Mới đây, kênh CNBC giới thiệu Mù Cang Chải, Yên Bái của Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế trong 2020.
Kênh truyền hình của Mỹ ví Mù Cang Chải như một viên ngọc ẩn mình trong thung lũng được bồi đắp bởi sông Hồng. Nơi đây có những cánh đồng ruộng bậc thang tựa như vân tay của trời. Ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này. Những thửa ruộng bậc thang còn được bao quanh bởi những ngọn núi nhấp nhô khiến khung cảnh đẹp như tranh.
|
Ảnh minh họa. |
Chính vì vậy, dù đường đến nơi đây khá hiểm trở nhưng không thể cản trở bước chân du khách tìm đến.
Mù Cang Chải có 2.200ha đất là ruộng bâc thang. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 500 ha thuộc ba ngôi làng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là di sản quốc gia. Vùng đất có vẻ đẹp ngoạn mục mà khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, dân số của Mù Cang Chải chỉ có khoảng 42.000 người nên du khách phương xa đến đây sẽ gặp chút khó khăn khi tìm đến đây.
Tại Mù Cang Chải, chỉ có rải rác nhà nghỉ và homestay. Nếu du khách muốn lựa chọn một nơi tiện nghi để nghỉ lại, một vài khu nghỉ dưỡng sinh thái (ecolodge) sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua.
CNBC cũng đánh giá rằng vào mỗi mùa Mù Cang Chải sở hữu một vẻ đẹp riêng: ”Vào mùa xuân, mạ non sáng trên mặt nước; mùa Hè thì ấm áp, ruộng bậc thang xanh rực rỡ núi đồi và biến thành biển vàng vào mùa thu. Còn mùa đông, những thửa ruộng như bức tranh thuỷ mặc của núi rừng”.
Một số hoạt động được giới thiệu đến du khách quốc tế là trekking, đạp xe và chụp ảnh. Bên cạnh đó, đi xe máy trên các cung đường quanh co cũng là trải nghiệm được du khách nước ngoài ưa mạo hiểm lựa chọn.
Ngoài ra, ở Mù Cang Chải, các lễ hội cũng thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là lễ hội dù lượn mùa thu. Lễ hội này góp phần đưa Mù Cang Chải trở thành một điểm đến mới cho du lịch mạo hiểm, bên cạnh thử thách vượt đèo Khau Phạ - tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, khám phá thác Mơ và thác Pú Nhu.
Theo Minh An/Một thế giới