Mỗi lần 1 bí mật về lực lượng biệt động Sài Gòn được hé lộ là thêm nhiều huyền thoại. Hệ thống hầm trú ém vũ khí được xây dựng ngay giữa Sài Gòn nhằm nuôi giấu cán bộ ra vào nội thành và chứa vũ khí đánh vào các mục tiêu trọng điểm trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ vừa tiếp tục được phát hiện và khơi mở vào cuối năm 2017 là một điển hình.
Với phần lớn người đương thời và có lẽ là cả những nhà quân sự tài giỏi trên thế giới cũng khó có thể tưởng tượng rằng, nửa thế kỷ đã qua nhưng trong nhiều căn nhà phố nằm rải rác trên nhiều tuyến đường Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh vẫn đang tồn tại một hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất hay hầm nổi trên tầng áp mái với những lối thoát được ngụy trang vô cùng thông minh trong tường nhà, đáy tủ, thậm chí là cả… chân cột nhà.
Một trong số tác giả của hệ thống công trình vô cùng đặc biệt này là “gia đình biệt động” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Văn Lai, những người được cho là nguyên mẫu trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Việt Nam – “Biệt động Sài Gòn”. Người đang tiếp tục tìm kiếm, khai mở, phục hồi hệ thống hầm ngầm này là anh Trần Vũ Bình – 1 trong 6 người con của ông Trần Văn Lai.
|
Anh Trần Vũ Bình và người thân bên di tích 113A Đặng Dung vừa được phục dựng. |
Thực ra, câu chuyện xây dựng hệ thống hầm trú ém giữa Sài Gòn phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của cựu biệt động Trần Văn Lai đã được hé mở phần nào từ năm 1988, khi căn nhà nhỏ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Đây cũng là một trong những địa chỉ đỏ nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh mà du khách trong và ngoài nước, các đoàn học sinh, sinh viên cả nước thường xuyên đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Tuy nhiên, thông tin về tác giả của căn hầm từng chứa hơn 2 tấn vũ khí và là nơi trú ém của gần 20 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 5 biệt động – những người trực tiếp đánh thẳng vào Dinh Độc Lập trong đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 chỉ vỏn vẹn có vài dòng ngắn ngủi là ông Trần Văn Lai – cựu biệt động Năm Lai.
Mãi đến khoảng năm 2014-2015, khi hồ sơ phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho ông Trần Văn Lai được thông qua, những bức màn bí mật quanh khoảng thời gian ông từng “tung hoành” trong lòng địch dưới vỏ bọc hoàn hảo của ông chủ thầu khoán Dinh Độc Lập, tỷ phú Mai Hồng Quế hay Năm U.S.O.M mới được công khai rộng rãi hơn.
Lục lại ký ức về người cha biệt động Sài Gòn, anh Trần Vũ Bình kể rằng, sau ngày đất nước thống nhất, tỷ phú Mai Hồng Quế chỉ như chiếc bóng xa mờ, thấp thoáng đâu đó trong các câu chuyện của má anh, các đồng đội cũ của ba anh. Thay vào đó là hình ảnh cha anh nhẫn nại thiết kế máy xay cua, xay rau má, tranh thủ giữ xe ngoài chợ Tân Định, phụ giúp vợ kiếm thêm thu nhập nuôi con.
Trong suy nghĩ của cậu con trai mới lớn Trần Vũ Bình ngày ấy chỉ toàn những thắc mắc: Sao cha mình kỳ lạ thế? Người ta kiếm tiền mua nhà lầu xe hơi cho sang chảnh còn ông cứ rảnh rỗi là lại lúi húi về chăm sóc căn nhà nhỏ, cũ kỹ trong khu chợ Vườn Chuối (di tích lịch sử quốc gia tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu sau này).
Ông trân quý căn nhà đến độ lau dọn thường xuyên nhưng không cho gia đình ở, không cho sửa chữa bất kỳ hạng mục nào, kể cả cánh cửa sắt lỗ chỗ vết đạn. Người sống trong nhà cũng không phải họ hàng thân thích mà là ông Dương Văn Châm.
