Bát Hổ Tiên Phong Sứ Lương Sơn Bạc gồm những ai?
Sau khi Lương Sơn Bạc tụ hội đủ 108 vị anh hùng “Thế Thiên Hành Đạo”, thì ngoài việc phân chia thứ hạng, anh đại Tống Giang cũng sắp xếp chức vụ công việc cụ thể cho từng (nhóm) hảo hán. Từ cao xuống thấp những chức vụ quan trọng nhất lần lượt là:
|
Bát Hổ Tiên Phong Sứ của Lương Sơn Bạc. |
2 Tổng binh Đô đầu lĩnh (Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa), 2 quân sư (Ngô Dụng, Công Tôn Thắng), 2 tổng quản tiền lương (Sài Tiến, Lý Ứng), 5 Hổ tướng mã quân (Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Duyên Chước, Đổng Bình), 1 Tổng quản do thám (Đới Tung), 1 Tham tán quân vụ (Chu Vũ), rồi 10 Bộ quân đầu lĩnh, 8 Thủy quân đầu lĩnh.
Cuối cùng trong nhóm “Thượng” của Lương Sơn chính là 8 viên Mã Quân Đại Phiêu Kỵ - Bát Hổ Tiên Phong Sứ bao gồm: Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, Kim Sang Thủ Từ Ninh, Thanh Diện Thú Dương Chí, Cấp Tiên Phong Sách Siêu, Một Vũ Tiễn Trương Thanh, Mỹ Nhiệm Công Chu Đồng, Cửu Vân Long Sử Tiến và Một Già Lan Mục Hoằng.
Hành trình lên Lương Sơn của nhóm Bát Hổ Tiên Phong Sứ, không ai giống ai, vô cùng đa dạng. Hoa Vinh là Tiên phong gia nhập “Bến nước” sớm nhất, còn người góp mặt sau cùng là Trương Thanh. Có những người tự nguyện tới Lương Sơn như Hoa Vinh, Sử Tiến, Mục Hoằng. Lại có những nhân vật bị chính đầu não của Lương Sơn ép đến tuyệt lộ mà phải nhập bọn (Từ Ninh, Chu Đồng).
Lại có hảo hán từng có oán thù với nhóm thủ lĩnh Lương Sơn đời đầu nhưng dòng đời đưa đẩy cuối cùng vẫn phải tặc lưỡi tới “Bến nước”, chính là Dương Chí. Hai người còn lại, Sách Siêu và Trương Thanh là tướng triều đình, thua trận, bị bắt rồi quy hàng Tống Giang mà nhập bọn.
Chức vụ là Tiên Phong, tức thường xuyên xung trận hàng đầu nên dĩ nhiên Bát Hổ Tiên Phong Sứ là nhóm đầu lĩnh phải đối mặt với hiểm nguy nhiều nhất. Và kết cục của nhóm này, trong trận chiến cuối cùng của nghĩa quân Lương Sơn – dẹp loạn Phương Lạp – đa phần là vô cùng bi thảm.
Từ Ninh: Mất mạng vì tên độc
Tiên phong đầu tiên tử trận chính là Kim Sang Thủ Từ Ninh. Hồi 114, Tống Giang chia quân 3 đạo tiến đánh Hàng Châu. Từ Ninh thuộc nhóm đánh cửa Bắc Quan. Và đây là hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Từ Ninh:
“Bọn Từ Ninh thấy cổng thành mở toang bèn đi về phía cầu treo xem xét. Bỗng nghe một tiếng trống vang lên trên mặt thành, một đội quân mã từ trong phóng ra. Từ Ninh và Hách Tư Văn định quay ngựa chạy thì từ phía con đường tắt đi sang cửa tây có tiếng quân lính reo hò, rồi hơn một trăm quân kỵ phi ngựa lao đến. Từ Ninh ra sức chống cự, đánh thoát khỏi vòng vây… lại thấy Hách Tư Văn bị quân giặc bắt trói sắp đưa vào thành. Từ Ninh chưa kịp quay lại thì bị trúng tên vào đầu, đành phải để cả mũi tên mà chạy về… Từ Ninh may gặp Quan Thắng nên mới thoát được. Khi đến doanh trại thì ngã ngất”
Còn đây là đoạn miêu tả cái chết của họ Từ: “Khi Tống Giang đến thăm thì Từ Ninh đã bị ứa máu khắp tai, mắt, miệng, mũi. Tống Giang rơi nước mắt gọi thầy thuốc đến chạy chữa… Vào khoảng canh ba đêm ấy thì Từ Ninh hôn mê, bấy giờ mới biết mũi tên có thuốc độc… Từ Ninh được đưa về Tú Châu điều trị nhưng vì thuốc độc đã ngấm sâu nên không chữa khỏi, nửa tháng sau qua đời”.
