Đối với các ngôi sao võ thuật như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan hay Ngô Kinh để có được những thế võ khiến người xem phải trầm trồ thán phục, không những cần sự dày công luyện tập mà trên hết, vai trò của người thầy, người sư phụ đứng sau thành công ấy cũng vô cùng quan trọng. Có thể nói, võ sư Ngô Bân chính là người nắm được những điểm yếu, điểm mạnh và thậm chí là những thói hư tật xấu của Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh và cũng chính ông là người đã góp phần tạo nên thành công cho những siêu sao võ thuật này nổi tiếng khắp thế giới.
|
Võ sư Ngô Bân (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan. |
Võ sư Ngô Bân sinh năm 1937 tại Hồ Châu, Chiết Giang. Ông là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp trong lĩnh vực võ thuật của Trung Quốc. Không như nhiều cao thủ khác, đến trước năm 19 tuổi ông vẫn chưa biết đến võ thuật là gì mà theo đuổi lĩnh vực sở trường là thể thao.
Ngô Bân có sự linh hoạt, dẻo dai cùng đầu óc cực kỳ thông minh nên tất cả các môn như bơi, bóng rổ, bóng đá, đến cả cử tạ cũng đều đạt được thành tích cao.
Năm 1958, ông vào Học viện thể thao Bắc Kinh (hay Học viện thể dục Bắc Kinh) và chơi môn cử tạ. Tuy nhiên, điều không may xảy đến chỉ sau đó một năm khi một chấn thương thắt lưng đã khiến sự nghiệp này kết thúc. Trong thời gian ở đó, Ngô Bân đã học Wushu và sau khi rời bỏ môn cử tạ ông quyết tâm theo con đường võ thuật chuyên nghiệp.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Học viện thể dục Bắc Kinh, Ngô Bân chuyển sang làm giảng viên cho trường đào tạo võ thuật nghiệp dư Bắc Kinh.
Năm 1965, ông được bầu lên làm Tổng thư ký Hiệp hội Wushu Bắc Kinh. Ngô Bân cũng chính là người đã sáng lập ra trường đào tạo võ thuật Thập Sát Hải, nơi đào tạo ra những ngôi sao võ thuật nổi tiếng của làng điện ảnh Hoa ngữ như: Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Triệu Văn Trác, Ngô Kinh…
Ở trường võ thuật của mình, Ngô Bân huấn luyện học viên theo 3 tiêu chí.
Một là “khổ” - khổ luyện là nền tảng, vượt qua khó khăn, nghiêm túc, ngoan cường và tinh thần chăm chỉ, dũng cảm.
Thứ hai là “thông minh” – nắm bắt lý thuyết để thực hành, tôn trọng những luật lệ được đề ra và nắm chắc những động tác mấu chốt dưới điều kiện thực tế.
Ba là “tinh” – tinh nhuệ, tinh tường để vươn tới đỉnh cao.
Chính nhờ sự nghiêm khắc trong đào tạo, dạy dỗ, những đệ tử của ông đều thành danh không chỉ tại quê nhà mà còn nổi tiếng ở khắp châu Á và cả Hoa Kỳ.
Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh là những học trò được Ngô Bân đánh giá cao
Lý Liên Kiệt đến với sư phụ Ngô Bân sớm hơn so với Chân Tử Đan, Ngô Kinh. Từ năm 8 tuổi, Lý Liên Kiệt đã trở thành đệ tử của Ngô Bân. Kể từ lúc đấy, sư phụ Ngô Bân đã tin rằng Lý Liên Kiệt sẽ làm nên chuyện.
Học được một thời gian, mẹ Lý Liên Kiệt đưa con trai về vì sợ lơi là việc học văn hóa. Võ sư Ngô Bân phải nhiều lần tới nhà để thuyết phục, bà Lý mới đồng ý để con trai tiếp tục theo ông học võ, Ngô Bân nói với bà Lý rằng, con trai bà là "hạt giống tốt nhất định không thể bỏ phí".
Bằng tất cả khả năng và sự nghiêm khắc của mình, võ sư Ngô Bân đã rèn nên một Lý Liên Kiệt dạn dày sương gió.
Sau này, khi Lý Liên Kiệt đã thành danh, sư phụ Ngô Bân cho biết, ông rất tự hào về cậu học trò năm xưa và nhận xét rằng: "Lý Liên Kiệt biết nhu biết cương, có nền tảng võ thuật tốt".
Về phần Chân Tử Đan, võ sư Ngô Bân miêu tả, đó là môn sinh có tính cách hoàn toàn trái ngược với Lý Liên Kiệt (một người hiền lành). Chân Tử Đan bái sư vào năm 1978, khi vừa trở về từ Mỹ, Chân Tử Đan có phần ngang ngạnh hơn, nhiều lần đấu khẩu, cãi ngang sư phụ, khiến có lần, ông đã tức giận đến mức đuổi Chân Tử Đan ra khỏi lớp vì thái độ hỗn hào của anh.
Không chỉ có Ngô Bân tức giận mà sự ngỗ ngược của Chân Tử Đan khiến nhiều võ sinh khó chịu, trong đó có Lý Liên Kiệt. Tuy nhiên, vì trong trường không cho phép các võ sinh được ẩu đả vì bất kỳ lý do gì, nên anh vẫn cố gắng nhẫn nhịn. Cơn giận dữ của Lý bùng phát khi Chân Tử Đan một lần nữa thách đấu anh cũng như các đồng môn khác.
Trận đấu giữa Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan diễn ra bí mật và chỉ có một vài võ sinh bị thách đấu chứng kiến. Trong trận chạm trán lần này, Chân Tử Đan còn chưa kịp thi triển võ công đã bị Lý Liên Kiệt hạ knock out với cú ra đòn khá mạnh khiến người huynh đệ miệng hộc máu, nước mắt ứa ra vì uất ức và hối hận.
Theo sư phụ Ngô Bân, võ thuật chính là sự thể hiện tính cách riêng của từng người. Chính vì thế, sự cá tính, ngang ngạnh của Chân Tử Đan mang tới cho anh những phong cách võ thuật cứng rắn đôi khi hơi quá tay.
Sau này, Chân Tử Đan không chỉ là ngôi sao võ thuật lừng danh mà anh còn là đạo diễn, nhà chỉ đạo võ thuật và nhà sản xuất điện ảnh. Anh nổi tiếng trên màn ảnh truyền hình và màn ảnh rộng qua những vai diễn có sử dụng võ thuật như trong phim Huyền thoại Trần Chân, Thân phận đặc biệt, Diệp Vấn, Trùm hương cảng...
Còn về phần Ngô Kinh, anh bắt đầu trở thành đệ tử của sư phụ Ngô Bân vào năm 13 tuổi. Sau khi quan sát vị học trò mới này một hồi, Ngô Bân phát hiện ra ngón cái bên tay trái của Ngô Kinh bị thiếu mất nửa mẩu nên tỏ vẻ ái ngại và cho biết: "Ngô Kinh ngón cái tay trái lại thiếu mất nửa mẩu. Với người học võ lực ở ngón cái là điểm mấu chốt, các cao thủ hơn thua nhau thực chất là ở nửa ngón này. Đó là vũ khí mạnh nhất và cần thiết của mỗi người học võ".
May mắn thay, vào thời khắc quyết định, đệ tử ruột của Ngô Bân là Lý Kim Hằng đã nói đỡ rằng: "Đứa nhỏ này không tồi, trước tiên cứ giữ lại" và thế là… Ngô Kinh được nhận vào học.
Biết mình không hợp mắt sư phụ nên Ngô Kinh đã dành hết sức lực để luyện tập. Khi người ta nghỉ thì anh luyện tập, khi người ta ngủ thì anh trốn tới phòng để tiếp tục luyện tập. Sự kiên trì đó khiến sư phụ Ngô Bân rất hài lòng.
Chính Ngô Bân còn khẳng định, Ngô Kinh sẽ là người thừa kế hoàn hảo nhất của Lý Liên Kiệt. Tuy nhiên với những gì đã thể hiện, Ngô Kinh cho thấy mình có khả năng còn làm tốt hơn cả đàn anh. Ngoài vai trò diễn viên, vài năm trở lại đây Ngô Kinh còn lấn sang lĩnh vực đạo diễn, sản xuất phim, anh được mệnh danh là "thần bài" của showbiz Hoa ngữ khi đầu tư phim nào hốt bạc phim đó. Trong đó, hai bộ phim Chiến lang 2 và Lưu lạc địa cầu giúp anh bỏ túi hàng trăm triệu USD.
Theo Quốc Tiệp /Người đưa tin