Trong số các sử liệu viết về đời sống xã hội Đại Việt thế kỷ 17-18, những bút ký, du ký, khảo cứu của người phương Tây, điển hình là tác phẩm Mô tả vương quốc đàng ngoài (A Description of the Kingdom of Tonqueen) của Samuel Baron, xuất bản lần đầu năm 1685, hay tác phẩm Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng ngoài (Histoire naturelle, civile et politique du Tonquin) của J. Richard, xuất bản lần đầu 1778... là những tư liệu quý, có giá trị, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời Lê Trung hưng.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế (người viết chưa hiểu cặn kẽ tình hình Việt Nam, hoặc có những nhận xét, đánh giá phiến diện…), nhưng những tác phẩm này đã trình bày những điều mới mẻ, khác với lối chép sử biên niên của người bản xứ và ở một khía cạnh nào đó nó còn khách quan, khoa học hơn. Và từ những tác phẩm này, độc giả được biết thêm nhiều mặt của đời sống chính trị xã hội Đại Việt vào thế kỷ 17-18, qua nhãn quan của người phương Tây. Hơn nữa, độc giả còn được tiếp cận những thông tin về đối tượng hiếm khi được sử sách trong nước nhắc tới, đó là hoạn quan và vị trí, vai trò của họ trong đời sống chính trị thời bấy giờ.
|
Một viên hoạn quan nhiều quyền thế. Hình ảnh cắt ra từ phim Thằng Cuội, 1989.
|
Nhiều người có địa vị cao tự thiến để trở thành hoạn quan
Trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng ngoài, J. Richard cho biết, phần lớn hoạn quan được tuyển vào cung vua phủ chúa đều là những người dị tật bẩm sinh mất đi khả năng làm đàn ông ngay từ nhỏ (hoặc do tai nạn mất bộ phận sinh dục). Những trường hợp này sau khi được gia đình khai báo, sẽ thuộc quản lý nuôi dưỡng của nhà nước, còn gia đình sẽ hưởng một số quyền lợi ưu tiên. Khi đến tuổi có thể làm được những công việc cần thiết, họ sẽ được triệu vào cung để phục dịch vua chúa.
J. Richard cũng cho biết, vào thời kỳ chúa tin dùng hoạn quan, nhiều người có địa vị cao, đang trong độ tuổi trưởng thành và là bố của nhiều trẻ con, tự biến mình thành hoạn quan để tiếp cận chúa, chiếm lòng tin của ông ta và bằng cách đó để leo lên những địa vị cao hơn. Đã có một số người chết sau lần dao kéo đau đớn này.
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720-1729), trong hàng quan lại, ngoài Văn ban và Võ ban (cùng bộ máy giúp việc Lục phiên thuộc phủ chúa, tương ứng với Lục bộ của vua, thâu tóm mọi quyền lực), chúa Trịnh Cương còn đặt ra Giám ban với các chức: Tổng thái giám, đứng đầu Giám ban, hàm Chánh tam phẩm (ngang với Đô Ngự sử, chỉ đứng sau Thượng thư hàm Tòng nhị phẩm); Đô thái giám hàm Tòng tam phẩm; Thái giám hàm Chánh tứ phẩm; Thiếu thái giám hàm Tòng tứ phẩm; Đồng trị giám sự hàm Chánh ngũ phẩm; Tả hữu thiếu giám hàm Tòng ngũ phẩm (hơn quan Tri phủ tại địa phương hàm Tòng lục phẩm đến hai bậc).
Phẩm trật đã lớn, thực quyền của hoạn quan còn quan trọng hơn, vào thời kỳ này hoạn quan còn được trực tiếp tham gia chính sự. Ở Đàng Trong, tình hình tương tự, các chúa Nguyễn cũng rất sủng ái và tin dùng hoạn quan.
Theo tường thuật của Jean Koffler, y sĩ riêng của chúa Nguyễn (sách Xã hội Việt Nam quan bút ký của người nước ngoài, tác giả: nhà nghiên cứu Lê Nguyễn): Tại vương phủ, có 3 thái giám quyền uy cao nhất. Viên Tổng thái giám giữ quyền quản lý ngân khố, các khoản cho của vương phủ, phủ Tôn nhơn và của phi tần. Hai thái giám khác phụ trách thương mại và chỉ có họ mới bán cho người nước ngoài những mặt hàng quan trọng như vàng, sắt, ngà voi...
