Câu chuyện ăn Tết ở một gia đình khá giả ở thành Thăng Long năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), được miêu tả khá kỹ trong cuốn Chuyện cũ bên dòng sông Tô của tác giả Viên Mai Nguyễn Công Chí.
Được viết dựa trên những tư liệu lưu trữ, truyền tụng qua nhiều đời, như tập gia phả họ Nguyễn Đình (làng Hạ Thái, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng, nay là xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), cùng những tự truyện, chuyện truyền miệng của các cụ cao niên, cuốn sách dựng lên bức tranh sống động về nếp sinh hoạt của người dân Thăng Long - Kẻ Chợ kéo dài hai trăm năm, từ thời Lê mạt cho đến khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc bảo hộ.
|
Sách Chuyện cũ bên dòng sông Tô cho biết một gia đình khá giả xưa kia ăn Tết như thế nào. |
Câu chuyện đón Tết của gia đình ông phủ Trường Khánh (tỉnh Lạng Sơn hiện nay), nhà ở phố Diên Hưng, kinh thành Thăng Long, tức đoạn nằm giữa phố Hàng Đường và Hàng Đào hiện nay, được mô tả từ việc sửa soạn đón Tết:
"Sau tết ông Táo, ban thờ đã được bao sái (lau dọn), toàn bộ nhà thờ cũng được quét dọn sạch bong. Đồ sơn được lau chùi, đồ đồng được đánh bóng, nghi môn, quần màn được trưng lên, chiếu hoa, thảm màu được trải xuống, đèn treo, thể kết đã sẵn sàng. Khi công việc dọn dẹp, trang trí xong xuôi, các cánh cửa bức bàn lại đóng kín, chờ đến ngày đón ông vải về ăn Tết mới được mở ra"
Trang trí bên ngoài nhà thờ thì có "đôi chậu cúc, bày cân đối hai bên cửa bức bàn, một chùm mảnh đồng hình khánh và cá mắc quanh một vòng tròn nằm ngang treo bên đầu hiên nhà thờ, đung đưa trước gió mà phát ra những âm điệu du dương".
Tác giả vẽ lên cảnh tượng về nếp sinh hoạt ngày sắp Tết của khu vực buôn bán sầm uất ba mươi sáu phố phường: "Nhiều nhà đến sáng ba mươi mới quét vôi, cọ cửa, dọn sạch đồ rơm rác, bày biện nơi bán hàng thành phòng tiếp khách, công việc bù đầu, lau chùi vất vả, nhưng ai nấy đều vui vẻ, họ tin rằng sửa soạn được cái Tết chu đáo, sang năm mới sẽ tăng phúc tăng thọ, tài lộc bằng năm, bằng mười năm ngoái.
Xong các công việc dọn dẹp trang hoàng, già trẻ, lớn bé mới hò nhau tắm tất niên. Ai cũng nghĩ, tắm tất niên để gột bỏ hết những rủi ro của năm cũ. Nên có người kiêng tắm suốt những ngày đông tháng giá, song đến ba mươi Tết, rét chết cò, vẫn nghiến răng, liều mình với nước".
Ở gia đình quan Phủ Trường Khánh, sau bữa tiệc tất niên, bà Phủ chỉ còn nghỉ ngơi, để đến tối, y phục chỉnh tề cùng quan ông "thủ tuế" (trực tuổi) tại nhà thờ, đợi đón giao thừa, bên bộ quả mứt và khay chén trà, ấm cù lao.
Tác giả dành một đoạn dài để viết về những nghi lễ đón năm mới trong gia đình:
"Chiều ba mươi Tết, ông Phủ thắp hương ở gian thờ, rồi quỳ lạy, xưng danh tính, dòng họ, thế thứ, ngụ sở, đoạn cáo thỉnh tổ tiên về chứng giám các lễ giao thừa, nguyên đán, khai hạ tại gia đình để ban phúc lành cho con, cho cháu. Khấn xong, ông quỳ lễ lần nữa, rồi bước xuống bục.
