GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa trở thành thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ - Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Giáo sư Đức hy vọng, dấu mốc thành công trong sự nghiệp nghiên cứu cũng chính là lời động viên, cổ vũ các nhà khoa học trẻ mạnh dạn dấn thân, hội nhập quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam vinh dự trở thành thành viên hội đồng biên tập của tạp chí uy tín quốc tế.
|
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến. |
Nguồn cổ vũ đối với nhà khoa học trẻ
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến đã chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Journal of Aerospace Science and Technology.
Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Journal of Aerospace Science and Technology là một trong những tạp chí quốc tế hàng đầu có trong danh mục SCI index, thuộc top 5%, có uy tín và chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không - Vũ trụ.
Thành viên Ban biên tập Tạp chí là các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không Vũ trụ từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Italy, New Zealand, Trung Quốc…
|
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là người thầy tận tụy, nhiệt huyết truyền lại kiến thức cho học trò. |
Chia sẻ với PV Tri thức và Cuộc sống, GS Nguyễn Đình Đức cho hay, việc nhà khoa học Việt Nam được mời tham gia Ban biên tập hội đồng quốc tế này đã cho thấy uy tín, vị thế của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên bản đồ khoa học của quốc tế. Đây không chỉ là niềm vui, khích lệ đối với cá nhân ông, mà cũng là niềm tự hào đối với Trường Đại học Công nghệ và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, đây là nguồn cổ vũ đối với các nhà khoa học trẻ.
“Việc này cũng sẽ cổ vũ các nhà khoa học trẻ mạnh dạn dấn thân, hội nhập với cộng đồng khoa học của quốc tế”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sinh năm 1963 tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay thuộc Hà Nội. Ngay từ thời đi học, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và khả năng học tập vượt trội.
Năm 1984, ông là thủ khoa đầu ra của Khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được Bộ Đại học cho tham gia kỳ thi chọn nghiên cứu sinh đi nước ngoài vào năm 1985 và đã đỗ đầu với số điểm cao nhất.
Sau đó, ông được Bộ Đại học cử đi làm luận án tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov. Năm 1991, khi mới 28 tuổi, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ Toán – Lý. Năm 1997, khi 34 tuổi, ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học ở Viện hàn Lâm Khoa học Nga.
Với thành tích này, ông được Trường Đại học Tổng hợp Clemson (Hoa Kỳ) mời sang làm trợ giảng. Tuy nhiên, ông đã chọn trở về nước bởi muốn góp phần xây dựng ngành khoa học composite ở Việt Nam, xây dựng và đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ.
|
GS Nguyễn Đình Đức (thứ 6 từ trái qua) tham dự phiên họp thứ nhất Hội đồng Khoa học Đào tạo của Đại học Việt Nhật tại Nhật Bản. |
Nhà khoa học đầu ngành về vật liệu composite
Sau khi về nước, GS Nguyễn Đình Đức được GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, khi đó nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tin tưởng, tín nhiệm, giao trọng trách đứng ra vận động, sáng lập và trở thành một trong những Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức KHCN trẻ Việt Nam (2004-2010).
Trong 40 năm gắn bó với nghề, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và Vật liệu composite. Năm 36 tuổi (1999), ông được công nhận và cấp bằng phát minh về quy luật ứng xử của các vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian 3Dm (nền, hạt và sợi).
Cho đến nay, ông đã công bố trên 350 bài báo, công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.
Từ năm 2019 đến nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) - đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.
Nhiều năm nay, ông là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng danh giá nhất - 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời.
Làm khoa học cần có đam mê
GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ, con đường làm khoa học của ông trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, thiếu thốn trăm bề. Kết quả của những thành công hôm nay là từ lòng kiên trì, nghị lực bền bỉ, cũng như sự ủng hộ của nhà trường, đồng nghiệp.
Một trong những điều khiến ông cảm thấy vui nhất là đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng được phòng thí nghiệm mới, khoa mới, ngành mới ở các trường đại học, trong đó có phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông ở Trường Đại học Công nghệ, ngành Civil Engineering ở Trường Đại học Việt Nhật. Ông góp phần xây dựng được trường phái khoa học về vật liệu composite tiên tiến, có uy tín ở Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.
Đặc biệt, ở cương vị một nhà giáo, ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi giang, thành đạt..
GS Nguyễn Đình Đức cho hay, cán bộ trẻ khoa học trẻ ngày nay được đào tạo bài bản, có điều kiện tu nghiệp, bồi dưỡng ở nước ngoài, khả năng hội nhập cao… đó là những thuận lợi so với các thế hệ trước.
“Tôi luôn mong các bạn trẻ có sự kiên trì và bền bỉ, không chạy theo hư danh. Đã làm khoa học là phải dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
GS Nguyễn Đình Đức là chuyên gia phản biện khoa học cho hơn 70 tạp chí khoa học ISI có uy tín của quốc tế như: Composite Structures, International journal of Mechanical Sciences, Journal of Sound and Vibration, Journal of Computational Materials Sciences, Journal of Composite Materials, Journal of Vibration and Control, Journal of Composite Part B: Engineering,…
Ông cũng tham gia ban tổ chức, ban khoa học và nhiều lần là báo cáo mời (invited speaker), trong đó có những lần vinh dự được làm báo cáo mời tại phiên toàn thể của những hội nghị khoa học quốc tế lớn.
Với những đóng góp xuất sắc và không mệt mỏi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông đã 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động: hạng Ba (năm 2016) và hạng Nhì (năm 2022).
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ về Dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp”. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan