Suốt 16 tháng trong Thế chiến II, Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg thuộc Liên bang Nga) chật vật để tồn tại trong vòng vây siết chặt do quân đội Đức và Phần Lan thiết lập. Sợi dây duy nhất kết nối thành phố này với phần còn lại của Liên Xô là “Con đường sống” chạy qua mặt hồ Ladoga đóng băng. Tuy nhiên, tuyến đường đó cũng không thể đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của một thành phố lớn.
|
Xây đường sắt cứu đói Leningrad. Ảnh: RBTH. |
Nhiều nỗ lực gỡ bỏ phong tỏa thành phố "đói" Leningrad đều thất bại. Cuối cùng, phải đến đầu năm 1943, Hồng quân mới thành công. Vào ngày 18/1 năm đó, trong “Chiến dịch Tia lửa”, quân đội Xô viết đã đột phá bờ Nam hồ Ladoga, thiết lập một hành lang đất dài 33km và rộng chỉ 11km, nối thành phố bị vây hãm thời gian dài này với đất liền.
Thành phố Leningrad đang tuyệt vọng chờ đợi những chuyến tàu chở thực phẩm. Chiến trận vẫn chưa kết thúc, nhưng các đơn vị của Liên Xô đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt ở đây, với cái tên chính thức là “Đường chiến thắng”. Trong khi đó, rất nhiều người biết đến nó bằng một cái tên khác - “‘Hành lang tử thần”.
Nhiệm vụ khó khăn
Dù cố gắng hết sức, Liên Xô vẫn không thể mở rộng được phần đầu cầu vừa được giải phóng và đành phải dựa vào một dải đất hẹp để lắp đặt đường ray xe lửa.
Từ vùng đất cao Sinyavinskiye (do quân địch chiếm giữ, Hồng quân mãi đến tháng 9/1943 mới giành lại được), có thể nhìn thấy rõ dải đất đó có địa hình cực kỳ gồ ghề, bùn lầy và luôn phải hứng chịu hỏa lực của địch.
Giữa những trận bão tuyết và pháo kích liên tục, công việc xây dựng bắt đầu vào ngày 22/1- chỉ 4 ngày sau khi thế phong tỏa của Đức bị phá vỡ.
“Tuyết rơi dày, ngập đến thắt lưng, đóng băng, nước chảy róc rách dưới tuyết”, Thiếu tá Yashchenko - Chỉ huy tiểu đoàn đường sắt 57 nhớ lại. “Các phương tiện đều không thể vượt qua. Túi chiến lợi phẩm được mang ra sử dụng. Mọi người đổ đất vào hố và kéo trên vai đến khu vực đường ray xe lửa. Đất cũng được vận chuyển trên xe trượt tuyết. Thậm chí, chúng tôi còn sửa lại một cỗ xe ngựa Đức để vận chuyển đất. Chúng tôi đã dựng kè, nhưng nó cũng lún dần xuống đầm lầy. Chúng tôi phải đặt đá phiến lên than bùn trước rồi đổ đất lên trên. Mọi người phải làm việc cả đêm lẫn ngày để kịp tiến độ”.
Ngoài ra, phải bắc đường sắt qua sông Neva. Vào ngày 24/1, việc xây dựng một cây cầu tràn (sát mặt nước) đã được tiến hành. Một thời gian sau, Liên Xô xây thêm một cây cầu khác nữa ở vị trí cách đó 500m xuôi xuống hạ lưu. Cầu này cao 8m, cho phép tàu thuyền có thể đi lại bên dưới.
Phát xít Đức không ngừng tấn công các cây cầu này. Khi một trong hai cầu bị hư hỏng cần sửa chữa, cây cầu còn lại liền được đưa vào hoạt động.
“Hành lang tử thần”
Chuyến tàu vận chuyển lương thực đầu tiên đến được thành phố Leningrad vào ngày 7/2. Các chuyến tàu xuất phát vào ban đêm và hàng hóa cũng được vận chuyển theo hướng ngược lại - các nhà máy còn hoạt động trong thành phố Leningrad không ngừng cung ứng hàng hóa quân sự cho tiền tuyến.