Vì hờn giận cha, vì sự hiếu thắng của tuổi mới lớn, như một hành vi thách thức, Trần Vũ Bình về ở lì trong ngôi nhà này. Sau đó, anh bất ngờ khám phá ra căn hầm ngay dưới nền nhà và ông Dương Văn Châm chính là một trong những người trung thành với ba anh từ ngày ông còn hoạt động dưới vỏ bọc chủ thầu khoán ở “Phủ đầu rồng”.
|
Đáy tủ gỗ được thiết kế là một trong những lối thoát hiểm của biệt động thành. |
Khi căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, những người lính biệt động năm xưa hoạt động cùng cha anh vui mừng tụ họp. Qua câu chuyện của các bậc cha chú và kết hợp một số tài liệu đọc lén của ba, anh Bình được biết, 2 căn nhà 2 bên di tích và 1 căn khác trên đường Võ Văn Tần gần đó đã từng được ông mua, thiết kế thành hệ thống hầm ngầm, hầm nổi để làm nơi trú ém quân và vũ khí, phục vụ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.
Lý do phải mua nhà liên hoàn như thế vì khi đào hầm bên dưới, đục đẽo, xây cất ồn ào, nhà hàng xóm sẽ chú ý, lỡ có ảnh hưởng tường nhà người ta sẽ bị kiện, dễ lộ. Chưa kể, diện tích hầm nhỏ thì không thể đáp ứng yêu cầu là chứa vài tấn vũ khí và vài chục con người trong nhà cùng lúc…
Sau Tết Mậu Thân 1968, địch điều tra, phát hiện điểm xuất quân đánh Dinh Độc Lập là mấy căn nhà do chủ thầu khoán Mai Hồng Quế sở hữu nên tổ chức bố ráp, phát lệnh truy nã và treo thưởng đặc biệt cao cho bất kỳ ai cung cấp thông tin, bắt, giết được ông. Sợ Việt Cộng còn ẩn náu trong nhà, địch dùng súng bắn thả giàn vào cửa sắt căn nhà 287/70.
Đến nay, khách đến tham quan di tích vẫn thấy những vết đạn lỗ chỗ trên cửa. Nhưng, có một điều khá bất ngờ là địch đã tìm ra địa điểm này và vào tận trong nhà mà không hề biết bên dưới có hệ thống hầm ngầm được ông Lai xây dựng kiên cố.
Căn nhà sau đó được giao cho một sĩ quan Ngụy sử dụng. 2 căn bên cạnh được bán lại cho 1 người là Ấn kiều và một người là Hoa kiều. Sau khi đất nước thống nhất, ông Lai lấy lại được căn nhà ở giữa, gìn giữ làm di tích.
Năm 2002, ông Trần Văn Lai về nơi chín suối. Mấy thùng tài liệu của cha, anh Trần Vũ Bình được tự do đọc, tìm hiểu nên phát hiện, ngoài các căn nhà đã nghe cha kể, tại khá nhiều nhà khác ông cũng xây hầm trú ém vũ khí, cất giấu phương tiện phục vụ tấn công các trọng điểm trong thành phố dịp Tết Mậu Thân 1968.
Theo di nguyện, phải 3 năm sau ông mất, những người đang sinh sống trong các căn nhà này mới công bố cho các con của ông biết. Khá nhiều gia đình ấy từng là người thân quen của ông Lai, thậm chí từng kề vai sát cánh hoạt động cùng ông.
Đúng giao hẹn, năm 2005, một số gia đình đến thông báo về tình trạng nhà và bàn cách giải quyết. Vì các căn nhà đều này đang được các hộ sử dụng ổn định nên gia đình không thể vô duyên vô cớ lấy đi làm di tích.
Nhưng, nhớ niềm vui của các cha chú khi có nơi có chốn để về ôn lại chuyện xưa, mong muốn khám phá nhiều hơn nữa về người cha và xa hơn là quãng đời hoạt động của một thế hệ đã làm nên nhiều huyền thoại đẹp, anh Trần Vũ Bình quyết tâm tìm mua lại các căn nhà cũ.
Vừa tích cóp tiền mua vừa tìm hiểu thêm, chỉ có điều, càng gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện, anh lại càng khám phá ra nhiều bí mật mà cha anh đã giấu kín. Trong đó, hệ thống hầm ngầm, hầm nổi, hộp thư bí mật trong quán cơm tấm Đại Hàn, 113A Đặng Dung là một trong những kỳ quan của biệt động thành.
