Đó là nhận xét của Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gần nửa thế kỷ nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhà sử học Nhật Bản này đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và học tập ở Người phong cách lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến người khác.
Tìm hiểu về Hồ Chí Minh để hiểu Việt Nam
|
Giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, trong một hội thảo giới thiệu về tư tưởng Hồ Chí Minh. |
Từ khi là sinh viên đại học, ông Furuta Motoo cũng như nhiều thanh niên trên thế giới quan tâm đến cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Năm 1972, ông bắt đầu học tiếng Việt từ một thầy giáo là lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học.
“Năm 1974, tôi có cơ hội tham gia đoàn du lịch do Hội Hữu nghị Nhật - Việt tổ chức sang thăm miền Bắc Việt Nam. Biết tin này, thầy giáo dạy tiếng Việt khuyên tôi nên học thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ lời khuyên này mà qua gần nửa thế kỷ tôi vẫn thuộc Di chúc của Người”, ông Furuta Motoo nhớ lại.
Ông thực sự xúc động khi đọc một đoạn trong Di chúc: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Ông chia sẻ, đọc đoạn này dễ hiểu đối với cả người nước ngoài mới bắt đầu học tiếng Việt như ông, song qua đó cho thấy khí phách của một dân tộc anh hùng.
Giáo sư cho rằng, để hiểu về Việt Nam nhất thiết phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì 2 lý do: Trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, muốn hiểu Việt Nam thế kỷ XX thì phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai là, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc con người Việt Nam. “Tôi nhớ nhất là câu nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người. Câu nói này rất giản dị, dễ hiểu, nhưng tượng trưng cho tinh thần của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đồng thời tôi thấy câu này tổng quát ngắn gọn tư tưởng Hồ Chí Minh”, giáo sư chia sẻ.
Với cơ duyên đó, ông quyết định chọn Việt Nam học làm chuyên môn của mình, lấy bằng Thạc sĩ (năm 1976) và bảo vệ luận án Tiến sĩ (năm 1989) với đề tài “Lịch sử triển khai chính sách dân tộc của những người cộng sản Việt Nam”, rồi trở lại Việt Nam nhiều lần để tham gia hội thảo khoa học do Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam… tổ chức. Hiện nay, Giáo sư Furuta Motoo là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.
Để góp phần quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh, ông đã viết một cuốn sách về tiểu sử và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhật Bản với tựa đề “Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và Đổi mới”, do Nhà Xuất bản Iwanami xuất bản năm 1996. Cuốn sách của Giáo sư Furuta Motoo đã gây chú ý đối với giới nghiên cứu Nhật Bản.
Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, ông còn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh nhân dịp Ngày sinh của Người hoặc Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Học tập Bác với lối sống giản dị, thân thiện
Theo Giáo sư Furuta Motoo, nếu muốn hiểu Việt Nam hôm nay phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, trong những buổi trò chuyện với sinh viên, Giáo sư Furuta Motoo luôn phân tích những điểm mới, sự hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông mong muốn, các bạn trẻ không chỉ giỏi về khoa học, công nghệ mà cần hiểu chiều sâu, tính nhân văn, hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.
|
Từng nhiều thập kỷ nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Furuta Motoo luôn học tập Người phong cách lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến người khác. |
Giáo sư Furuta Motoo thực sự ấn tượng khi tại Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, không chỉ học tập mà còn làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày. Vì thế, sau khi tiếp nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2016 đến nay, ông luôn nỗ lực làm theo tác phong lãnh đạo của Bác Hồ - lãnh đạo bằng thuyết phục và đồng thuận thay vì áp đặt ý chí của mình.
Giáo sư Furuta Motoo hiện là Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ và là người nước ngoài đầu tiên làm hiệu trưởng một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Xuất phát từ tình yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên dù công việc bận rộn nhưng giáo sư vẫn thường có các buổi nói chuyện với các nhà khoa học về những giá trị tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với vị trí Thư ký Hiệu trưởng, chị Nguyễn Hiền Giang là người hỗ trợ và gắn bó với Giáo sư Furuta Motoo ngay từ những ngày đầu ông nhậm chức Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật. Chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác luôn nhận thấy ở vị giáo sư có nhiều đức tính đáng quý.
“Thầy là một người độc lập, có lối sống lành mạnh, giản dị và thân thiện. Thầy luôn liêm chính, trách nhiệm, hết lòng vì mục tiêu chung. Đặc biệt, thầy chưa từng quản ngại khó khăn, vất vả khi mà Đại học Việt Nhật là một trường mới thành lập còn nhiều thiếu thốn... Tôi rất yêu quý và cảm phục con người của thầy”, chị Giang chia sẻ.
Theo Hà Nội mới