Nhiều thợ xây, công nhân và bảo vệ của tuyến đường sắt chuộng sử dụng cái tên “Hành lang tử thần” hơn cả cái tên chính thức. Trong quá trình xây dựng, không có ngày nào là không có hàng chục người hy sinh dưới làn đạn quân Đức.
Thậm chí, ngay cả khi tuyến hậu cần quan trọng này hoạt động đầy đủ thì vẫn có người thiệt mạng. Để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất, các nữ nhân viên điều tiết giao thông đã sử dụng đèn lồng để che mắt kẻ địch, cảnh báo lái tàu về đoạn đường ray bị hư hại hoặc có đoàn tàu bị địch phá hủy ở phía trước.
Phần nguy hiểm nhất của tuyến đường nằm ở kilomet thứ 30, nơi chuyển tiếp giữa rừng và cánh đồng nhiều bụi cây thấp. Tại đó, những đoàn tàu Liên Xô hiện lên rõ mồn một, buộc các lái tàu phải lái thật nhanh qua đây.
Lái tàu Vasily Eliseev hồi tưởng: “Chúng tôi vận hành theo cách sau: Tăng tốc khi băng qua cánh rừng và đóng bộ điều chỉnh khi đến khu đất trống…"Lúc ấy, than trong lò được đốt đến mức không tỏa khói. Đầu máy xe lửa trong trạng thái không khói và hơi nước đi thêm được một kilomet, tới chỗ có dốc và tàu sẽ trượt đi vài kilomet nữa nhờ quán tính. Sau đó, chúng tôi buộc phải mở van hơi nước. Khi thấy thế, bọn phát xít lập tức nổ súng. Một lần nữa, đoàn tàu lại tăng tốc, rồi chúng tôi lại đóng bộ điều chỉnh và để tàu chạy theo quán tính. Bọn Quốc xã mất phương hướng nên ngừng bắn cho đến khi thấy lại được mục tiêu. Và người lái tàu không ngừng lặp lại thao tác này, đùa giỡn với tử thần”.
Khi mùa xuân đến, tuyết tan là kẻ thù tiếp theo bên cạnh lính Đức. “Đường chiến thắng”, trước đó được đặt vào mùa đông trên những đầm lầy và suối đóng băng, thì nay bắt đầu bị ngập nước. Ngày lẫn đêm dưới hỏa lực địch, công nhân vẫn miệt mài khôi phục nền đường sắt, còn đoàn tàu phải “ngụp lặn” qua làn nước như thể loài lưỡng cư.
Đóng góp vô giá
Leningrad ngay lập tức cảm nhận được giá trị của “Đường chiến thắng”. Một chuyến tàu qua tuyến đường sắt này mang đến cho thành phố thực phẩm nhiều hơn mức được vận chuyển theo “Con đường sống” trong cả một ngày.
Từ tháng 2/1943, cho đến khi dỡ bỏ hoàn toàn thế phong tỏa thành phố (tháng 1/1944), 4.729 chuyến tàu đã chạy dọc qua tuyến đường sắt độc nhất vô nhị này. Nó chiếm đến 75% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển đến thành phố, 25% còn lại được vận chuyển thông qua hồ Ladoga.
“Đường chiến thắng” ngưng hoạt động sau khi dịch vụ đường sắt được khôi phục trên các vùng lãnh thổ giải phóng vào tháng 3/1944. Trong thời kỳ hoạt động của tuyến đường sắt này, có tới 1.500 đầu máy xe lửa đã bị địch phá hủy. Riêng số công nhân đường sắt ngã xuống đã lên tới gần 200 người; còn số lượng thợ xây, quân nhân và dân thường sơ tán hy sinh cho tuyến đường, cho tới tận ngày nay là không tính được.
Theo VOV