Sách Siêu: Chết dưới tay đại Nguyên soái của Phương Lạp
Vẫn trong lần công thành Hàng Châu, Tống Giang cùng 21 chánh phó tướng tiến đánh vào đường lớn ở cửa Bắc Quan, thêm một Tiên phong của Lương Sơn tử trận. Hồi 115 Thủy Hử viết rất chi tiết cái chết của Sách Siêu trong trận giao chiến với Nguyên Soái phía Phương Lạp – Thạch Bảo như thế này:
“Nguyên suý giặc là Thạch Bảo cưỡi ngựa tiến ra trước. Bên trận quân Tống, Cấp Tiên Phong Sách Siêu vốn nóng nẩy vội vung búa lớn, chẳng nói nửa câu, phóng ngựa chận đánh Thạch Bảo. Hai tướng ngồi trên ngựa quần nhau chưa đầy mười hiệp, Thạch Bảo đâm dứ một đường rồi quay ngựa bỏ chạy. Sách Siêu liền tế ngựa đuổi theo. Quan Thắng thấy vậy liền lớn tiếng gọi lại, nhưng ngay lúc ấy Sách Siêu đã bị Thạch Bảo đánh một chùy lưu tinh trúng mặt lăn nhào xuống ngựa”.
Trương Thanh: chết thảm vì cứu Đổng Bình
Hồi 115, Lư Tuấn Nghĩa đem quân tiến đánh ải Độc Tùng, có đoạn viết: “Đổng Bình không báo cho Lư tiên phong biết, bàn riêng với Trương Thanh rồi hai người đi lên trước cửa ải thách đánh. Lệ Thiên Nhuận cùng phó tướng Trương Thao mở cửa ải ra giao chiến. Đổng Bình muốn bắt sống Lệ Thiên Nhuận liền nâng thương xông đến. Lệ Thiên Nhuận cũng dùng thương dài tiến đánh Đổng Bình. Hai người giao chiến hơn mười hiệp. Đổng Bình sốt ruột muốn báo thù, nhưng tay trái còn đau không cầm thương được đành phải lui xuống núi”.
Và đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết đáng tiếc của tay đệ nhất ném đá Lương Sơn cùng huynh đệ Đổng Bình: “Lệ Thiên Nhuận đuổi theo xuống quá cửa ải, Trương Thanh dồn sức đâm tới, nhưng Lệ Thiên Nhuận kịp né người ra sau cây thông tránh được. Ngọn giáo trong tay Trương Thanh cắm phập vào gốc thông. Trương Thanh dùng hết sức nhưng không nhổ giáo ra được, bị Lệ Thiên Nhuận phóng thương đâm trúng ngực ngã gục tại chỗ. Đổng Bình thấy Trương Thanh bị giết vội múa song thương đến đánh, không ngờ lúc ấy Trương Thao từ phía sau lia ngang một đao chém Đổng Bình đứt đôi làm hai đoạn”.
Sử Tiến: tử trận bởi mũi tên của Bàng Vạn Xuân
Hồi 118, nhân chuyện đại quân của Lư Tuấn Nghĩa tiến sát cửa ải Dục Linh – nơi được trấn giữ bởi đại tướng Phương Lạp có tên Bàng Vạn Xuân, hiệu Tiểu Dưỡng Do Cơ, có tiếng là tay thiện xạ bậc nhất Giang Nam. Chính Bàng Vạn Xuân là kẻ đã một tên hạ sát Cửu Vân Long Sử Tiến – một trong 8 Bát Hổ Tiên Phong của Lương Sơn.
Cụ thể như sau: “Bấy giờ bọn Sử Tiến cưỡi ngựa chiến, còn lại đều là quân bộ dàn hàng tiến đến dưới cửa ải. Không thấy bóng một tên quân nào của Phương Lạp. Sử Tiến đã có ý ngờ, vội cùng các tướng bàn bạc. Mưu kế chưa định xong, quân đã đến trước cửa ải. Nhìn lên thấy trên ải dựng cây cờ trắng thêu tua màu. Đứng dưới cờ là đại tướng Tiểu Dưỡng Do Cơ Bàng Vạn Xuân”.
… “Bàng Vạn Xuân nói chưa dứt, bỗng một mũi tên bay vèo ra, Sử Tiến lăn xuống ngựa… Lại nghe trên đỉnh núi vang lên tiếng thanh la, rồi từ hai phía rừng thông, tên bắn ra tới tấp. Bọn Thạch Tú, Trần Đạt đành bỏ Sử Tiến lại, tìm đường thoát thân. Đến đầu núi lại bị bọn Lôi Quýnh và Kế Tắc từ hai bên sườn núi bắn tên ra như mưa, dẫu là kẻ anh hùng lỗi lạc cũng không tránh nỗi. Bọn Sử Tiến, Thạch Tú sáu người bị bắn chết, thây chồng dưới cửa ải”.