Lúc này, xa gần đã vọng đến những tiếng pháo nổ đì đùng. Bà Phủ dắt cô gái út Thị Thiều lên gác nhà thờ, thấy ông liền giục:
- Sao cậu chưa đốt pháo?
Ông Phủ liền lấy bánh pháo đặt trên hương án, bóc giấy bọc, treo vào đầu sào ngoài hiên, đưa nén hương cháy dở cho bé Thiều mà bảo:
- Con đốt pháo mừng ông vải đi!
Bé Thiều cầm hướng dí vào đầu bánh pháo, thấy ngòi pháo xì lửa, bé Thiều quẳng vội nén hương, lùi ra xa, hai tay bịt tai đứng nhìn, bánh phảo tóe lửa, đì đùng nổ, mùi thuốc pháo sực nức, xác pháo toàn hồng bắn tung bốn phía, trông tựa cánh hoa đào rải rác khắp sân.
Đến canh hai, hai người gia nhân xin phép ông bà lên nhà thờ làm lễ, vái lạy gia tiên nhà ông Phủ, rồi chúc Tết chủ nhân:
- Năm mới, chúng con lên nhà thờ trước là để lễ gia tiên, sau xin chúc ông lớn thăng quan tiên chức, chúc bà lớn buôn bán nhất bản vạn lợi, để chúng con được hầu hạ, nhờ cậy ông bà!
Bà Phủ tươi cười, mở nắp quả, lấy ra hai gói to, hai gói nhỏ đều bọc giấy đỏ rồi nói:
- Mừng năm mới, mở hàng cho người nhà trước đã. Mỗi người một gói mứt, một phong bao! Rồi đem chai rượu bồ đào (rượu nho) này xuống nhà mà nhâm nhi với mứt, cho hồng hào mày mặt, lấy may năm mới!
Tiếng trống canh ba đã điểm, trong đêm khuya tĩnh mịch, bỗng từ ngoài thềm cửa hàng, vang lên tiếng ống bương dận thình thình, rồi thấy cái Nhài hớt hải chạy lên nhà thờ mà bẩm:
- Năm mới, bọn súc sắc đến chúc mừng bà lớn.
Bà Phủ mở nắp quả, lấy ra một phong giấy đỏ rồi dặn dò:
- Xuống nói với các anh phu điếm là bà lớn tri phủ Trường Khánh mở hàng cho các anh một tiền gián (ba sáu đồng) tiêu Tết!
Tiếng pháo rộn rã phút giao thừa đã ngưng hẳn, phố phường trở nên yên tĩnh, chốc chốc chỉ nghe tiếng khánh đồng reo đón gió xuân. Ông Phủ như bừng tỉnh cơn mê! Thấy thoang thoảng mùi thơm, nhìn lên ban thờ, ông nhận ra hai giò thủy tiên giờ đây đã nhất loạt hàm tiếu, trên cành đào, cành mai, lốm đốm những nụ hoa xòe cánh, như mỉm cười đón mừng xuân mới".
Tác giả Nguyễn Công Chí, hiệu là Viên Mai (1906-1988), có bằng Tú tài trường Bưởi, Hà Nội, ra làm việc tại Nha Giao thông Công chính thời thuộc Pháp, sau ngày giải phóng thủ đô chuyển về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ông tham gia viết văn từ những năm 1940, từng mở NXB Văn Hiến và ra báo Thời văn nguyệt san trong những năm 1949-1950.
Cuốn truyện dã sử Chuyện cũ bên dòng sông Tô (NXB Văn học) là cuốn sách viết về các nhân vật trong dòng họ Nguyễn Đình, quê gốc làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội. Tác giả thu thập và đưa vào truyện gần như đầy đủ các văn kiện mà gia đình, dòng họ còn lưu giữ được cho đến trước năm 1945, giúp tăng thêm phần chân thực và lý thú cho câu chuyện.
Từ câu chuyện riêng của một dòng họ, cuốn sách cho độc giả biết thêm nhiều nét về nếp sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân vùng quê Thường Tín và đất Kẻ chợ, Thăng Long vào thời kỳ cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.
Theo Lê Tiên Long / Zing