Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Lê Văn An là người ở vùng Mục Sơn (nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Hiện tại vẫn chưa rõ Lê Văn An sinh vào năm nào, chỉ biết rằng ông đến Lam Sơn với Lê Lợi trước khi Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai (tức là trước năm 1416). Lúc ấy, con trai ông là Lê Biếm cũng đã là một thanh niên khỏe mạnh, được Lê Lợi thu nhận, cho tham gia lực lượng nghĩa binh của Lam Sơn. Sinh thời, Lê Văn An là bậc dũng tướng đa mưu, từng "trải hơn một trăm trận lớn nhỏ" nên rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Sự nghiệp của Lê Văn An thể hiện tập trung nhất qua những trận đánh quan trọng sau đây.
Cuối năm 1424, trên cơ sở chấp thuận và tán đồng mạnh mẽ đối với kế hoạch xuất sắc của Nguyễn Chích, Lam Sơn đã ồ ạt tấn công vào Nghệ An. Tại Nghệ An, một trong những trận đánh quan trọng nhất của nghĩa quân Lam Sơn chính là trận Khả Lưu. Và Lê Văn An đã có vinh dự được tham gia chỉ huy trận đánh quan trọng này. Trận Khả Lưu là một trong những trận lớn nhất của Lam Sơn tại Nghệ An, trận đã buộc quân Minh phải lâm vào thế bị dồn ép để rồi mất khả năng cứu nguy cho nhau. Kể từ đây, tương quan thế và lực giữa đôi bên nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Lam Sơn. Đây là trận được Lam Sơn thực lục mô tả khá tỉ mỉ. Trong trận này, Lê Văn An là tướng chỉ huy và cũng là người lập công lớn, "ông xông lên trước, hãm thế trận của giặc và đánh lui chúng".
Sau thắng lợi ở Khả Lưu, Lê Lợi cho quân vây hãm thành Nghệ An. Bấy giờ, để đề phòng tướng giặc có thể từ vùng Tân Bình và Thuận Hóa, bất ngờ đem quân ra ứng cứu, Lê Lợi liền sai các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem hơn một ngàn bộ binh cùng với một thớt voi ồ ạt tấn công vào phía Nam. Lực lượng này xuất trận chưa được bao lâu thì Lê Lợi lại sai Lê Văn An, Lê Ngân, Lý Triện và Lê Bôi lãnh hơn 70 chiến thuyền, tiến gấp theo để tiếp ứng. Sự phối hợp nhịp nhàng và mãnh liệt của quân thủy - bộ Lam Sơn đã làm cho giặc rất hốt hoảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ vùng Tân Bình và Thuận Hóa đã được Lam Sơn giải phóng. Trong chiến công chung rất vang dội này, Lê Văn An là một trong những tướng lĩnh có công lớn.
Sau trận thắng lớn ở Tân Bình và Thuận Hóa, Lê Văn An và các tướng được lệnh đem quân tiến gấp ra Nghệ An. Tại đây, kế hoạch tấn công ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa đã được Bộ chỉ huy Lam Sơn thông qua. Đây là một kế hoạch rất táo bạo. Bởi lẽ, giặc ở Thanh Hóa mạnh hơn hẳn ở Nghệ An. Và nếu sơ hở trong cuộc vây hãm đối với thành Nghệ An thì rất có thể, giặc sẽ từ 2 hướng Nam, Bắc khác nhau là Nghệ An và Thanh Hóa phối hợp để tiêu diệt lực lượng của Lam Sơn ngay trên đường hành quân.
Để ngăn chặn khả năng này, Lê Lợi đã tin cậy cử Lê Văn An ở lại, chỉ huy toàn bộ lực lượng vây hãm thành Nghệ An. Lê Văn An xiết chặt vòng vây, thẳng tay trừng trị những kẻ ngoan cố, cả gan dám đánh lén vào hàng ngũ của ông, đồng thời, liên tiếp kêu gọi giặc đầu hàng. Trước tình thế ngày một bức bách, tướng chỉ huy cao cấp của giặc trong thành Nghệ An là Thái Phúc đã xin đầu hàng. Sự kiện này khiến cho tinh thần của giặc bị khủng hoảng nghiêm trọng, ngược lại làm cho ý chí chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn càng được khích lệ mạnh mẽ. Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, Lê Văn An được phong là Nhập Nội Tư Mã, dự triều chính, hàm Suy Trung Bảo Chính công thần. Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc tên công thần, Lê Văn An cũng có tên trong số đó.
Lời bàn về Lê Văn An
Lê Văn An là công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông đi theo Lê Lợi ngay từ ngày đầu, từng cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai năm 1416. Trong buổi thề hôm đó, tên ông đứng hàng thứ ba. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, ông luôn theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao. Sau 10 năm chiến đấu bền bỉ, ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh. đồng thời kết thúc 20 năm đô hộ của nhà Minh và mở ra một thời kì phát triển thịnh vượng mới của dân tộc Việt Nam thời Lê sơ.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một bài học kiên nhẫn, một bí quyết thành công trong chiến thuật quân sự. đó là kẻ thù tuy mạnh nhưng với quyết tâm, ý chí quật cường vùng lên, tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" đã đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Nói đến khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, ngoài tinh thần ái quốc và thượng võ, bình định vương Lê Lợi còn có lòng yêu nước thương dân và sẵn sàng chiến đấu vì dân, cho dân nên đã quy tụ được toàn dân hết lòng ủng hộ, nhất là các anh hùng nghĩa sĩ khắp bốn phương. Trong đó phải kể công đầu là những người như Lưu Nhân Chú, Lê Văn An, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Xí... Chính vì thế, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã để lại bài học vô cùng quý giá của tiền nhân cho hậu thế phải suy nghĩ và trân trọng.
Theo N.N/Báo Bình Phước