1. Công chúa Huyền Trân
Một trong những tứ đại mỹ nhân của Việt Nam thời phong kiến Việt Nam là Huyền Trân Công Chúa (1287 – 1340), là một công chúa đời nhà Trần, con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông.
Vào năm 1293, Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi cho con, lui về làm Thái thượng hoàng, Ngay sau đó, Thái thượng hoàng nhận được lời mời du ngoạn đến Chiêm Thành, để duy trì mối quan hệ hòa hiếu với Chiêm Thành, Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân và đòi sính lễ là hai châu Ô, Lý.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng công chúa Huyền Trân lấy chồng vừa được một năm thì Chế Mân chết, hoàng hậu theo tục lệ phải lên giàn thiêu chết cùng vua. Sợ em gái bị tổn thương, Trần Anh Tông sai Trần khắc Chung tới Chiêm Thành cứu Huyền Trân về. Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân.
Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại Huyền Trân và Trần Khắc Chung lại có một mối tình tuyệt đẹp khi con thuyền lênh đênh trên biển suốt hơn một năm trời.
Khi Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát.
Công chúa Huyền Trân mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là ‘Thần Mẫu’ và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.
Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần"
2. Công chúa An Tư
An Tư công chúa, còn gọi là Thiên Tư công chúa hay An Tư Thái trưởng công chúa, là một trong 2 vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa.
Theo sử sách chép lại, công chúa là con gái út của Trần Thái Tông. Theo thân phận, công chúa là em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Bà nổi tiếng trong việc kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 vào năm 1285. Kết cục của bà đến bây giờ vẫn là đề tài bàn luận của các sử gia.
|
Ảnh minh họa. |
Cuộc đời của công chúa An Tư được ghi chép rất ít, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chỉ ghi: “Tháng 2 (Ất Dậu)… sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy.”
Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cũng chỉ sơ lược: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước.”
Đầu năm Ất Dậu (1285), quân nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đã đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9.3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua.
Chiến sự buổi đầu bất lợi, tướng Trần Bình Trọng lại hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trước thế mạnh của đối phương, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đều qui hàng. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên, nhưng không có kết quả.
Trong lúc đó, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân, tức sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa
Sau, quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải "chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy" để về Tàu..
Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.
Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: "Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con". Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này.
3. Công chúa Ngọc Hân.
Lê Ngọc Hân (1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ).
|
Ảnh minh họa. |
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27/4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long . Bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, là người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp,Gia Lâm, Hà Nội), và là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.
Tháng 5.1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh"[2]. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.
Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên (Bùi Thị Nhạn) lên thay, tức là Cảnh Thịnh đế. Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8.11 năm Kỷ Mùi (4.12.1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.
Ngày 18.11 năm Tân Dậu (23.12.1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17.4 năm Nhâm Tuất (18.5.1802), công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.
4. Lý Chiêu Hoàng
Lý Chiêu Hoàng (1218 -1278), còn gọi là Lý Phế hậu hay Chiêu Thánh hoàng hậu, vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến năm 1225.
Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất, đặc biệt hơn là được chính Phụ hoàng Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi, dù bên trong là sự sắp đặt đầy cưỡng ép của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, hiện đang nắm quyền lực trong triều.
|
Ảnh minh họa. |
Năm 1225, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Thái Tông, triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc. Sau khi nhượng vị, Chiêu Hoàng trở thành Hoàng hậu của Thái Tông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237, vì bấy giờ bà không sinh được con nối dõi. Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu, người kế vị ngôi Hoàng hậu sau đó, chính là chị ruột của bà.
Sau năm 1258, bà tái giá lấy Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Thái Tông. Hai người sống với nhau hơn 20 năm và sinh được 1 trai, Thượng vị hầu Lê Tông và 1 gái, Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê. Bà qua đời ngay sau Thái Tông khoảng 1 năm.
Theo Theo Hải Hồng/Khoevadep