đánh giá, trận địa lòng dân, căn cứ địa lòng dân đã thực sự là một tòa thành vững như núi, không kẻ thù nào phá được. Chúng ta đã chiến thắng vì đã luôn biết dựa chắc vào dân, lấy dân làm gốc.
 |
Người dân Sài Gòn đổ ra đường vui mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu. |
Xây dựng và bồi đắp tinh thần kháng chiến toàn dân
PGS.TS Trần Vi Dân cho hay, Chiến dịch Hồ Chí Minh là một minh chứng rõ ràng cho mục tiêu kiên định giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Việc xác định mục tiêu rõ ràng và khéo léo vận dụng các chiến thuật quân sự, an ninh đã tạo nên một thế trận mạnh mẽ và vững chắc, trong đó nhân dân chính là nguồn lực quan trọng.
 |
Đánh chiếm Cầu Thị Nghè sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Từ chỗ “ba bám” (du kích bám địch, cán bộ bám dân, dân bám đất), đường lối của Đảng, chính sách của Mặt trận và Chính phủ đã thâm nhập đến từng người, từng nhà, từng cán bộ, từng chiến sĩ. Sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, giữa quân giải phóng, lực lượng an ninh và nhân dân, giữa Nhà nước và nhân dân không ngừng được củng cố hết sức vững chắc.
Nắm vững tư tưởng chỉ đạo và nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, quân và dân ta trên chiến trường đã biểu thị sự nhất trí rất cao trong hành động muôn người như một, quyết tâm đập tan mọi sự chống cự của địch, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của địch, quyết giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để cho chiến dịch.
 |
5h30 sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10 và hai đại đội xe tăng của Trung đoàn thiết giáp 273 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu. |
Quán triệt quan điểm của Đảng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, được các binh đoàn chủ lực hỗ trợ, nhân dân và lực lượng vũ trang đã kết hợp nổi dậy giải phóng quận lỵ và các xã ấp.
Ở nội thành, lực lượng biệt động dẫn đường và cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quân sự. Công nhân tổ chức canh gác bảo vệ nhà máy. Nhân viên các công sở giữ gìn tài sản, tài liệu, bàn giao đẩy đủ cho cách mạng.
Ở nhiều nơi, thanh niên tự vệ dùng loa kêu gọi binh sĩ chính quyền Sài Gòn bỏ súng đầu hàng, chỉ nơi quân địch lẩn trốn cho bộ đội lùng bắt, cùng bộ đội tước vũ khí địch, trừng trị các đối tượng ác ôn ngoan cố chống đối, giữ gìn trật tự, trị an ở các khu vực vừa được giải phóng.
Ở vùng ven đô và nội đô, nhân dân nổi dậy phối hợp với bộ đội tiến công địch. Đòn tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng chưa bao giờ được phối hợp chặt chẽ và mạnh mẽ như lúc này. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng, của chiến tranh nhân dân áp đảo chính quyền và quân đội Sài Gòn, một lực lượng được Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng hơn 20 năm đã sụp đổ trong chốc lát.
Xây dựng sự đồng lòng trong các tầng lớp nhân dân
Trong Chiến dịch, tất cả các tầng lớp xã hội, từ trí thức, công nhân, đến nông dân đều tham gia vào công cuộc kháng chiến với một tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ. Các cuộc chiến đấu không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự mà còn trong từng nhà, từng khu dân cư, nơi mọi người đều góp phần vào chiến thắng bằng những cách thức khác nhau, từ tiếp tế hậu cần, xây dựng lực lượng, đến tạo ra nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ.
 |
Các chiến sĩ xe tăng 843 trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Tại nội đô Sài Gòn - Gia Định - nơi đầu não chỉ huy của cuộc chiến tranh xâm lược, kết hợp với sự lớn mạnh của cách mạng trên các mặt chính trị, vũ trang, binh vận, ngoại giao, công tác trí vận đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đặc biệt là việc tác động tới người đứng đầu chính quyền Sài Gòn là Tổng thống Dương Văn Minh.
Vùng nông thôn Sài Gòn - Gia Định là địa bàn luôn giữ vai trò xung yếu, là bàn đạp cho những trận tiến công quân sự quy mô lớn, nơi xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh “ba mũi giáp công” gây tiếng vang mạnh mẽ.
