Cuộc đời bi kịch của nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt

Google News

Là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam, cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng trải qua nhiều thăng trầm. Bà từng xuống tóc đi tu sau khi nhường ngôi báu.

Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi tên thành Lý Thiên Hinh, là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà là con gái của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Sinh ra trong giai đoạn nhà Lý suy yếu, bà có những bước rẽ không thể đoán định.
Từ khi được thái tổ Lý Công Uẩn sáng lập năm 1009, trải qua quá trình hưng thịnh, đến đời của những vua như Cao Tông, Huệ Tông, nhà Lý đã suy yếu hẳn.
Cuoc doi bi kich cua nu hoang duy nhat trong lich su Viet
 Tượng thờ bà Lý Chiêu Hoàng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho thái úy Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát".
Lý Huệ Tông không có con trai, về cuối đời chỉ lo ham chơi, rượu chè, quyền lực nằm trong trong tay Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Đến tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Trần Thủ Độ ép vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm hoàng Thái tử; không lâu sau lại bắt vua nhường ngôi cho con gái mới chỉ lên 6 tuổi.
Sự kiện này là bước ngoặt của vương triều Lý và sự bắt đầu của nhà Trần. Nó cũng làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng.
Với âm mưu phải giành bằng được ngôi báu, Trần Thủ Độ đã sắp xếp cho cháu mình là Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, sau đó dàn xếp cho 2 “đứa trẻ” lấy nhau.
Đến tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông). Kể từ đây, ngôi báu của họ Lý chính thức được nhường lại cho họ Trần sau "cuộc hôn phối chính trị".
Lý Chiêu Hoàng được sắc phong làm hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Đến năm 1232, khi 14 tuổi, hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng sinh con trai nhưng không may thái tử mất ngay sau đó.
Sinh nở không thành, bà đau ốm liên miên. Sợ Trần Thái Tông không có con trai nối ngôi, Trần Thủ Độ lại ép nhà vua lập hoàng hậu mới, giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Trước liên tục những biến cố của cuộc đời, quá đau buồn và chán nản, bà xuống tóc đi tu.
Thế nhưng, duyên nghiệp của vị nữ hoàng duy nhất vẫn chưa kết thúc. Sau cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất (1257-1258), bà lại được phục hồi chức vị công chúa và được đem gả cho Lê Phụ Trần, người lập nhiều chiến công trong kháng chiến, có công cứu giá vua Trần Thái Tông.
Nếu không kể những ngày trước khi làm vua, có lẽ thời gian sống với Lê Phụ Trần là quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời nhiều biến cố của bà.
Trong 20 năm chung sống bên chồng mới, Chiêu Thánh sinh được 2 con. Có tài liệu cho rằng con trai đầu chính là danh tướng Trần Bình Trọng - người đã hy sinh lẫm liệt trong kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai với câu nói nổi tiếng “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Năm 1278, bà qua đời ở tuổi 60 trong một lần về thăm quê ở Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Về sau, bà được thờ ở đền Rồng ngay tại quê nhà.
Đến khi mất, Lý Chiêu Hoàng có tới 7 lần ở những danh vị khác nhau gồm công chúa, hoàng thái tử, nữ hoàng (nhà Lý); hoàng hậu, công chúa (nhà Trần); sư cô và cuối cùng là phu nhân của danh tướng nhà Trần.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing.vn