Những năm 1960 chứng kiến cuộc đua không gian khốc liệt giữa Mỹ và Liên Xô. Hai nước đều muốn vượt lên trước đối thủ, chiếm ưu thế không gian, qua đó khẳng định sức mạnh quốc gia. Cuộc đua không gian cũng là một phần trong cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh.
Cuộc đua căng thẳng
Năm 1957, Liên Xô mở màn cuộc đua không gian bằng cách phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người lên quỹ đạo. Năm 1959, Mỹ phóng vệ tinh do thám đầu tiên của thế giới trong dự án Corona.
Ngày 12/4/1961, Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên đưa con người lên vũ trụ bằng tàu con thoi Vostok. Phi hành gia Yuri Gagarin đi vào lịch sử khi trở thành người đàn ông đầu tiên du hành vũ trụ.
Gần một tháng sau, ngày 5/5/1961, phi hành gia Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên và người thứ 2 của thế giới du hành vũ trụ trong chương trình không gian Mercury. Liên Xô cảm nhận thấy sức ép lớn từ dự án của Mỹ.
|
Bản sao của Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người do Liên Xô chế tạo và phóng lên không gian. Ảnh: NASA |
Moscow muốn vượt lên phía trước và chuẩn bị đưa phi hành gia thứ 2 vào vũ trụ. Ngày 6/8/1961, Liên Xô phóng tàu con thoi Vostok 2 lên quỹ đạo. Phi hành gia Gherman Titov thiết lập kỷ lục khi bay 17 vòng quanh trái đất.
Washington cũng không muốn kém cạnh so với đối thủ, Tổng thống John F. Kennedy chỉ đạo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hướng cuộc đua không gian về phía mặt trăng và Mỹ phải trở thành quốc gia đầu tiên thăm dò mặt trăng trong dự án Apollo.
Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong trở thành người đàn ông đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và Mỹ cũng là quốc gia duy nhất đến hiện tại đưa con người lên mặt trăng.
Liên Xô cũng bỏ qua chương trình Vostok để tập trung cho chương trình tàu con thoi Soyuz nhằm đưa người lên mặt trăng. Tuy nhiên, sang những năm 1970, Liên Xô có phần tụt lại trong cuộc đua nên hủy bỏ chương trình đưa con người lên mặt trăng và tập trung cho việc xây dựng trạm không gian.
Vụ mất tích bí ẩn
Theo Thevintagenews, sau khi thực hiện thành công sứ mệnh Vostok 2, Liên Xô quyết định gửi nữ phi hành gia đầu tiên vào không gian. Mặc dù không có hồ sơ chính thức, chuyện kể rằng người phụ nữ đầu tiên của Liên Xô cũng như thế giới được đưa lên quỹ đạo thành công.
Sau khi thực hiện chuyến du hành quanh trái đất, tàu con thoi đưa nữ phi hành gia trở lại trái đất. Tuy nhiên, trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển, tàu con thoi bất ngờ gặp sự cố. Trước khi tàu mất liên lạc với trạm điều khiển mặt đất, có một cuộc trò chuyện kỳ lạ được ghi lại.
|
Tàu con thoi Vostok của Liên Xô. Ảnh: Bảo tàng hàng không vũ trụ Paris |
“Lắng nghe, lắng nghe, mời vào, vào trong.. vào trong… nói chuyện với tôi! Nói với tôi.. tôi nóng.. tôi nóng, cái gì?. Tôi cảm thấy nóng, tôi có thể nhìn thấy một ngọn lửa”.
Nữ phi hành gia liên tục thông báo cảm thấy nóng, điều đó cho thấy lá chắn nhiệt của tàu con thoi gặp vấn đề khi ma sát với không khí. Du hành không gian là một vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ đầy thách thức đối với bất kỳ ai. Đặc biệt, khi ở trong tàu con thoi gặp nạn và đang lao xuống mặt đất với tốc độ chóng mặt, điều đó càng đáng sợ hơn.
Người phụ nữ cảm thấy cuộc sống của mình sắp kết thúc. “Tôi cảm thấy nóng, 32, 41.. tôi sắp đâm xuống, vâng… vâng, tôi cảm thấy nóng”, trích đoạn ghi âm cuối cùng. Vài phút sau, liên lạc vô tuyến với tàu con thoi im bặt.
Ngày 26/5/1961, ba ngày sau sự cố, Liên Xô thông báo tàu con thoi đã trở lại trái đất. Tàu con thoi hỏng nặng nhưng điều kỳ lạ là nữ phi hành gia bên trong đã biến mất. Người ta không hiểu chuyện gì đã xảy ra và chính phủ Liên Xô phủ nhận thông tin về vụ tai nạn.
Theo Quốc Việt/Zing News