'Câu chửi thề' kinh điển của Gia Cát Lượng

Google News

Gia Cát Lượng không chỉ nổi danh với tài thao lược kinh bang tế thế mà còn khiến hậu thế khâm phục bởi cách dùng ngôn từ sâu cay, mắng người không một lời tục.

Thế nào là văn nhân mặc khách? Đó là những bậc nho sĩ tài hoa từ thời cổ đại Trung Quốc, thông thạo Tứ thư, Ngũ kinh, thi từ ca phú; họ là những người có thể "xuất khẩu thành thơ", phong thái nho nhã, học vấn uyên thâm. Ngay cả khi tranh luận hay mắng mỏ, họ cũng tuyệt đối không dùng lời thô tục. Nghe qua, nhiều khi cứ tưởng như đang được tán dương. Trong nghệ thuật "mắng không lời tục", Gia Cát Lượng - quân sư thiên tài thời Tam Quốc chính là bậc thầy.

'Cau chui the' kinh dien cua Gia Cat Luong

Gia Cát Lượng nổi tiếng không chỉ nhờ trí tuệ hơn người mà còn bởi cách mắng người sâu cay, không cần lời tục vẫn khiến đối phương nghẹn lời

Gia Cát Lượng là cái tên không ai không biết, từ tiểu thuyết đến phim ảnh. Mỗi lần xuất hiện, ông đều toát lên phong thái tiên phong đạo cốt: Mặt trắng râu dài, đầu đội khăn lụa, khoác áo bào, tay cầm quạt lông vũ. Tất cả tạo nên hình ảnh người quân sư thanh thoát, trí tuệ siêu phàm, tựa như có thể xoay chuyển càn khôn.

Trước khi ra giúp Lưu Bị, tiếng tăm Gia Cát Lượng đã lan rộng. Nhờ lời giới thiệu của Tư Mã Huy, Lưu Bị mới cùng Quan Vũ và Trương Phi vượt núi băng rừng đến ngôi nhà tranh ẩn mình trong núi sâu để mời ông xuất sơn. Ba lần đến nơi với thái độ khiêm nhường, Lưu Bị mới nhận được sự đồng ý.

Quả nhiên, có được Gia Cát Lượng, thế lực Lưu Bị như "hổ mọc thêm cánh", dần chiếm được một phần thiên hạ, dù khởi điểm kém xa cả Tào Tháo lẫn Tôn Quyền.

'Cau chui the' kinh dien cua Gia Cat Luong-Hinh-2

Ảnh minh họa
"Thổ long trừ cẩu" - Câu mắng văn nhã mà cay nghiệt

Tào Tháo xuất thân danh giá, gia tộc ba đời làm quan cho triều Hán. Sau khi phế truất Đổng Trác, ông trở thành người nắm đại quyền dưới danh nghĩa "phò trợ thiên tử", nhưng thực chất là lấy vua làm bù nhìn để hiệu lệnh chư hầu.

Lưu Bị, với thân phận hoàng tộc lưu vong, không giàu như Tôn Quyền, không quyền như Tào Tháo, chỉ có nhân nghĩa làm điểm tựa chiêu hiền đãi sĩ. Nhưng chính nhân nghĩa ấy lại thu phục được lòng người: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… đặc biệt là Gia Cát Lượng - người được ca ngợi "đa trí cận yêu" (nhiều mưu trí đến mức gần như yêu thuật).

Dù biết Lưu Thiện kém cỏi sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng vẫn một lòng trung thành, không mưu đoạt quyền vị mà hết lòng phụ chính, sáu lần Bắc phạt, mưu đồ khôi phục nhà Hán.

Đối với ông, sự trung nghĩa đặt lên hàng đầu. Vì thế, ông vô cùng khinh thường Tào Tháo và hậu duệ Tào Phi - những kẻ vì quyền lực mà chà đạp hoàng triều.

Khi Hán Hiến Đế bị Tào Phi phế truất và tự lập làm vua, Gia Cát Lượng đã đích thân tìm đến ẩn sĩ Đỗ Vi - một cựu thần nhà Hán thuyết phục ông ra giúp nhà Thục Hán. Đỗ Vi ban đầu từ chối, viện cớ chỉ công nhận Hán Hiến Đế là chân chính.

'Cau chui the' kinh dien cua Gia Cat Luong-Hinh-3

Ảnh minh họa

Trong lúc giận dữ, Gia Cát Lượng nói một câu: "Tào Phi thoán nghịch, tự lập làm đế, chẳng khác nào thổ long trừ cẩu, chỉ có danh mà không thực".

Câu nói này như “tiếng sấm giữa trời quang”, khiến Đỗ Vi bừng tỉnh và đồng ý xuất sơn, trợ lực cho Gia Cát Lượng.

Câu "thổ long trừ cẩu" chính là ví dụ điển hình cho tài mắng người không dùng lời tục của Gia Cát Lượng. Ông ví Tào Phi như rồng đất - chỉ là hình thức trang trí lễ tế, và chó rơm - vật thế mạng không có giá trị thật. Qua đó, ông vừa chửi Tào Phi cướp ngôi, vừa khích lệ Đỗ Vi hãy dẹp bỏ tự ti, đừng trốn tránh trách nhiệm với thiên hạ.

'Cau chui the' kinh dien cua Gia Cat Luong-Hinh-4

Ảnh minh họa

Một câu nói hai mục tiêu: Phê phán kẻ thoán nghịch, đồng thời khơi dậy tinh thần trách nhiệm nơi hiền tài. Cách dùng lời cao minh ấy quả thật xứng đáng với danh xưng "đa trí cận yêu" của Gia Cát Lượng.

Theo Nguyễn Giang/Thương Hiệu và Pháp Luật