Chúa tin dùng hoạn quan vì lợi ích, không đếm xỉa đến hậu họa ra sao
Trong tác phẩm Mô tả vương quốc đàng ngoài, Samuel Baron cho biết chúa đặt quá nhiều tin tưởng vào lũ hoạn quan vô dụng và đánh đổi quá nhiều điều chỉ lấy một số lợi ích nho nhỏ từ đám người này.
Bằng giọng mỉa mai, khinh bỉ, Samuel Baron viết: "Bọn hoạn quan - thật là giống sâu bọ của loài người, những loài ký sinh, những kẻ chỉ biết nịnh bợ vua chúa - đông tới 400 hoặc 500 tên trong triều đình. Chúng rất kiêu căng và hống hách, vô lý khiến người dân vừa e ngại, vừa ghét cay ghét đắng chúng. Thế mà vua và chúa lại ưu ái chúng, dùng chúng vào hầu hết công việc trong nội cung và cả trong các vấn đề quốc gia đại sự".
Đề cập đến bước tiến thân của hoạn quan, Samuel Baron cho hay những hoạn quan trẻ tuổi thường làm phục dịch và những công việc tẻ nhạt là cùng với đám hầu gái được phép ra vào chốn hậu cung để phục vụ vua chúa và các cung tần mỹ nữ. Sau khoảng 7 đến 8 năm phục vụ, họ sẽ từng bước tiến thân lên các vị trí và thậm chí được đặt vào những vị trí danh vọng như quan đầu tỉnh hoặc tướng lĩnh quân đội. Trong khi đó, nhiều người xứng đáng hơn nhiều, như các quan văn và quan võ thì lại bị thất sủng và rơi vào cảnh bần hàn.
Samuel Baron cho rằng việc chúa cất nhắc, tin dùng hoạn quan không phải xuất phát từ tài năng hay tiếng tăm mà là từ những lợi ích của những tên này đem lại (không đếm xỉa đến hậu họa ra sao). Khi những tên này chết, những của cải chúng tích lũy bằng những thủ đoạn xấu xa sẽ thuộc về chúa. Kể cả phụ thân và mẫu thân của tên này còn sống thì chúa vẫn là người thừa kế chính thức.
Samuel Baron cũng nói đến hậu quả của việc chúa quá tin dùng hoạn quan, khi nhắc tới trường hợp Ong-Ja-Tu-Le (Ông già Tư lễ), tức hoạn quan Hoàng Nhân Dũng, mà sử ta chép là có âm mưu nổi loạn dưới thời chúa Trịnh Tráng, bị phát giác và bị xử tử. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: (Năm 1653), Nhân Dũng là tên hoạn quan được yêu, làm đến chức chưởng Tư lễ giám, thiếu bảo, tước quận công, được ban họ tên là Trịnh Lãm. Quyền lộc to quá, ngày càng kiêu căng, phóng túng, ngầm mưu với thủ hạ là Trần Nhân Liễn nuôi giấu người có yêu thuật là Tuyên Đức để xướng khởi loạn. Việc bị phát giác, đưa xuống triều thần xét tội. Nhân Dũng bị chém bêu đầu, bọn Nhân Liễn, Tuyên Đức đều bị lăng trì, thị chúng.
Còn trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng ngoài, J. Richard đề cập đến trường hợp chúa Trịnh Giang vì quá tin lời hoạn quan Hoàng Công Phụ, nên đã cách ly hoàn toàn với thế giới, để cho viên này tác oai tác quái. Trịnh Giang vốn bị sét đánh suýt chết, mắc bệnh kinh quý, tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Hoàng Công Phụ cho đào đất làm cung Thưởng Trì dưới hầm cho Giang ở. Chúa ở hẳn dưới hầm, không còn biết việc triều chính. Sau triều thần phủ liêu phải đứng lên lập Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, sau đó triệt hạ phe cánh Hoàng Công Phụ. Cũng kể từ đây Giám ban bị bãi bỏ hẳn.
Theo Minh Châu/Zing