Hamvas Béla (1897 – 1968), được đánh giá như một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20 ở châu Âu. Tư tưởng của ông hướng về giá trị tổng hợp, phổ quát của minh triết cổ nhân loại, nằm trong các cuốn sách cổ.
Hamvas Béla với các tiểu luận triết học đặc thù, thông qua ngôn ngữ Hungary đã tái tạo, giới thiệu những giá trị tinh thần vĩnh cửu của nhân loại. Tư tưởng, đề tài, văn phong trong các tác phẩm của Hamvas Béla đặc biệt hấp dẫn người đọc, thông qua bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới.
|
Hamvas Béla (1897 – 1968), được đánh giá như một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ XX ở châu Âu. |
Năm 1948, Hamvas Béla từng đã bị liệt vào danh sách nguy hiểm, dẫn đến việc ông bị cấm hoàn toàn các hoạt động tinh thần như viết lách và xuất bản. Ông không được tiếp tục làm thủ thư tại thư viện thành phố và buộc phải rút lui khỏi cuộc sống tri thức công khai. Trước khi bị đưa đi cải tạo lao động, Hamvas đã học nghề làm vườn để có thể lánh nạn và sinh sống qua ngày. Chính trong giai đoạn làm vườn, từ năm 1948 đến 1951, phần lớn các tác phẩm quan trọng của ông được hoàn thành, trong đó có tập tiểu luận “Độc thoại khải huyền”.
“Độc thoại khải huyền” là một tác phẩm khó đọc, ngay cả với những người Hungary đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, do sự dày đặc của các tầng tri thức triết học, tôn giáo và lịch sử. Tuy nhiên, giọng văn của Hamvas Béla lại là một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, đầy xúc cảm. Người đọc có thể cảm nhận ngay lập tức những điều ông muốn truyền tải, nhưng mức độ hiểu biết và cảm nhận sẽ tùy thuộc vào tri thức và trải nghiệm của từng cá nhân.
Cuốn sách gồm ba phần: “Sự im lặng”, “Biên bản bí mật”, và “Độc giác”. Mỗi phần là một hành trình tư tưởng riêng biệt nhưng tất cả đều được kết nối bằng sợi chỉ đỏ vô hình: đời sống tinh thần của Hamvas Béla. Đây là một sự chuyển hóa từ kiến thức sâu rộng và trí tuệ uyên bác kết hợp với những trải nghiệm cá nhân qua một cuộc đời đầy khó khăn, tạo nên một "tác phẩm cuộc đời" mang tên ông.
|
“Độc thoại khải huyền” - cuốn sách hay và khó đọc nhât của Hamvas Béla. |
Phần đầu tiên, “Sự im lặng”, Hamvas Béla bắt đầu với tiểu luận khó nhất: “Hénoch”. Ông không chỉ đề cập đến thiên thần bất tử mà còn nói về hành vi tiên tri của ngài đối với thời đại. Thay vì tập trung vào các khái niệm thần học, Hamvas Béla khai thác những vấn đề thực tế như sự suy thoái của đời sống tinh thần và tính phi cá nhân hóa trong thế kỷ XX, thời đại mà ông gọi là “thời lịch sử”.
Theo ông, con người đang phải đối mặt với một thế lực vô hình, phi hiện thực mà ông gọi là “Chống Kitô”. Đây là một sự tồn tại tiêu cực, một quá trình trở thành thiếu Thượng Đế, một cái không-tồn tại. Hamvas Béla nhận diện rõ ràng thế lực Chống Kitô và cảnh báo con người phải tỉnh táo, giữ vững tinh thần, và không để mình bị cuốn vào vòng xoáy tăm tối của hủy diệt. Trong bài tiểu luận “Hénoch”, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thành, tỉnh táo và tìm kiếm tri thức.
Trong phần hai, “Biên bản bí mật”, Hamvas Béla phân tích các vấn đề xã hội và cá nhân trong thế kỷ XX qua lăng kính của các tập tục xưa. Bài tiểu luận đáng chú ý nhất là “Độc thoại khải huyền”, ghi chép về quá trình phát triển đời sống tinh thần của ông từ thời thơ bé, với những áng văn sâu sắc về khát vọng tinh thần và khát khao hoàn thiện linh hồn. Hamvas Béla kêu gọi con người phải tỉnh táo, đặt tên và gọi ra tên cho sự vật để thoát khỏi sự phụ thuộc vào chúng. Sự tỉnh táo và chính xác trong đánh giá đời sống đã khiến bài tiểu luận này trở thành một áng văn đầy trữ tình và mê hoặc.
Phần ba, “Độc giác”, Hamvas Béla viết về giới hạn của sự hiện hữu con người: tuổi già và dấu ấn của nó lên hoạt động sáng tạo vô hạn của con người. Ông mô tả cảnh sắc của tuổi già như một khoảng trống mênh mông, nơi mà sự sáng tạo trở nên tinh tế hơn, đượm buồn nhưng không kém phần sâu sắc. Hamvas Béla, một nghệ sĩ chơi đàn chuyên nghiệp và nhà phê bình âm nhạc xuất sắc, đã đưa những trải nghiệm này vào trong tác phẩm của mình, tạo nên một bức tranh vừa đượm buồn vừa thanh thoát, đầy chất thi ca và âm nhạc.
Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung - người chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Việt, mô tả rằng việc dịch "Độc thoại khải huyền" là một thách thức lớn, không chỉ vì ngôn ngữ mà còn vì sự phức tạp trong tư duy và triết lý của Hamvas Béla. Tuy nhiên, bản dịch đã thành công trong việc truyền tải tinh thần và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm, mở ra một cánh cửa mới cho độc giả Việt Nam để tiếp cận và hiểu sâu hơn về tác phẩm này.
“Độc thoại khải huyền” của Hamvas Béla không chỉ là một tập tiểu luận triết học mà còn là một bản trường ca về đời sống tinh thần của con người. Đây là tác phẩm không dành cho người đọc tìm kiếm sự giải trí dễ dãi, mà là một thử thách đối với trí tuệ và cảm xúc của mỗi cá nhân. Nhưng với những ai sẵn sàng đối mặt với thử thách này, phần thưởng là một sự hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Hamvas Béla đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một lời nhắc nhở rằng trong thế giới đầy biến động, chỉ có sự tỉnh táo và trung thành với bản thân mới giúp chúng ta sống xứng đáng với cuộc đời này.
Trong Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của Nhà xuất bản Tri thức đã có nhiều tác phẩm của Hamvas Béla được bạn đọc đón nhận, yêu thích. Năm 2012, lần đầu tiên tác phẩm của Hamvas Béla ra mắt bạn đọc Việt Nam - "Câu chuyện vô hình và đảo" đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận và dành nhiều lời khen ngợi. Sau đó, Nhà xuất bản tiếp tục chuyển ngữ và xuất bản 8 tác phẩm: Một giọt từ sự đọa đày (2014), Minh triết thiêng liêng (3 tập, 2016), Niềm cảm hứng (2017), Độc giác (2019), và Những ngày vàng (2023). Tác phẩm thứ 9 - Độc thoại khải huyền vừa xuất bản là tác phẩm mới nhất, được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất và khó đọc nhất của Hamvas Béla.
Nhà xuất bản Tri thức dự định sẽ tái bản trọn bộ những tác phẩm của triết gia Hamvas Béla đã xuất bản tại Việt Nam dưới một hình thức mới mẻ hơn, hoàn chỉnh hơn và chất lượng hơn.
Mai Loan