Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện", Tùng Thiện Vương có tên chữ là Thận Minh, Trọng Uyên, hiệu là Thương Sơn, biệt hiệu Bạch Hào Tử. Ông là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng và là em của vua Thiệu Trị, đồng thời là một nhà thơ Việt Nam thời nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Khi còn thơ ấu, Tùng Thiện Vương nhiều bệnh tật lại hay khóc. Mẹ của Vương là Thục tân Nguyễn Thị Bửu ngày đêm hết sức chăm nom. Chưa đầy một năm, khóc quá nhiều, hai mắt mờ đi và chảy máu. Bà Thục tân lo ngại, cứu chữa nhiều không khỏi. Một hôm có vị đạo sĩ tên là Vẵn trông thấy bảo rằng: Đấy là sao Thái Bạch Kim tinh giáng thế, làm lễ tiền thì khỏi. Quả nhiên, đúng như lời nói.
Năm Minh Mạng thứ III, mới 4 tuổi Tùng Thiện Vương đã bắt đầu học chữ, sách học là Hiếu kinh, rất thông minh và đĩnh ngộ. Năm 7 tuổi, Tùng Thiện Vương đến học ở Dưỡng Chính đường, không thích chơi đùa, chỉ biết chăm chú vào sách. Tùng Thiện Vương có trí nhớ tuyệt hảo, gấp sách đọc có khi nhớ đến trăm trang giấy. Năm 1849, ông lập thêm Tiêu Viên sau phủ, đón mẹ là Thục tân Nguyễn Thị Bửu và ba em gái là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, Nguyễn Phúc Trinh Thận tức nữ sĩ Mai Am và Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa ra phụng dưỡng chăm nuôi. Khi các em lần lượt có chồng, rồi mẹ mất, ông cải tạo phủ chính làm nhà thờ, còn mình lui về ở Tiêu Viên và dựng lều tranh bên cạnh mộ mẹ cư tang ba năm.
Năm 1865, ông giữ chức Tả Tôn Nhân phủ, trong thời gian này xảy ra sự biến giặc Chày Vôi. Trước đó, ông đã gả con gái là Thể Cúc cho Đoàn Hữu Trưng, một thanh niên ở làng An Truyền (tức làng Chuồn). Năm 1866, Hữu Trưng ngầm làm cuộc nổi dậy (sử cũ gọi là giặc Chày Vôi) nhằm lật đổ vua Tự Đức. Việc thất bại, Hữu Trưng và nhiều người bị hành hình. Mặc dù trước đó, Hữu Trưng đã lấy cớ vợ cư xử trái lễ với mẹ chồng mà trả về để tránh liên lụy cho nhà vợ, Tùng Thiện Vương trói cả con gái và cháu ngoại, quỳ dâng sớ xin chịu tội. Vua Tự Đức không kết tội, chỉ nói ông chọn rể không cẩn thận để mất thanh danh, nay trừ bổng trong tám năm. Suốt những năm bị trừ bổng ấy, ông lên ngôi chùa cổ Từ Lâm hoang tàn ở xã Dương Xuân làm nơi cư ngụ, vợ con phải canh tác trồng cây quả đem ra chợ bán để có cái ăn hàng ngày. Ông mất ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức 30-4-1870) lúc 51 tuổi.
Giai thoại về tài năng của ông được dã sử ghi lại như sau: Một hôm vào hầu Thục tân, thấy trên án có chiếc quạt viết bài thơ thể ngũ ngôn đường luật, trong đó có mấy chữ chưa hiểu nghĩa, bèn cố xin cho được cái quạt ấy. Hôm sau, Tùng Thiện Vương mang đến hỏi viên quan giảng tập rằng: Đấy là thơ gì? Viên giảng tập đem sở kiến của mình để trả lời. Nhân đấy mới hỏi nghĩa toàn bài thơ ấy, lại xin dạy cho luật phép làm thơ Đường luật. Từ đấy, Tùng Thiện Vương làm bài nào cũng hợp phép thơ.
Năm thứ 8, mùa Xuân Tế Giao Vương được theo đi, có làm bài thơ tế Nam Giao, lúc bấy giờ người mới 9 tuổi. Năm thứ 16, theo vua lên núi Ngự Bình, vua sai làm bài thơ, có nhiều câu hay, vua khen ngợi, phong làm Tùng Quốc Công, cho mở phủ ra phường Liêm Năng, bên cạnh phường ấy tiếp giáp với Tĩnh Phố, tức là phủ của Tuy Lý Vương. Ông cùng Tuy Lý Vương ngày ngày vui thưởng xướng họa. Đến khi Hiến Tổ Chương Hoàng đế nối ngôi, năm thứ II, vua đi tuần ra miền Bắc, Vương theo hầu, có tập thơ Bắc hành. Về sau, khi lên núi Nam Sơn đi săn bắn, hoặc lên núi Thúy Vân xem chơi đều có thơ cả.
Tùng Thiện Vương chăm chú học tập các sách kinh sử, không sách gì không thông hiểu. Lại có tính mê sơn thủy, hàng ngày cùng danh sĩ giao lưu, kiến văn càng rộng, làm thành nhiều tập thơ bắt đầu từ đây. Và người đương thời đã có thơ về ông như sau: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thị đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường. Với hai câu thơ này đã đánh giá cao tài năng của một thi nhân xứ Huế mà lúc còn nhỏ đã bộc lộ sở trường cùng năng khiếu của mình.
Lời bàn về Tùng Thiện Vương
Sinh thời, Tùng Thiện Vương là một ông hoàng có nhiều uy tín bởi đạo đức cao, tri thức rộng. Ông đến với mọi người đều bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, phóng khoáng; không hề phân biệt địa vị, tuổi tác hay sang hèn. Chính vì thế mà trong thơ văn của ông không những phản ánh về những tai ách áp bức, nhũng nhiễu, bóc lột của tầng lớp trên với dân thường mà còn lột tả tình trạng người dân lâm cảnh đói kém, lưu tán do thiên tai như lũ lụt, hạn hán triền miên. Và ông cũng thao thức, dằn vặt trước bao biến động của đất nước. Và bên cạnh những nỗi đau chung, nơi tâm tư của ông còn trĩu nỗi đau riêng. Vì hai người cháu ruột của ông là Hồng Bảo và Hồng Nhậm cùng tranh giành ngôi vua, mở màn cho một bi kịch chốn vương triều. Cuối cùng, Hồng Bảo bị hạ ngục rồi phải tự tìm cái chết khi thân còn mang xiềng xích.
Tiếc rằng, ông là một con người học rộng, hiểu sâu, có tấm lòng vì dân, vì nước, nhưng thiếu hẳn một cái nhìn biện chứng về thời cuộc và hơn nữa là trong ông không hề có ý chí quyết tâm cải cách chính cái chế độ phong kiến đã mục ruỗng của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, bởi ông là con cháu hoàng tộc, cuộc sống lệ thuộc vào bổng lộc vua ban thì làm sao có thể tự tay vứt bỏ nồi cơm của chính mình. Và như vậy, một lần nữa thêm cho hậu thế bài học về cách làm người. Nếu ai đó học rộng, hiểu nhiều nhưng chỉ vì miếng cơm, manh áo của chính mình thì cũng là vô ích.
Theo Kim Ngọc/ Dân việt