Bản lĩnh của Loan Đình Ngọc
Loan Đình Ngọc là ai? Lời của Đỗ Hưng nói với Dương Hùng và Thạch Tú: “Thái Công ở Chúc Gia Trang là Chúc Triều Phụng, có ba người con trai là Chúc Long, Chúc Hồ và Chúc Bưu, gọi là Chúc Gia Tam Kiệt. Lại có một ông giáo sư tên là Thiết Bổng Loan Đình Ngọc sức muôn người khôn địch nổi”.
|
Cái chết bí ẩn của Loan Đình Ngọc trong Thủy Hử. |
Thân phận của Loan Đình Ngọc sau đó được nhắc đến qua lời của Tôn Lập nói với Thạch Dũng: “Loan Đình Ngọc với tôi cùng học một thầy, võ nghệ của tôi ông ta đã biết, mà tài giỏi ông ta tôi đây cũng biết”. Khi Tôn Lập giả làm quân mã của Đề hạt phủ Đăng Châu để xâm nhập vào Chúc Gia Trang thực hiện kế nội gián, Loan Đình Ngọc cũng nói một câu thế này với cha con họ Chúc: “Tôn Đề Hạt với tôi là anh em học võ với nhau khi trước…”
Tài năng của Loan Đình Ngọc thế nào? Ngay trận đầu nghĩa quân Lương Sơn do Tống Giang chỉ huy tấn công Chúc Gia Trang đã dính phải kế mai phục của họ Loan. Tống Giang bị vây khốn may có Thạch Tú thạo đường và tài cung tiễn của Hoa Vinh (bắn rơi đèn hiệu), mới thoát được. Trận đầu tiên, một đầu lĩnh của Lương Sơn là “Trấn Tam Sơn” Hoàng Tín bị nhà họ Chúc bắt sống.
Bản lĩnh trận mạc của Loan Đình Ngọc được đặc tả chi tiết qua lần giao chiến thứ hai giữa Chúc Gia Trang và quân Lương Sơn: “Liền có giáo sư là Loan Đình Ngọc giắt thiết chùy, cầm thương lên ngựa xông ra. Âu Bằng thấy vậy, bèn quay ngựa đánh nhau với Loan Đình Ngọc. Loan Đình Ngọc không hề đánh lại, chỉ cắp thương dấn ngựa mà chạy lánh về một bên. Âu Bằng cố ra sức đuổi, bị Đình Ngọc phi trúng một chùy ngã ngay xuống ngựa”.
|
Loan Đình Ngọc, trí dũng song toàn, từng giao đấu và bắt sống Tần Minh. |
“Loan Đình Ngọc bỏ Đặng Phi mà đánh với Tần Minh. Hai tướng đánh nhau mười hiệp bất phân thắng phụ, rồi Loan Đình Ngọc lừa miếng phá đĩnh cắp gươm chạy thẳng. Tần Minh múa côn xông đuổi, Loan Đình Ngọc theo lối cỏ hoang mà chạy vào đó. Tần Minh không biết là kế cũng cứ hồng hộc đuổi theo vào…. Khi quân mai phục thấy Tần Minh xốc vào, liền giật dây tròng ngựa, rồi đổ xô ra bắt sống Tần Minh. Đặng Phi thấy Tần Minh ngã ngựa, liền sân vào để cứu. Khi chàng trông thấy chúng kéo thừng lên, toan quay ngựa chạy ra, thì bỗng đã ngã lăn ra đó, rồi chúng túm vào mà bắt nốt”.
Cái chết bí ẩn của Loan Đình Ngọc
Như vậy, kết trận chiến thứ hai, thêm 2 đầu lĩnh Tần Minh, Đặng Phi bị Loan Đình Ngọc cùng quân Chúc Gia Trang bắt gọn, Âu Bằng thì bị thương. Rõ ràng, họ Loan là tay trí dũng song toàn. Nhưng điều khiến độc giả Thủy Hử cảm thấy khó hiểu là ở chỗ, một Loan Đình Ngọc tài ba như vậy, nhưng ở trận chiến cuối cùng khi quân Lương Sơn chia quân 4 mặt vây đánh Chúc Gia Trang kết hợp với bọn Tôn Lập nhất tề gây rối loạn từ bên trong, lại có cái kết… lãng xẹt.
Giữa hồi 49 Thủy Hử, sau khi kế liên hoàn của Ngô Dụng – Tôn Lập đáo thành, nghĩa quân Lương Sơn đánh tan hai nhà Hỗ - Trúc, Thi Nại Am viết thế này: “Khi đó Tống Giang ngồi trong Chúc Gia Trang, các Đầu Lĩnh đến dâng công, bắt sống được bốn năm trăm người, cướp được năm sáu trăm ngựa… không biết bao nhiêu mà kể. Tống Giang thấy vậy cả mừng mà nói rằng: Chỉ thương thay cho Loan Đình Ngọc là một tay hảo hán anh hùng, mà cũng bị chết oan ra đó, thực là đáng tiếc!”.
Cái chết của Loan Đình Ngọc chỉ được miêu tả qua duy nhất câu cảm thán của Tống Giang, với những từ như “thương thay”, “chết oan”, “đáng tiếc”. Đọc kỹ Thủy Hử 70 hồi đầu, chúng ta sẽ thấy rằng Loan Đình Ngọc là nhân vật duy nhất bên phía đối địch với nghĩa quân Lương Sơn, mà cái chết của chàng ta không được miêu tả một cách rõ ràng.
Chúng ta hãy cùng điểm qua kết cục của các nhân vật “phản diện” nổi cộm từng đối địch với Tống Giang và Lương Sơn. Đầu tiên, Hoàng Văn Bính, kẻ luận bài thơ Tống Giang đề ở lầu Tầm Dương, đứng sau những sự sắp đặt mưu hại họ Tống đến mức “Cập Thời Vũ” chỉ còn chờ chết ở pháp trường. Thủy Hử hồi 40 viết: “Lý Tuấn, Trương Thuận giải Hoàng Văn Bính lên bờ, cho mọi người xem mặt, rồi cùng nhau kéo vào Mục Gia Trang…. Rồi Tống Giang sai đem Hoàng Văn Bính lên, lột hết cả quần áo ướt, trói ra ngoài gốc cây dương liễu, đoạn rồi các vị Đầu Lĩnh theo thứ tự mà ngồi”.
Sau một hồi mắng chửi Hoàng Văn Bính, Tống Giang mới hỏi một câu: “Trong anh em ai ra hạ thủ cho ta? Nói vừa dứt lời, thì Lý Quỳ nhảy lên đáp rằng: - Tôi xin hạ thủ, để tôi xem thịt nó có béo, thì đem nướng mà đánh chén… Đoạn rồi Lý Quỳ vác con dao nhọn, đến trước mặt Hoàng Văn Bính, cười mà nói rằng: - Thằng này mọi khi hay nấp ở xó nhà Sài Tri Phủ, nói chuyện thay đen đổi trắng. Chàng cắt mãi hết thịt đùi rồi mới mổ bụng moi gan, để lên các vị Đầu Lĩnh làm thang tỉnh rượu”.
Thứ hai, kết cục của Sử Văn Cung, tay đệ nhất của Tăng Đầu Thị. Sử Văn Cung bị bắt như thế nào: “Úc Bảo Tứ vâng lời Ngô Dụng, trốn về trong trại, đem mấy lời đó nói với Sử Văn Cung. Sử liền dẫn Úc Bảo Tứ đến trình Tăng Trưởng Quan, nói rõ ý Tống Giang không định giảng hoà, mà bàn định với Trưởng Quan thừa thế sang cướp trại địch. Trưởng Quan nói rằng: Tăng Thăng hiện còn ở đó, nếu mình sai lời thì tất bị hắn giết mất. Nói đoạn đâm cho Sử Văn Cung một đao vào đùi ngã lăn xuống ngựa, rồi trói lại mà giải về Tăng Đầu Thị”.
Và Sử Văn Cung chết ra sao: “Tống Giang thấy vậy cả mừng, bèn cho Sử Văn Cung vào xe tù, rồi thu thập quân mã, lương thảo mà trở về Lương Sơn Bạc. Khi về tới Trung Nghĩa Đường, các Đầu Lĩnh đều đến làm lễ cáo với Tiều Thiên Vương. Tống Giang sai Tiêu Nhượng làm văn tế để tế, rồi các Đầu Lĩnh đều ăn mặc tang phục, khóc thương nức nở, và moi ruột Sử Văn Cung lên để tế”.
Nhưng Loan Đình Ngọc, ngoài câu cảm thán của Tống Giang, chúng ta không biết chàng ta chết như thế nào, và chết bởi tay ai? Thi Nại Am trước sau, tuyệt nhiên không hề viết về sự kiện này một cách chi tiết. Đây là một “vùng tối” trong Thủy Hử, nhưng thật may tác gia họ Thi cũng để lại cho độc giả một vài manh mối để từ đó chúng ta từng bước bóc tách bí ẩn này!
Theo Thanh Xuân/Dân Việt