Một dự án vũ khí táo bạo của Liên Xô trong Thế chiến 2 là nghiên cứu, phát triển xe tăng bay. Các nhà khoa học, kỹ sư của Liên Xô cố gắng sáng chế ra xe tăng bay nhằm đạt được hiệu quả chiến đấu vượt trội trên chiến trường.
Vào thời điểm đó, xe tăng, ngay cả loại nhỏ, cũng có trọng lượng khủng và cồng kềnh. Vậy nên, quá trình vận chuyển các cỗ xe tăng ra chiến trường trở thành một thách thức lớn.
Việc lái xe tăng suốt chặng đường sẽ khiến chúng dễ bị đối phương tấn công. Vì vậy, Liên Xô bắt đầu thử nghiệm những cách vận chuyển bằng đường hàng không.
Liên Xô từng thử nghiệm buộc xe tăng siêu nhẹ T-27 vào gầm máy bay ném bom rồi đưa chúng đến các sân bay và đặt xuống. Tuy nhiên, sức công phá của xe tăng không đủ lớn để bù cho rủi ro khi sử dụng những máy bay đắt tiền để vận chuyển chúng tới chiến trường.
Một số biện pháp khác được Liên Xô nghĩ ra là dùng máy bay thả xe tăng xuống nước hoặc thả từ độ cao rất thấp. Binh lính sẽ nhảy dù xuống rồi trèo vào trong xe tăng rồi nhanh chóng di chuyển tới nơi khác với hy vọng kẻ thù sẽ không đến kịp.
 |
Xe tăng bay Antonov A-40 Krylya Tanka của Liên Xô. Ảnh: Tempshill/Wikimedia Commons. |
Sau khi Thế chiến 2 nổ ra, Liên Xô có một ý tưởng khác là gắn xe tăng vào tàu lượn để nó lao vào trận chiến. Kết quả là Antonov A-40 Krylya Tanka hay còn gọi "xe tăng có cánh" ra đời.
Vào năm 1940, nhà thiết kế Oleg Antonov cố gắng chế tạo xe tăng bay lượn. Theo thiết kế, cánh của máy bay hai tầng cánh và phần đuôi dài được gắn vào một chiếc xe tăng có kích thước nhỏ và trọng lượng khá nhẹ. Xe tăng bay sẽ được một máy bay lớn hơn kéo đi rồi thả ra. Tiếp theo, nó sẽ chỉ cần lượn xuống chiến trường rồi tháo bỏ cánh và đuôi.
Sau một thời gian nghiên cứu và chế tạo, nguyên mẫu xe tăng bay được chế tạo và đưa vào thử nghiệm. Tuy nhiên, những thử nghiệm của phương tiện mới này không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Năm 1942, phi công thử nghiệm Sergei Anokhin ngồi trong xe tăng khi nó được máy bay ném bom Tupolev TB-3 kéo lên không trung. Tuy nhiên, giới chức trách nhanh chóng nhận ra đây không phải là ý tưởng hay bởi lực cản của xe tăng bay quá lớn với máy bay ném bom. Dù xe tăng bị thả xuống sớm nhưng phi công Anokhin vẫn điều khiển nó lượn xuống và hạ cánh an toàn trên một cánh đồng rồi lái về căn cứ. Do không đạt được hiệu quả như mong đợi nên Liên Xô hủy bỏ kế hoạch chế tạo xe tăng bay.
Mời độc giả xem video: Nga duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít.
Tâm Anh (theo Iflscience)