Bàn chải đánh răng
Bạn có biết chiếc bàn chải đánh răng dùng hàng ngày cũng là vật trung gian để vi khuẩn sinh sôi gây bệnh? Bàn chải đánh răng có thể chứa ít nhất 200.000 vi khuẩn trên mỗi cm2 so với bệ ngồi toilet.
Để tránh vi khuẩn gây bệnh về răng miệng, bạn nên vệ sinh bàn chải thường xuyên, để bàn chải cách xa bồn cầu và không để chung với bàn chải đánh răng của người khác.
|
Ảnh minh họa. |
Tay nắm cửa
Không chỉ ở các nơi công cộng, tay nắm cửa trong gia đình cũng nhiễm khuẩn nhiều hơn bạn tưởng. Đây là khu vực được chúng ta tiếp xúc nhiều mỗi ngày, nên đặc biệt phải làm sạch thường xuyên. Chú ý vào những tháng mùa đông, nguồn lây bệnh cúm, cảm lạnh tiềm ẩn rất lớn ở tay nắm cửa.
Viền cánh cửa tủ lạnh
Nấm mốc rất ưa những nơi ẩm và tối. Viền cao su của cánh cửa tủ lạnh là thiên đường của chúng. Mốc lan rộng bằng cách phát tán những bào tử nhẹ để bay lơ lửng trong không khí.
Miếng rửa bát
Bề mặt nhám, xốp của miếng rửa bát cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ. Ngoài ra, độ ẩm hoàn hảo và đồ ăn thừa dính trên đó chẳng khác nào những bữa tiệc thịnh soạn với chúng.
Bồn tắm
Bồn tắm cũng chứa rất nhiều vi khuẩn độc hại mà chúng ta thường không chú ý tới. Mạch vữa giữa các viên gạch ốp lát, chất trám kín xung quanh bồn tắm và vòi tắm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Lỗ thoát nước trong bồn tắm đã chứa 120.000 vi khuẩn trên mỗi cm2.
Vòi nước
Vòi nước chính là nơi lý tưởng cho vi khuẩn ẩn nấp và phát triển. Nếu bạn vô tình chạm tay bẩn vào vòi nước, vi khuẩn sẽ sinh sôi trên đó. Vòi nước có thể chứa đến 6.267 vi khuẩn trên 1 cm2. Tốt nhất bạn nên vệ sinh vòi nước thường xuyên.
Thớt
Một số loại vi khuẩn trong thịt sống như Salmonella, E.Coli, Listeria hay Campylobacter sẽ lây lan sang thớt. Do vậy, bạn nên tránh dùng chung thớt cho thực phẩm chín và sống. Ngoài ra, thớt nhựa sẽ hạn chế lượng vi khuẩn sinh sôi hơn là đồ gỗ.
Theo An Nhiên/Khỏe & Đẹp