Theo Viện Kỷ Lục Việt Nam, sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất nước ta. Vậy đâu là con sông ngắn nhất? Câu trả lời chính là sông Vàm Nao ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Con sông này có chiều dài 6,5km, rộng bình quân 700m, sâu trên 17m.
Sông Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu. Nó có vai trò vô cùng quan trọng với giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long. Dù chiều dài khiêm tốn nhưng Vàm Nao có tốc độ dòng chảy mạnh, hai cửa sông qunah năm có những xoáy nước dữ.
Theo truyền thuyết, xưa kia vì những đàn voi rừng, trâu rừng đi qua đây nhiều nên hình thành nên một con rạch nhỏ. Về sau, vì áp lực của sông Tiền và sông Hậu chảy xiết mà hình thành nên Vàm Nao ngày nay.
Ở sông Vàm Nao có nhiều loài cá nước ngọt quý hiếm, kích thước lớn. Người dân gọi chúng là “quái ngư” hay “thủy quái”. Ngày trước có cá nược (cá heo), cá đao, cá đuối sinh sống ở đây, nhưng vì bị đánh bắt quá nhiều nên nay đã không còn. Hiện tại, Vàm Nao vẫn tồn tại loài “quái ngư” quý hiếm là cá hô và cá tra dầu “khủng”.
Cá hô nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, có tên khoa học là Catlocarpio siamensis. Chúng sở hữu kích thước lớn nhất trong họ cá chép, con khủng nhất có thể lên đến 3 mét, nặng khoảng 300kg. Cá hô thường sinh sống tại vùng sông Mê-Kông và khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Văn Nùng (Tư Nùng), ngư dân sống lâu năm ở sông Vàm Nao tiết lộ, ngư dân nơi đây mỗi lần xuống nước sẽ vái lạy thủy thần phù hộ để bắt được cá to. Nếu bắt được họ sẽ cúng trả lễ, khi thì đầu heo, khi thì cặp vịt nấu chao. Có người đã từng trúng mẻ bảy con cá hô to, nặng gần 150kg, phải xỏ dây thừng vào mang cá kéo phía sau ghe máy về nhà.
Ông Trần Văn Kỷ, hàng xóm ông Tư Nùng từng bắt được con cá hô nặng 104kg. Loài này vì thân hình to lớn nên thường sống ở lòng sâu nhất, gần hố nước xoáy. Để bắt được chúng nhiều khi ngư dân phải đánh cược cả tính mạng.
Giờ đây dòng sông Vàm Nao vẫn vậy, dòng nước vẫn chảy xiết, dòng xoáy thì sẵn sàng đoạt mạng người bất cứ lúc nào. Thế nhưng những loài cá khổng lồ đã ngày càng vắng bóng vì bị đánh bắt quá nhiều.
Theo An An/Techz