Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Trong những chuyến đi của mình, tôi đã đến không biết bao nhiêu dòng sông, và mỗi dòng sông đều mang trong mình những ký ức, những kỷ niệm và là chốn nương nhờ trong những cuộc mưu sinh.
Đó là sông Hương ở Huế, với những con thuyền rực rỡ trong đêm đưa du khách hòa vào tiếng nhạc. Đó là sông Hoài ở Hội An, với những con thuyền chèo không dùng động cơ như sợ phá đi di sản hàng trăm năm đậm màu xưa cũ. Tôi cũng đã đến sông Tiền, cùng mọi người đi chợ nổi Cái Lậy và cũng đến Đắc Lắc nghe tiếng nước réo ầm ào giữa đại ngàn của sông Sêrêpôk…
Đất nước ta có vô vàn những con sông, mỗi con sông đều chảy ra biển và có bờ sông. Nhưng sông Ngô Đồng lại khác, dòng sông dài gần 40 km ấy len giữa những dãy núi đá vôi, qua ba hang động (gọi là Tam Cốc) và trong mênh mông ấy là ruộng lúa. Một ngày lên thuyền dạo chơi trên dòng sông cũng đủ khiến du khách ngẩn ngơ, nhất là khi chạm gặp những ruộng lúa đang vào mùa gặt, nhuộm vàng cả con sông…
Cái tên Ngô Đồng có từ bao giờ? Có thể bởi vào mùa lúa chín, cả dòng sông vàng óng như cây ngô đồng vàng lá mùa thu nên được đặt tên là Ngô Đồng chăng?
Theo các nhà nghiên cứu, sông Ngô Đồng được hình thành một cách hoàn toàn tự nhiên do quá trình kiến tạo địa chất của khu vực di sản Tràng An, một sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh những vùng trũng, thung lớn, sâu, chứa nước trong và tĩnh lặng, thông với vô số các hang động. Đây là con sông nhỏ thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngô Đồng là một chi lưu của sông Sào Khê, khởi đầu từ khu vực đền Suối Tiên, rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc. Khi nước sông rút đi, để hai bên bờ là khoảng đất phù sa màu mỡ, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước cho đến khi trĩu hạt.
|
Ảnh: Nguyễn Thế Bình - Happy Vietnam. |
Con sông nằm nép mình bên những dãy núi đá vôi kiều diễm ấy bỗng dưng lộng lẫy trong mùa lúa chín. Cũng là con sông ấy thôi, nhưng vào mùa lúa chín, những người nông dân chèo thuyền thu hoạch trong sắc vàng óng ả ấy đã tạo sức hút làm mê đắm lòng người. Ngay bến sông, bạn mua vé và được sắp xếp để lên một chiếc thuyền nhỏ dọc bến thuyền Vũng Trắm. Đủ khách, thuyền nối đuôi nhau rời bến. Những người chèo thuyền đa phần là phụ nữ, họ nhẹ nhàng dùng hai mái chèo điều khiển chiếc thuyền nhỏ ấy đi trên dòng sông huyễn hoặc cổ tích.
Những danh thắng chẳng đâu xa, là ở hai bên bờ sông. Vẻ đẹp của dòng sông cũng chẳng ở đâu xa, ở quanh bờ sông. Những người chèo thuyền ấy chắc có lẽ đã không biết bao nhiêu lần đưa khách tham quan đền Thái Vy, qua ba hang và hướng dẫn khách ngắm những con dê không biết cách nào mà đang ở trên triền núi.
Hai mái chèo đã cột chặt vào thuyền, người chèo thuyền cứ ngã tì ra sau, dùng đôi chân điều khiển con thuyền, không tiếng sóng vỗ, chỉ là tịnh yên và không gian thơm mùi lúa chín. Lý do phải dùng chèo là bởi là việc đi thuyền máy sẽ gây tiếng động, ô nhiễm dòng sông. Và cũng chính cái chầm chậm của con thuyền nhỏ, mái chèo khua đều vào vùng cổ tích ấy mới đủ cho du khách nhấm nháp cái hương vị đi vào con đường thủy độc đạo lạ lùng kia.
Những người chèo thuyền đều quen biết nhau, người chở khách vào, người chở khách ra, rành rẽ trái phải như đi trên một con đường. Họ cười nói, trò chuyện và đôi khi cất tiếng hát hò rộn rã cả khúc sông.
|
Ảnh: Khuê Việt Trường. |
Thuyền đi chậm cho khách ngắm nhìn, rồi lần lượt len vào ba động và dừng lại điểm cuối, nơi có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ đi theo khách để bán hàng. Đi theo có các thuyền buôn bán, có cả búp sen, chuối, dứa gọt sẵn và các loại thức uống, bánh kẹo ăn vặt. Sau khi đến bến cuối cùng, khách lên bờ ngoạn cảnh rồi lại xuống thuyền quay về.
Tại đây có tới 1.500 chiếc thuyền để phục vụ du khách. Mỗi chiếc thuyền chở được bốn người, và vì có quá nhiều thuyền nên có thuyền phải đợi từ 4-10 ngày chờ đến lượt mình. Ngay tại bến sông, những con thuyền nhỏ đậu san sát nhau như những chiếc lá xếp hàng, mỗi thuyền có số thứ tự và không có chuyện chèo kéo du khách. Những chiếc thuyền chưa tới lượt lại đi gặt lúa, gieo mạ hay chở hàng hóa bán cho khách du lịch.
Ngoài số tiền được trả cho mỗi chuyến đò, họ còn được khách típ thêm. Dẫu cuộc mưu sinh đầy vất vả, nhưng ai cũng nói cười vui vẻ, có người lại kể chuyện như một hướng dẫn viên cho du khách. Khi con thuyền cập bến, chiếc thuyền lại neo như một chiếc lá trong cả ngàn chiếc lá, đợi vòng quay tới lượt mình…
Theo Khuê Việt Trường/Vietnamnet