Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, có tổng cộng 13 đời vua. Trong số đó, Tự Đức (1829 – 1883) là một trong số những ông vua gây được sự chú ý. Tự Đức trị vì suốt 36 năm, là người ngồi ngai vàng cầm quyền lâu nhất. Ông được đánh giá có thực tài, hay chữ, ham học hỏi, chuyên tâm trị nước. Đặc biệt, Tự Đức còn là vị vua hiếu thảo bậc nhất lịch sử Việt Nam.
Vua Tự Đức là con của vua Thiệu Trị và thái hậu Từ Dũ. Ông rất nghe lời mẹ, ghi chép tất cả thật cẩn thận vào cuốn sách “Từ huấn lục”. Gần 40 năm làm vua, ngày lẻ ông sẽ thiết triều, ngày chẵn thì đến vấn an mẹ ở cung Diên Thọ.
Có một lần vua rảnh rỗi nên đi săn ở rừng Thuận Trực (Thừa Thiên Huế). Nào ngờ vì lụt mà ông không về được, trong khi còn 2 ngày nữa là giỗ vua Thiệu Trị. Thấy vua mãi không về, Đức Từ Dũ đành sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước.
Vua Tự Đức bấy giờ lo lắng khôn nguôi, dong thuyền giữa đêm, bất chấp nước chảy xiết để về cung. Đến nơi, ngài đi thẳng sang cung Diên Thọ để lạy thái hậu, xin chịu tội. Thấy Đức Từ Dũ xoay mặt vào màn, không nói gì, vua bèn lấy một cây roi mây dâng lên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn.
Lúc này Đức Từ Dũ mới xoay mặt lại mà bảo: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Đêm đó hồi cung, vua Tự Đức thức rất khuya để phê thưởng cho các quan đi hầu ngự.
Tận đạo làm con, phụng sự mẹ là vậy nhưng vua Tự Đức lại tuyệt tự. Trong quan niệm của Nho giáo xưa, không có con chính là tội bất hiếu nặng nhất. Đây là mâu thuẫn rất lớn trong cuộc đời vua Tự Đức. Cuối cùng, ông vua chí hiếu này đành nhận ba người cháu làm con nuôi để truyền ngôi là Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái (tức vua Dục Đức), Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh) và Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc).
Vì không có con, vua Tự Đức thậm chí còn phải tự viết văn bia cho mình. Đây là điều cực hiếm thời bấy giờ. Bởi lẽ thường con cái phải dựng bia cho đấng sinh thành. Ngày nay, tấm văn bia nặng hơn 20 tấn do chính Tự Đức viết vẫn còn đặt tại Khiêm Lăng, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Thêm một điểm đặc biệt ở vua Tự Đức, ông là người uyên thâm, ham học, đặc biệt yêu thích thơ văn. Bản thân vua cũng rất tự hào về tài năng này của mình. Ông từng tuyên bố: “Trẫm không đi thi nhưng nếu đi thi nhất định trẫm sẽ đỗ Trạng nguyên”.
Để chứng thực chuyện này, vua cùng một số đại khoa đã cùng làm bài luận, sau đó rọc phách, gửi sang nhờ vua Thanh lập ban giám khảo chấm giúp. Vua Tự Đức tự tin mình sẽ nhất bảng, nhưng cuối cùng bài văn của ông lại đứng cuối.
Hài hước hơn, trong bài thi của vua Tự Đức có lời phê: “Bài này tỏ ra tác giả là một người học rộng, khí phách, không phải là người thường nhưng là người không có tài mấy!”.
Theo PV/ Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo