Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Nguyễn Chích là đại công thần khai quốc của nhà Lê Sơ. Nguyễn Chích sinh năm 1382 và mất năm 1448, người thôn Mạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ nên thuở ấu thơ đã phải đi ở đợ chăn trâu cho những nhà giàu vùng Hoàng Sơn và Nghiêu Sơn.
Khi quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại, Nguyễn Chích đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa khá lớn ở ngay vùng Hoàng Sơn và Nghiêu Sơn. Ông đã lập nên một khu căn cứ rất lợi hại và sử cũ có ghi chép về khu căn cứ Hoàng - Nghiêu. Ở đấy, lực lượng của Nguyễn Chích đã có lúc lên tới hơn một ngàn người. Ông đã từng cho quân đi đánh phá khắp các vùng Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn và những vùng lân cận... khiến quân Minh phải nhiều phen khốn đốn.
Danh tướng Nguyễn Chích. Ảnh minh hoạ.
Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Chích rất lấy làm hồ hởi. Hai nghĩa quân của Lê Lợi và Nguyễn Chích đã nhanh chóng phối hợp với nhau để cùng chống kẻ thù chung. Cuối năm 1420, khi Lê Lợi đóng quân tại Mường Nanh, Nguyễn Chích đã đem toàn bộ lực lượng của mình về tự nguyện đặt dưới quyền chỉ huy của Lê Lợi. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết Đột Hữu Vệ, Đồng Tổng Đốc Chư Quân và trực tiếp chỉ huy một đạo quân quan trọng của Lam Sơn. Sau đó, ông được thăng chức Nhập Nội Thiếu Úy là một trong những chức võ quan cao cấp nhất lúc bấy giờ.
Sự hội nhập của hai lực lượng Nguyễn Chích và Lê Lợi là một bước tiến quan trọng của phong trào Lam Sơn nói riêng và sự nghiệp chống quân Minh đô hộ nói chung. Đối với Bộ chỉ huy Lam Sơn, thêm Nguyễn Chích không phải chỉ đơn giản là thêm một người giàu nghĩa khí mà thực sự là thêm một dũng tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, thêm một bộ óc chiến lược tài ba. Chính Ngyễn Chích là người đã có công tạo ra bước ngoặt lịch sử cho phong trào Lam Sơn vào cuối năm 1424.
Tháng 10 năm 1424, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã có một cuộc hội nghị quân sự rất quan trọng. Hội nghị đã quyết định chấm dứt thời kỳ hòa hoãn với quân Minh và chủ động tấn công để từng bước làm thay đổi tương quan thế và lực của đôi bên. Tại hội nghị này, Nguyễn Chích đã trình bày một ý kiến rất xuất sắc, được Bộ chỉ huy Lam Sơn nhiệt liệt tán thành. Sử gọi đó là chiến lược Nguyễn Chích.
Nội dung ý kiến của Nguyễn Chích là: Lam Sơn phải nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động, phải chiếm cho kì được một vùng đồng bằng rộng lớn mới có thể huy động được sức người và sức của cho cuộc chiến đấu lâu dài. Vùng đồng bằng rộng lớn mà Nguyễn Chích đề nghị chính là Nghệ An. Về mặt lý luận, Nguyễn Chích cho rằng, Nghệ An là nơi xa, lực lượng của quân Minh vừa ít lại vừa yếu, khả năng chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn rất rõ ràng. Nghệ An là nơi tiếp giáp với Thanh Hóa, rất tiện lợi cho cuộc tấn công của nghĩa quân Lam Sơn.
Về mặt thực tiễn, Nguyễn Chích cũng nói ông từng có dịp qua lại vùng này, nắm vững đường đi lối lại nên có thể làm tướng tiên phong dẫn đường cho Lam Sơn. Trên cơ sở ý kiến của Nguyễn Chích, cuối năm 1424, cuộc tấn công bất ngờ của Lam Sơn vào Nghệ An bắt đầu. Trong vòng một thời gian rất ngắn, Lam Sơn đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi vang dội và Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô đại cáo" như sau: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật; Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Lời bàn về Nguyễn Chích
Với tài năng và đức độ của mình, không chỉ có người đương thời, mà hậu thế ngày nay cũng đều tôn vinh ông là một danh nhân, danh tướng của nước Việt. Chính vì những đóng góp lớn lao của mình trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh nên sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê thì đến năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình Thượng Hầu, ban cho họ Lê của vua. Từ đó, ông được gọi là Lê Chích. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn ca ngợi ông như sau: Bầy tôi có ông khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm nhưng sở dĩ vua Lê Thái Tổ đã bình định được cả nước là do mưu chước của Lê Chích... Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hòa hiếu để kết thúc chiến tranh. Tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu thắng lợi hoàn toàn thực chất là bắt đầu từ Lê Chích.
Tiếc rằng, một đại công thần với những kế sách tuyệt hảo và những chiến công lừng lẫy như vậy nhưng chỉ trong thời gian đầu sau ngày thắng lợi, Lê Chích được tham gia triều chính, sau đó ông bị Lê Lợi cách chức. Vì sử sách không ghi rõ nên đến bây giờ, các nhà nghiên cứu không ai biết rõ về tội lỗi của ông. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông bị cách chức là do sự nghi ngại công thần của Lê Lợi. Mặc dù vậy, chỉ riêng với lời ca ngợi trên đây về ông của Lê Quý Đôn cũng đã là quá đủ để hậu thế biết công lao của ông đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tên tuổi, sự nghiệp của ông sẽ còn mãi mãi trong lịch sử dân tộc.
Theo K.C/Dân Việt