Quán cơm nằm sát vách nhà của tên tướng khét tiếng - Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và đối diện cao ốc Đại Hàn…
Sau hơn 10 năm mua trả góp, năm 2017, anh Trần Vũ Bình chính thức sở hữu quán cơm. Dù đã tìm hiểu được ít nhiều về hệ thống hầm ngầm nhưng ngày khui hầm, anh vẫn sửng sốt khi phát hiện những “phát minh” đúng kiểu độc nhất của những người lính biệt động: Chiếc cột nhà thực ra là vật ngụy trang cho 1 hộp thư bí mật. Chiếc tủ gỗ ở góc phòng là một lối thoát hiểm.
Nếu “có động”, người trong nhà chỉ việc lật tấm ván dưới đáy tủ, leo xuống thang dây và thoát ra con phố sau nhà. Khu đựng các đồ nghề của ông thầu khoán trên phần áp mái thực ra là căn hầm nổi rất kín đáo. Dưới lòng nhà là hầm ngầm. Ngày khui hầm, bên trong vẫn còn nguyên những chiếc lon gỉ sét để đựng tiền, vàng, thuốc men mà lực lượng biệt động chuẩn bị để chuyển về vùng kháng chiến.
Cũng sau hơn 10 năm theo đuổi, năm 2017, anh Trần Vũ Bình đã nhận chuyển nhượng thành công căn nhà kế bên di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 7-1-2018, ê kip khui hầm thêm một lần sửng sốt khi căn hầm dưới nhà 287/72 rộng đến hơn 30m², liên thông với di tích vẫn còn nguyên những chiếc hòm quân dụng Mỹ gồm bao đựng đạn, thùng đựng đạn, rương gỗ, đèn dầu, ghế sắt, xà beng Mỹ.
Các túi quân trang quân dụng lính Mỹ còn nguyên máy radio, mặt nạ hình đầu trâu mà chính quyền cũ dùng, nay đã bị mục rạn. Đặc biệt hơn nữa là có một đường thoát hiểm đi từ dưới hầm lên mặt đất qua đường rỗng trong cột ngụy trang sát nhà bếp rồi tiếp tục thoát lên tầng 2. Lối thoát ra tầng 2 là đáy tủ quần áo. Từ tầng 2 thoát lên tầng 3 là chỗ phơi quần áo. Từ đây, người trốn trong nhà có thể tiếp tục thoát ra hẻm phía sau nhà.
Anh Trần Vũ Bình còn cho biết, chỉ riêng khu vực quận 3, TP Hồ Chí Minh hiện nay, ba anh đã bố trí 5 điểm. Trong đó, 3 căn nhà 287/68, 287/70/287/72 Nguyễn Đình Chiểu liên thông với nhau, là nơi trú ém vũ khí đánh Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ năm 1968. Nhà 314/3 Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần hiện nay) cũng là hầm chứa vũ khí và ém 1 số chiến sĩ Đội 5 đánh Dinh Độc Lập, trong đó có Đội trưởng Nguyễn Văn Hai.
Căn nhà số 300 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) được bố trí làm nhà nệm. Đây cũng là bình phong để quan sát, nếu thấy lính khám xét là báo động về cho người trong 3 căn nhà ở Nguyễn Đình Chiểu và nhà 314/3 Võ Văn Tần. Hiện tại, anh và gia đình đã thiết kế các phù điêu cho các di tích. Các phù điêu đã được thông qua. Trong đó, phù điêu cho di tích tại 287/70 là Dinh Độc Lập. Phù điêu của 2 căn bên cạnh là tòa Đại sứ Mỹ và Đài phát thanh bị đánh bộc phá lởm chởm.
Theo tư liệu và lời kể của nhân chứng, anh còn tìm được khá nhiều căn nhà khác có hệ thống hầm trú ém hoặc gắn với hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn ở trên địa bàn nội thành cũng như Củ Chi và tỉnh Long An... Hiện tại, anh đang cố gắng tìm cách phục hồi, sắp xếp lại thành một chuỗi di tích để các thế hệ sau còn có dịp tìm hiểu về quá khứ của cha anh, biết được họ đã sống và chiến đấu như thế nào để trân trọng những giá trị của cuộc sống hòa bình mà chúng ta đang có…
Theo Hoa Nguyễn / CAND