Trong số các danh gia vọng tộc dưới thời nhà Thanh, Nữu Hỗ Lộc thị được biết tới là một dòng họ vô cùng nổi tiếng.
Gia tộc này thậm chí đã từng là mẫu tộc của 6 vị Hoàng hậu của vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Và thị vệ nổi tiếng bên cạnh vua Ung Chính một thời là Nột Thân cũng xuất thân từ Nữu Hỗ Lộc thị.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, Nữu Hỗ Lộc Nột Thân sở hữu gia thế hiển hách, từng bước đi lên từ chức vụ thị vệ, cúc cung tận tụy hai đời vua, sau lại trở thành trọng thần trong triều, thế nhưng vẫn không có được kết cục yên ổn.
Thị vệ có tiếng dưới thời vua Ung Chính và con đường thăng quan tiến chức nhanh chóng
Nữu Hộ Lộc Nột Thân bước chân vào Tử Cấm Thành với chức vụ như một thị vệ thân tín bên cạnh Hoàng đế. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nột Thân (? – 1749) là quan lại thời nhà Thanh, từng nhậm chức Binh bộ Thượng thư, Đại học sĩ, Quân cơ đại thần dưới hai đời vua là Ung Chính và Càn Long.
Ông xuất thân từ gia tộc Nữu Hỗ Lộc thị với một bối cảnh không hề đơn giản. Trực hệ của Nột Thân là hậu duệ của đại thần khét tiếng một thời Át Tất Long.
Cha ông lúc sinh thời từng làm quan tới chức Nghị chính đại thần, tập tước Nhất đẳng Công và là cánh tay phải đắc lực của Hoàng đế.
Hai người cô của Nột Thân cũng rất có địa vị trong hậu cung, một người trở thành Hoàng hậu, một người là Quý phi của vua Khang Hi.
Các tài liệu chính sử Trung Hoa không đề cập cụ thể tới ngày tháng năm sinh của Nột Thân. Tuy nhiên có nhiều suy đoán cho rằng ông sinh vào những năm cuối thời Khang Hi đế.
Chẳng những xuất thân từ một gia tộc hiển hách, Nữu Hỗ Lộc Nột Thân còn có đường quan lộ hết sức thuận lợi. Dù rằng khởi điểm của ông chỉ là một thị vệ bên cạnh nhà vua.
Nhận được sự tín nhiệm của Hoàng đế, con đường thăng quan tiến chức của Nột Thân vô cùng thuận lợi. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Năm xưa, Nột Thân được Ung Chính đế giao cho chức Tán trật đại thần. Chức quan này nghe qua sẽ khiến nhiều người lầm tưởng chỉ là một chức vụ nhỏ nhoi.
Thế nhưng thực chất đây là chức tước dành cho Thị vệ trong Tử Cấm Thành. Vì vậy, công việc của Nột Thân thời ấy chính là trực tiếp bảo vệ cho sự an toàn của Hoàng cung và an nguy của Hoàng đế.
Sau đó, Ung Chính tiếp tục giao cho người trong gia tộc của Nột Thân phụ trách an toàn của mình trong mỗi lần xuất cung.
Chỉ riêng việc sẵn sàng giao an nguy tính mạng của bản thân vào tay Nột Thân và người nhà đã đủ để thấy Ung Chính đế tin tưởng, tín nhiệm vị quan này tới mức nào.
Tháng 9 năm 1727, Nột Thân được thăng làm Ngự tiền đại thần, sau lại tiếp tục được ban cho dự hàng Nội đại thần.
Năm Ung Chính thứ 11 (1733), ông đã trở thành Quân cơ đại thần, được phép tham dự việc cơ vụ.
Nhờ sự trọng dụng của Hoàng đế, lại thêm xuất thân hiển hách, Nữu Hỗ Lộc Nột Thân nhanh chóng gây dựng được thế lực của mình trên võ đài chính trị. Tới thời Càn Long, ông đã trở thành một trong những đại thần có tiếng nói nhất trong triều.
Kết cục bi thảm của Nột Thân: Phúc nhờ Hoàng đế, họa cũng từ Hoàng đế
Tới thời vua Càn Long, Nột Thân vẫn là một đại thần được vị Hoàng đế này vô cùng coi trọng. (Ảnh minh họa).
Năm Càn Long thứ hai, Nột Thân thay Na Tô Đồ trở thành Binh bộ Thượng thư – chức quan thuộc vào hàng Nhất phẩm thời bấy giờ.
Năm Càn Long thứ 10, ông trở thành Đại học sĩ, chính thức tiến vào vòng tròn chính trị nòng cốt của nhà vua.
Bấy giờ, Càn Long từ lâu đã muốn đào tạo vị quan này trở thành thân tín dưới tay mình. Và dự định này rất nhanh trở thành hiện thực.
Sau khi Ngạch Nhĩ Thái qua đời, nhà vua lập tức sắp xếp Nột Thân ngồi vào ghế thủ lĩnh quân cơ đại thần, giao cho ông chức vụ Đốc công.
Ở vào thời điểm ấy, quyền lực và địa vị của Nột Thân thừa sức hô mưa gọi gió, khiến cho người người ngưỡng vọng.
Thế nhưng có ý kiến cho rằng, vì thân thích họ hàng của gia tộc Nữu Hỗ Lộc thị đều tiến thân trong chốn quan trường thuận lợi tới đáng ngờ. Vì vậy Càn Long dần dần không vừa mắt Nột Thân, biến cố trong cuộc đời của vị đại thần ấy sau đó cũng nhanh chóng ập đến.
Thăng quan nhờ Hoàng đế coi trọng, thế nhưng biến cố trong cuộc đời Nột Thân ập tới cũng xuất phát từ việc phụ lòng Hoàng đế mà thành. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Năm Càn Long thứ 13, Nột Thân bất ngờ bị điều đi tiền tuyến ở Kim Xuyên với nhiệm vụ cứu vãn cục diện bất lợi mà quân đội nhà Thanh đang gặp phải khi ấy.
Tuy là một đại thần có năng lực hô mưa gọi gió trên triều đình, thế nhưng cả đời ông chưa từng một lần chân chính bước ra chiến trường, vì vậy cũng không có khả năng thực chiến.
Cho nên trái với kỳ vọng mà nhà vua phó thác, Nột Thân dù dốc hết sức mình cũng không thể đảo ngược tình thế, càng không thể khiến cho chiến dịch ở Kim Xuyên vang lên tiếng kèn thắng trận.
Kết quả là quân Thanh bại trận, tổn thất nặng nề. Điều này khiến Càn Long vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh áp giải Nột Thân hồi kinh.
Biến cố chính trị năm đó chẳng những khiến Nữu Hỗ Lộc Nột Thân không có cơ hội trở mình mà còn làm cho ông mất mạng.
Bởi lẽ, không thực hiện được mục tiêu mà nhà vua đặt ra chẳng khác nào phạm phải đại tội không làm tròn nhiệm vụ.
Chỉ trong một đêm, Nột Thân từ một đại thần từng được hoan nghênh bậc nhất trong triều trở thành một quan viên phạm tội chờ xét xử.
Về kết cục cuối cùng của vị đại thần ấy, có tài liệu ghi rằng ông bị xử trảm sau khi hồi kinh. Có tài liệu khác lại khẳng định, Càn Long đã cho Nột Thân tự sát, coi như đó là cách để bảo toàn cho ông chút tôn nghiêm cuối cùng.
Cứ như vậy, số phận của vị đại thần từng đi lên từ chức thị vệ thân tín bên cạnh vua Ung Chính đã phải chấm dứt một cách đầy bi kịch vào năm 1749, tức năm Càn Long thứ 14.
Theo Trần Quỳnh/ Phapluatvabandoc