Tuy nhiên lý giải của nhiều học giả hiện đại lại cho rằng, sức chiến đấu của nhân vật này thực chất được hình thành thông qua đặc trưng nghề nghiệp và không ngừng được tôi luyện trong môi trường thực chiến.
Thực chất không phải ngẫu nhiên “Tam Quốc diễn nghĩa” lại gán cho Trương Phi nghề buôn rượu, mổ lợn. Bởi dù là thời xa xưa hay ngày nay, công việc giết mổ gia súc vẫn luôn được xem là một loại lao động tốn sức. Việc Trương Phi mưu sinh bằng nghề này đã giúp ông sở hữu một thân hình bệ vệ và khí lực hơn người.
Hơn nữa, mổ lợn mặc dù là dùng tới dao, nhưng động tác thực hiện không phải là chém mà là đâm, xẻ. Vì thế những động tác này được cho là mang nhiều nét tương tự với kỹ thuật sử dụng mâu.
|
Ảnh minh họa. |
Hơn nữa quá trình thực hiện công việc mổ lợn vào thời xưa có nhiều điểm khác biệt với quy trình hiện đại hóa như ngày nay.
Theo lý giải của Bách khoa toàn thư Trung Quốc (Baike), người xưa mỗi khi cạo lông lợn thì sẽ rạch một đường ở chân con vật, sau đó dùng miệng thổi hơi vào đó để da lợn căng lên cho dễ bề thực hiện.
Trương Phi với xuất thân là một người hành nghề buôn rượu, mổ lợn đương nhiên cũng sẽ phải thực hiện công đoạn này. Và không ngạc nhiên khi chính công việc ấy đã giúp cho ông sở hữu một chất giọng đầy uy dũng.
Chính đặc điểm trên đã trở thành tiền đề để La Quán Trung xây dựng chi tiết làm nên tên tuổi của Trương Phi trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Theo đó, trong hồi 42 của tác phẩm, khi quân của Tào Tháo đụng độ với một mình Trương Phi trên cầu Trường Bản, ông đã quát lên một tiếng vang trời: “Ta là Trương Dực Đức nước Yên đây! Ai dám cùng ta quyết một trận tử chiến?”
Cũng theo miêu tả của “Tam Quốc diễn nghĩa”, những tiếng quát của Trương Phi lớn đến nỗi khiến quân Tào nghe thấy mà “run cầm cập”, thậm chí còn làm cho tướng địch là Hạ Hầu Kiệt khiếp sợ tới mức “đứt ruột vỡ gan, ngã nhào xuống ngựa”.
Sự thực là tới cả Tào Tháo cũng vì nể sợ uy thế của Trương Phi mà thốc ngựa lui binh đến nỗi mũ trâm rơi cả, đầu tóc rũ rượi.
Và có lẽ, cũng chính tiếng quát của “kẻ thất phu” họ Trương ấy đã góp phần chứng thực tên tuổi của một “Trương Dực Đức ở trong đám quân trăm vạn, lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi lấy đồ vật”.
Theo Trần Quỳnh /Võ Thuật