Độc đáo điển tích Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa trên đồ gốm cổ Sài Gòn

Google News

Từ đầu thế kỷ 18, địa danh xóm Lò Gốm, nơi có dòng gốm Cây Mai nổi tiếng đất Sài Gòn đã được ghi nhận trên bản đồ Trần Văn Học. Và sản phẩm gốm Cây Mai thì nổi tiếng khắp Lục tỉnh.

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon
Tác phẩm Gốm Cây Mai Đề Ngạn - Sài Gòn xưa của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc là một nghiên cứu công phu về sản phẩm gốm Cây Mai, loại hình sản phẩm gốm mang đặc trưng Nam Bộ đã có mặt từ rất lâu nơi đất Sài Gòn xưa, được bản đồ Trần Văn Học năm 1815 ghi nhận với địa danh xóm Lò Gốm. Còn trong Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh ra đời đầu thế kỷ 19 đã có câu nhắc tới: "Cắc cớ chợ Lò Rèn,/Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa;/Lạ lùng xóm Lò Gốm,/Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời". 

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-2
Khung cảnh lò gốm Cây Mai được ghi nhận qua bưu ảnh của người Pháp. Theo tìm hiểu của Đại úy công binh Derbès dạo năm 1882, ở Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tại Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai... Đến năm 1898 vùng Chợ Lớn có hơn 10 lò gốm có tên tuổi: Hòa Hợp Diêu, Đạt Thành Diêu, Đồng Hòa Diêu... với chủng loại sản phẩm đa dạng, phong phú như đôn, rồng cho đến lu, chậu...

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-3
Sản phẩm gốm Cây Mai được trưng bày tại Bảo tàng Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) từ trước 1975, lưu giữ, giới thiệu tới công chúng một thương hiệu gốm cổ danh tiếng của đất Sài Gòn. Theo Trương Vĩnh Ký cũng như trên thực tế bản đồ Trần Văn Học, xóm Lò Gốm nơi có thương hiệu gốm Cây Mai nằm ở phía ngoài bến Bình Đông hai bên kinh Ruột Ngựa gồm làng Hòa Lục (Quận 8) và Phú Định (Quận 6), tức là trải dài theo rạch Lò Gốm - bến Lò Gốm đến tận Phú Lâm (Quận 6 ngày nay).

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-4
 Sản phẩm gốm Cây Mai đa dạng về loại hình. Trong đó có gốm gia dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình như siêu, nồi, hũ, khạp...; gốm xây dựng có nhiều loại để trang trí nội thất như gạch tráng men, ngói âm dương, ô thông gió...; gốm gia dụng bài trí như bình hoa, đôn, chậu cảnh... Trong ảnh là mặt trước đôn với đề tài đắp quần thể điển tích (hai hình bên trái) của lò gốm Đồng Hòa, và mặt trước, mặt sau đôn với đề tài tam sư hí cầu, hoa chim (hai hình bên phải) của lò gốm Nam Lợi An.

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-5
 Gốm Cây Mai còn có loại gốm thờ tự với những chân đèn hình chim phụng, sư tử, bộ tam sự... Bên cạnh đó còn một số lượng lớn là tượng thờ tại gia với kích thước nhỏ như tượng ông Địa, Quân Âm Bồ tát... Đồng thời còn có tượng gốm trang trí chiếm số lượng lớn trong dòng sản phẩm gốm Cây Mai. Trong ảnh từ trái qua là tượng Đông Phương Sóc, tượng Lý Thiết Quải, tượng dâng tước và tượng Gia quan tấn tước.

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-6
 Trong sản phẩm gốm Cây Mai, "ngõa tích hãng" là những sản phẩm có hoa văn và điêu khắc tượng người, được dùng để trang trí trên sườn mái bờ nóc, đền miếu... làm cho quần thể công trình trở nên sống động, có hồn. Hình trên là quần thể tiểu tượng của lò Bửu Nguyên trang trí công trình Tuệ Thành hội quán thuộc Quận 5, có niên đại năm 1908 với điển tích thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký" (bên trái) và điển tích "Thất cầm Mạnh Hoạch" trong "Tam quốc diễn nghĩa" (bên phải).

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-7
 Ảnh trên là quần thể tiểu tượng cũng tại Tuệ Thành hội quán, Quận 5 thuộc giai đoạn 1865-1875 của dòng gốm Thạch Loan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Điều đó cho thấy gốm trang trí các cơ sở thờ tự, tôn giáo không chỉ của dòng gốm Cây Mai, mà còn có cả tiểu tượng được nhập từ Trung Quốc sang.

Doc dao dien tich Tay du ky, Tam quoc dien nghia tren do gom co Sai Gon-Hinh-8
 Trong ảnh trên là quần thể tiểu tượng của lò Đồng Hòa tại Phước An hội quán thuộc Quận 5. Trang trí hình sư tử và cá hóa rồng là sản phẩm gốm Lái Thiêu được trang trí ở giai đoạn sau.

Mời quý độc giả xem video: Thời trang của phụ nữ Sài Gòn xưa.



Theo Đình/Zing