Mục Hoằng, Dương Chí chết bệnh trong chiến dịch đánh Phương Lạp
Sau khi bắt sống được Phương Lạp, Tống Giang và các đầu lĩnh sửa soạn đưa quân về kinh thì được tin: “Không ngờ bọn sáu người Trương Hoành, Mục Hoằng bị ốm nằm lại ở Hàng Châu, Chu Phú, Mục Xuân phải ở lại coi sóc, tất cả là tám đầu lĩnh, sau vì bệnh nặng mà chết chỉ còn Dương Lâm và Mục Xuân tìm về được với đại quân”. Như vậy Một Già Lan Mục Hoằng, bị dịch bệnh mà không qua khỏi.
Trước đó, trong trận Tô Châu, khi giao chiến với Phương Thiên Nhuận, Dương Chí bị chặt đứt mất chân trái. Từ đó Dương Chí phải khiêng trên cáng ở chiến trường. Còn đây là đoạn viết ngắn nhắc đến cái chết của Thanh Diện Thú ở hồi 119: “Quan huyện Đan Đồ lại gửi văn thư đến báo tin Dương Chí bệnh nặng chạy chữa không khỏi, đã chết, thi hài mai táng ở vùng núi trong huyện”.
Hoa Vinh: Tự sát bên mộ Tống Giang
Sau khi nhậm chức được nửa năm, Tống Giang bị bọn gian thần Sái Kinh, Dương Tiễn, Cao Cầu, Đồng Quán lừa uống rượu độc mà chết, an táng ở đầm Lục Nhi, phía nam thành Sở Châu. Hoa Vinh (và cả Ngô Dụng) được hồn Tống Giang báo mộng đã lên đường đến đầm Lục Nhi. Tại đây, cả hai người cùng nhau nguyện chết theo huynh trưởng.
Đây là lời cuối của Tiểu Lý Quảng trước khi chàng và Ngô Dụng treo cổ tự vẫn: “Tiểu đệ ngày đêm tưởng nhớ Tống huynh trưởng, ân tình không dứt được. Anh em chúng ta từ khi lên Lương Sơn Bạc đã đắc tội to, may mà không chết. Đội ơn thiên tử xá tội chiêu an, sai đi đánh nam dẹp bắc để lập công chuộc tội. Nay anh em ta tính danh vinh hiển được thiên hạ biết đến. Thế mà triều đình đã có ý nghi ngờ, tất sẽ bới lông tìm vết mà trị tội. Nếu bọn chúng thi thố mưu gian, khép bọn ta vào tội cực hình thì khi ấy cũng không kịp. Chi bằng theo Tống huynh trưởng cùng xuống suối vàng, thân này tuy mất mà thanh danh còn lưu lại”.
Chu Đồng: Tiên Phong duy nhất có hậu vận tốt
Trong nhóm Bát Hổ Tiên Phong Sứ, Mỹ Nhiệm Công Chu Đồng chính là nhân vật gia nhập Lương Sơn với nhiều ẩn ức và bi kịch nhất. Chu Đồng xuất thân phú hộ bản xứ ở Sơn Đông, làm chức Đô đầu mã binh ở huyện Vận Thành. Không có hảo hán nào mà những đầu lĩnh hàng đầu Lương Sơn phải chịu ơn nhiều như với Chu Đồng.
Chính Mỹ Nhiệm Công là người cố ý thả cho bọn Tiều Cái, Ngô Dụng trốn thoát khi bị quan phủ tróc nã bởi vụ Sinh Thần Cương. Cũng chính Chu Đồng thả cho Tống Giang thoát khi họ Tống gây ra vụ giết Diêm Bà Tích. Sau đó, vẫn Chu Đồng – nhận nhiệm vụ áp giải Lôi Hoành (bị khép tội vì giết ca nữ Bạch Tú Anh) đã thả cho huynh đệ của mình chạy lên Lương Sơn, còn bản thân ở lại gánh tội thay.
Chu Đồng tuyệt nhiên không muốn gia nhập Lương Sơn nhưng rốt cuộc vẫn bị ép đến cùng đường bởi mưu sâu kế hiểm của Tống Giang – Ngô Dụng, đành phải lên bến nước. Có lẽ cái kết trọn vẹn mà Thi Nại Am sắp đặt cho Chu Đồng cũng là sự an ủi cho hảo hán trọng nghĩa khinh tài số 1 của Thủy Hử này.
Hồi 120 có nhắc đến hậu vận của Chu Đồng như sau: “Duy chỉ có Chu Đồng giữ chức Quản quân ở phủ Bảo Định lập được nhiều chiến công. Sau Chu Đồng theo danh tướng Lưu Quang Thế phá quân Kim, được thăng chức Tiết độ sứ quận Thái Bình, viên mãn đến cuối đời”.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt