Sắc đẹp làm “hoa thẹn”
Dương Quý Phi tên thật là Dương Nguyệt Nhi, sau này đổi là Dương Ngọc Hoàn, sinh ngày 1.6.719, mất năm 756, tại Thục Quận (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), nguyên quán Bồ Châu (nay là ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Tương truyền, khi Dương Ngọc Hoàn mới sinh ra, trên cánh tay đã đeo sẵn một chiếc vòng bằng ngọc, vì vậy, cha của bà mới lấy hai chữ Ngọc Hoàn (vòng ngọc) để đặt tên cho cô con gái của mình.
Bà là con út trong số bốn người con gái của Dương Huyền Diễn, một vị quan Tư hộ đất Thục Chân. Gia đình thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim. Từ nhỏ Ngọc Hoàn sống với gia đình ở Tứ Xuyên, được dạy học hát, múa... đến năm 10 tuổi, cha mẹ mất nên đến Lạc Dương (xưa là Đông Đô của nhà Đường, nay thuộc tỉnh Hà Nam) sống với nhà bác ruột.
|
Tượng Dương Quý Phi trong khu mộ. |
Được sự chọn lựa của Võ Huệ Phi (phi tần của Đường Minh Hoàng), ở tuổi 17, Ngọc Hoàn được tiến cung hầu Thọ vương Lý Mạo, hoàng tử thứ 18 của nhà vua, trở thành Thọ vương phi. Thọ vương Lý Mạo tính nhút nhát, thích ngắm mỹ nhân. Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Mạo được 3 năm, nhưng chuyện chăn gối chưa bao giờ có vì Lý Mạo còn nhỏ. Khi ấy, Ngọc Hoàn lại trong độ tuổi xuân thì chẳng khác gì một bông hoa hải đường mơn mởn cành tơ.
Nói về sắc đẹp, Dương Ngọc Hoàn được xếp trong hàng “Tứ đại mỹ nhân” của nước Trung Hoa cổ. Nếu Tây Thi có nét đẹp khiến cá phải lặn (trầm ngư), Vương Chiêu Quân khiến chim sa (lạc nhạn), Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải núp vào mây (bế nguyệt), thì Dương Ngọc Hoàn mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn (tu hoa).
Sủng ái bậc nhất
Năm 736, Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông lập làm phi tử và sau đó nhanh chóng nhận được sự sủng ái của hoàng thượng. Phải nói thêm rằng Dương Quý Phi vốn là thê tử của Thọ Vương Lý Mạo, con trai của Đường Huyền Tông và Võ Huệ Phi. Võ Huệ Phi là phi tử được Lý Long Cơ sủng ái nhất lúc đó nên sau khi bà mất Lý Long Cơ rất buồn phiền, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thoát.
Để vua được vui lòng, Cao Lực Sĩ đã tâu với vua về Dương Ngọc Hoàn. Vì say mê nhan sắc của Dương Ngọc Hoàn, vua Đường Huyền Tông đã sai Cao Lực Sĩ đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Võ Huệ Phi. Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy hiệu là Thái Chân.
Cao Lực Sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu Huấn để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ Vương. Xem như xuất gia là thay đổi đời người, không còn là vợ của vương tử Lý Mạo nữa. Sau đó, Lý Long Cơ cho Dương Hoàn Ngọc hoàn tục và lập làm Phi tử. Để có được Dương Ngọc Hoàn, vua Đường Huyền Tông đã không ngại dùng "tiểu xảo" khiến tình cha con sứt mẻ.
Năm 745, Huyền Tông lập nàng làm quý phi. Cha Ngọc Hoàn là Dương Huyền Diễn được phong làm Thượng thư bộ Binh, ba người chị của Ngọc Hoàn cũng được phong làm phu nhân là Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân.
Hàng tháng, Hoàng đế cho xuất kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Anh trai quý phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung. Đường Huyền Tông cũng gả hai công chúa của mình cho người nhà họ Dương. Nhờ ân sủng của Dương Quý Phi mà vị thế của Dương gia không ngừng tăng lên.
Người hầu hạ trong cung của Quý phi có đến hơn 100 người. Các đại thần bên ngoài muốn được Huyền Tông trọng dụng đều chủ động dâng lễ vật quý cho quý phi. Nhiều người được thăng tiến bằng con đường này. Trong hậu cung của Huyền Tông, từ khi Dương Quý Phi xuất hiện thì các phi tần khác đều rất khó được xủng ái nữa.
Cho dù hai lần Đường Huyền Tông trục xuất Dương Quý Phi ra khỏi cung vì làm ông phật ý nhưng vị vua si tình này cũng không thể vượt qua ải mỹ nhân. Dương Hoàn Ngọc xuất cung chưa bao lâu ông đã hối hận, ngày đêm thương nhớ ái phi. Vậy là lại rước nàng hồi cung, ban thưởng ân sủng như lúc đầu.
Sự thật về cái chết của Dương Quý Phi
Từ khi Đường Minh Hoàng có Dương Quý Phi bên cạnh đã bỏ bê triều chính, mọi việc lớn nhỏ giao cho anh họ bà con của Dương Quý Phi là thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu, nên gây ra cảnh lộng quyền, hơn nữa, cũng vì muốn chiếm đoạt người đẹp về tay mình, nên An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi lẫn cướp người đẹp.
|
Dương Quý Phi. |
Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi chạy sang Tứ Xuyên lánh nạn. Trên đường đi, quân lính đổ mọi tội lỗi lên đầu Dương Quý Phi, cho rằng chính cô đã dùng sắc đẹp mê hoặc vua khiến ông bỏ bê triều chính, cũng là vì sắc đẹp mới có để An Lộc Sơn phải dấy binh tạo phản.
Dưới sức ép của binh lính, buộc Đường Minh Hoàng xử tử Dương Quý Phi, cô bị xiết cổ chết, lúc chết Dương Quý Phi 38 tuổi. Sau khi chết, xác quý phi chỉ được chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp.
Sử sách ghi chép như vậy, nhưng cũng có 1 phiên bản khác là Dương Quý Phi được cứu, có người chết thay, nàng trốn sang… Nhật và định cư ở Nhật, từng giúp đỡ Thiên hoàng của Nhật thoát khỏi cuộc chính biến, sống thọ đến 68 tuổi, nên sau khi chết được an táng tại Nhật, và nhiều phụ nữ Nhật tự xưng là hậu duệ của Dương Quý Phi!
Điều này hoàn toàn là không thể, vì vua sai hoạn quan Cao Lực Sĩ xiết chết Dương Quý Phi, còn phải đem thi thể cho quan lính kiểm tra, nên không thể có chuyện trốn thoát sang Nhật định cư được.
Có giả thuyết thì cho rằng cô nàng đã sang… Hàn Quốc (xưa gọi là Cao Ly), hay lưu lạc trong dân gian. Nhưng phim ảnh đã dựa vào thuyết trên để hư cấu thêm, như phim Dương Quý Phi bí sử cũng làm như vậy, khiến các nhà sử học Trung Quốc rất bất bình, cho rằng lịch sử bị bóp méo, giới trẻ sẽ không hiểu được sự thật lịch sử Trung Quốc nữa.
Các nhà tâm lý học thì phân tích rằng những giả thuyết cho rằng Dương Quý Phi không chết cũng xuất phát từ tâm lý ngưỡng mộ chuyện tình lãng mạn của họ, được thơ văn ca tụng, tâng bốc, đồng thời cũng là ước mơ kết thúc có hậu của người dân.
Năm 757, (sau khi Dương Quý Phi chết 2 năm) Đường Túc Tông dẹp loạn xong, Thái Thượng Hoàng Đường Minh Hoàng cho người xây lại mộ cho quý phi. Hiện tại mộ của Dương Quý Phi ở tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 60km ( xưa là kinh đô nhà Đường, với tên Trường An ), trở thành điểm tham quan, du lịch, di sản văn hóa cấp tỉnh.
Nhưng ít ai biết rằng, đây chỉ là mộ gió, xác của Dương Quý Phi bị chôn vội trên đường đi lánh nạn, nên vài năm sau đã không tìm lại được tung tích. Do đó, chỉ xây mộ gió tại khu vực bị xử tử để tưởng niệm mà thôi.
Theo Diệp Thảo/Dân Việt