Đát Kỷ, vương hậu thứ hai của Trụ Vương đã quá nổi tiếng ở Trung Hoa lẫn khu vực châu Á. Nàng được xem là một trong những mỹ nhân nổi tiếng với tài mê hoặc quân vương, mang lại đại họa cho giang sơn xã tắc. Nói cách khác, Đát Kỷ được xem là dẫn chứng tiêu biểu cho câu nói mỹ nhân “hồng nhan họa thủy”.
Trong tiểu thuyết “Phong thần diễn nghĩa”, Đát Kỷ bị hồ ly chín đuôi hóa thành nên vẫn giữ tính yêu, thường làm chuyện ác, gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên cái chết của nhiều người. Một Đát Kỷ ma mị, khiến nhà Thương diệt vong dường như đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, là hình ảnh khó thay đổi trong nghệ thuật.
Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Hoàng Minh Sùng, nguyên mẫu của Đát Kỷ hoàn toàn khác những gì phim ảnh xây dựng. Đát Kỷ thực tế là vương hậu đã cùng Trụ Vương xông pha chiến trường. Vị trí của mỹ nhân này ngày ấy khá cao, có trọng trách nhất định trong chuyện quốc gia đại sự. Chuyện nàng là hồ yêu chỉ biết lôi kéo Trụ Vương đắm chìm trong tình yêu, hưởng lạc là điều không có thật.
Sau khi thất bại trong trận Mục Dã, Trụ Vương và Đát Kỷ đã cùng tự thiêu trong ngọc phục, trên đường bị áp giải. Nhà Chu phát hiện, dập được lửa thì chỉ còn hai chiếc xác cháy đen. Thế nhưng họ vẫn lấy đầu hai cái xác, treo lên cờ rồi tiếp tục đi về kinh.
Không phải là một Đát Kỷ mỏng manh, dễ vỡ như trên phim, hình ảnh phục dựng về vương hậu này oai phong lẫm liệt, khí chất không thua gì bậc nam nhi. Vậy tại sao từ một người cùng chồng dẫn binh chinh chiến lại bị biến thành kẻ “hồng nhan họa thủy”?
Hoàng Minh Sùng cho rằng lý do Đát Kỷ bị “bôi nhọ”, sự thật về nàng bị che giấu là vì hậu duệ của Nho giáo muốn tô đẹp thêm hình ảnh của Chu Vũ Vương, Chu Công Cơ Sáng. Họ muốn tất cả nghĩ rằng Đát Kỷ tham chính, lũng đoạn triều đình, biến Trụ Vương thành hôn quân, đẩy dân chúng vào cảnh lầm than. Từ đó mà việc nhà Chu lật đổ nhà Thương càng trở nên danh chính ngôn thuận.
Tương tự Đát Kỷ, Trung Quốc còn có một mỹ nhân bị bôi nhọ khác là Bao Tự. Huyền sử kể lại, Chu U Vương vì để đổi lại một tiếng cười của Bao Tự mà tự tay đốt lửa trên hỏa đài. Nhưng thực tế nghiên cứu chỉ ra rằng thời đó còn chưa có hỏa đài.
Theo SHTT&ST