Sức mạnh tiềm tàng của phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định đã kết tụ thành đỉnh cao trong Đại thắng mùa Xuân 1975, góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền, động viên tinh thần quân và dân
Để xây dựng “thế trận lòng dân”, Đảng đã sử dụng các phương thức tuyên truyền rất hiệu quả, như: hệ thống báo chí, đài phát thanh, các cuộc mít tinh, hội thảo, phát động các phong trào yêu nước… Nhờ đó, nhân dân luôn hiểu rõ về tình hình chiến sự, các thắng lợi của quân đội, an ninh và đặc biệt là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Mặc dù chiến dịch diễn ra với các trận đánh quy mô lớn, nhưng công tác chính trị và vận động quần chúng vẫn luôn được chú trọng. Các cán bộ, chiến sĩ không chỉ chiến đấu mà còn phải tuyên truyền về mục đích và lợi ích của cuộc kháng chiến để nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ quần chúng nhân dân.
 |
Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Nhờ đó, việc huy động lực lượng hậu phương, củng cố các tổ chức quần chúng, vận động nhân dân tham gia sản xuất và tiếp tế hậu cần đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử.
Các phong trào quần chúng của: phụ nữ, thanh niên, công nhân, học sinh, nông dân đã tích cực tham gia vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước, không chỉ trong chiến đấu mà còn trong công tác sản xuất, cung cấp lương thực, thuốc men, phục vụ chiến đấu.
 |
Hơn 300.000 người dân Sài Gòn chào đón Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Tư liệu). |
Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định đã phối hợp với bộ đội chủ lực và các mũi nhọn tổng tiến công và nổi dậy khắp thành phố Sài Gòn - Gia Định với khí thế sôi nổi, giải phóng thành phố, góp phần giải phóng miền Nam.
Ban Hoa vận đặt tại Bệnh viện Triều Châu (Bệnh viện An Bình ngày nay) tích cực chuẩn bị lương thực, thuốc men, máy phát điện, bố trí bác sĩ, y tá trực tại chỗ khi tiến hành khởi nghĩa, xe cứu thương của bệnh viện tham gia công tác liên lạc và vận chuyển vũ khí.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên trí thức làm công tác trí vận đã góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng, tổ chức, tác động, thúc đẩy các phong trào đấu tranh chính trị của giới trí thức ngay giữa trung tâm đầu não của địch, góp phần làm suy yếu hàng ngũ địch từ bên trên, bên trong nội bộ của chúng. Từ đó, tạo điều kiện, góp phần để Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tạo sự đoàn kết trong lòng dân tộc
Đoàn kết dân tộc là một yếu tố quan trọng tạo nên “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dù là vùng đô thị hay nông thôn, dù là các dân tộc thiểu số hay dân tộc Kinh, tất cả đều gắn kết với nhau bằng một mục tiêu chung: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn Đảng lấy đoàn kết của cơ quan lãnh đạo làm hạt nhân.
 |
Nhân dân phá “Ấp chiến lược”, khiêng nhà về nơi ở cũ. Ảnh tư liệu. |
Trong các giai đoạn phát triển cách mạng và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng luôn coi trọng lực lượng an ninh, đặt sự tin cậy cao đối với cán bộ, chiến sĩ an ninh, giao cho lực lượng an ninh những nhiệm vụ bảo vệ, làm mũi tiến công xung kích, đồng thời làm công tác vận động quần chúng chống gián điệp và chống phản động trong nước.
 |
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài. Ảnh tư liệu. |
Lực lượng An ninh miền Nam đã vận dụng sách lược của mặt trận và các chính sách đoàn kết dân tộc trong công tác đánh địch, bắt nhiều không phải là tốt mà tập trung vào đối tượng ác ôn nguy hiểm, tranh thủ lôi kéo, phân hóa những người có thể tranh thủ phân hóa được nhằm thu hẹp diện đả kích của an ninh, thực hiện thêm bạn, bớt thù. Cán bộ, chiến sĩ an ninh miền Nam, do gắn bó với nhân dân, dựa hẳn vào nhân dân, tôn trọng và học tập sự khôn ngoan tài trí của nhân dân nên đã bảo toàn lực lượng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 |
Người dân vây quanh quân giải phóng. Ảnh tư liệu. |
“Nhân dân ta đang xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, lòng dân và “thế trận lòng dân” đã trở thành sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc. Từ “toàn dân đánh giặc”, chuyển sang thời kỳ mới “toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Khi dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới thì những bài học kinh nghiệm về lòng dân và xây dựng “thế trận lòng dân” từ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau”, Trung tướng, PGS. TS Trần Vi Dân nhấn mạnh.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Hội thảo khoa học "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam".
Mai Nguyễn