6 suy nghĩ tiêu cực dễ xuất hiện nhất và cách loại bỏ

Google News

Không ít bạn trẻ tăng các vấn đề tâm lý trong mùa dịch COVID -19, nguyên nhân chính là những khó khăn và thông tin tiêu cực về các sự kiện xã hội.

1 - Tại sao COVID-19 khiến càng nhiều người trẻ mắc các bệnh về tâm lý?

Bạn trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương khi bước vào xã hội đang có nhiều thay đổi. Trong mùa dịch, bao ước mơ bị khép lại, chậm lại, như du học, chọn trường, khởi nghiệp… Nếu không có ước mơ, bạn dễ chán nản. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến một số bạn trẻ hoang mang nhiều hơn trong mùa dịch.

Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan. Khi nhận thức không né tránh điều này, bạn sẽ tránh được bi quan, chấp nhận được hoàn cảnh.

Nhiều bạn bị stress tâm lý vì các số liệu của COVID-19, cảm thấy sợ hãi khi có nhiều ca nhiễm tăng lên, tin giả, tin xấu. Theo chuyên gia tâm lý, việc cập nhật tin tức là cần thiết, tuy nhiên bạn không nên đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực. Việc của mỗi người là tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trong mùa dịch biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể đã là yêu nước.

6 suy nghi tieu cuc de xuat hien nhat va cach loai bo

Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, bạn trẻ nên tận dụng cơ hội để làm những việc có ích. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới, vì đang có rất nhiều khóa học online. Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân. Công việc sẽ xua đi nỗi buồn chán. Người bận rộn không có thời gian để buồn!

Bạn cũng nên tiết chế xem các bộ phim bạo lực, kinh dị, khiêu dâm. Hoạt động tiêu cực sẽ tăng thêm nhiều hành vi xấu. Ngoài ra, bạn cần cách xa những luồng thông tin có hại.

Bạn cũng nên tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc…, vừa giúp ta khỏe hơn, vui hơn, gia tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch. Chị cũng khuyên các bạn trẻ sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân, như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng...

2 - Những tư duy tiêu cực dễ gặp phải nhất

Tư duy bảo thủ

Bạn phân loại mọi thứ bằng màu đen và trắng, không có màu xám. Bạn hành động, phản ứng tự phát đối với những nhận xét, ý kiến và ý tưởng của người khác. Bạn cho rằng, họ sai và bạn bạn đúng. Thay vì lắng nghe đối phương nói thì bạn dồn dập phản ứng lại với quan điểm cứng rắn của mình.

Thay vì tư duy bảo thủ, khép kín, bạn hãy đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe ý kiến, ý tưởng của người khác. Họ có thể biết điều gì đó mà bạn không biết và hãy cân nhắc, lưu ý rằng có thể cả hai đều đúng.

Nghi ngờ bản thân và chần chừ

Bạn luôn nghĩ rằng: “Mình không thể làm được điều này”. Bạn có những ý tưởng tuyệt vời nhưng trong sâu thẳm bạn lo sợ rằng mình không có khả năng thành công. Do đó mà bạn chùn chân, đánh mất nhiệt huyết hành động và mặc nhiên thất bại.

Giải pháp là hãy viết các ý tưởng và mục tiêu của bạn ra giấy, xác định ngày bắt đầu và thời hạn hoàn thành, sau đó chỉ cần thực hiện. Bạn hãy quên đi việc phải thành công. Mục tiêu của bạn là thực hiện các bước hành động lớn và nhỏ, những thành tích liên tiếp của bạn sẽ thúc đẩy bạn, đẩy bạn đến gần hơn với kết quả tích cực.

So sánh bản thân với người khác

Chúng ta sẽ không bao giờ xinh đẹp, tài năng, giàu có hoặc thành công như những người khác. Chúng ta luôn có thể tìm thấy một người mà chúng ta nghĩ rằng tốt hơn mình, giỏi hơn mình nếu chúng ta chủ tâm tìm kiếm điều đó.

Hãy ngừng so sánh bản thân với người khác và tập trung vào điểm mạnh, tài năng và thành tích của bạn dù nhỏ hay lớn. Ngay bây giờ hãy yêu và đánh giá cao con người của bạn chứ không phải là người mà bạn muốn trở thành.

Cảm thấy tội lỗi vì sai lầm, thất bại của bản thân

Bạn tự dằn vặt bản thân vì những thiếu sót của mình. Tất cả chúng ta đều từng thất bại, chúng ta lập kế hoạch quá sơ sài, ước tính quá mức, bỏ lỡ mục tiêu. Chúng ta ăn quá nhiều và chi tiêu quá mức, chúng ta phản ứng quá mức hay phản ứng quá kém. Dằn vặt, đổ lỗi cho bản thân vì những sai lầm nhỏ sẽ chỉ phản tác dụng và tạo ra hình ảnh tiêu cực về bản thân.

Thay vào đó, hãy thừa nhận lỗi của bạn và đánh giá đúng mức độ quan trọng của lỗi lầm đó, sau đó quên nó đi để sẵn sàng tinh thần hướng tới tương lai. Ví dụ “Tôi đã quá nóng nảy với bạn tôi”, hãy xin lỗi và bỏ qua. “Tôi đã ăn quá nhiều và không tập thể dục”, hãy tập thể dục vào ngày mai và luôn giữ sự nhiệt tình của bạn. Viết nhật ký về những thành công của bạn trong cuộc sống, công việc vào tuần trước, tháng trước, năm trước hay 5 năm qua để cảm thấy tự hào về bản thân và thêm động lực tiến bước.

Suy nghĩ tiêu cực về bản thân

Giọng nói bên trong của bạn coi thường và hạ thấp giá trị của bạn. Bạn từ chối những lời khen ngợi và bạn đánh giá thấp những thành tích của mình. Bạn hạ thấp bản thân mình trước mặt người khác, bạn nói “Tôi thật vụng về, Tôi trông hơi béo, Tôi không đủ thông minh, Tôi luôn quên mọi thứ, Nếu ai đó có thể thất bại thì tôi cũng sẽ như thế”.

Hãy từ chối ngay lập tức những lời độc thoại tiêu cực về bản thân. Hãy tập trung vào những điều bạn thích ở bản thân, công nhận thành tích của bạn và chấp nhận sự không hoàn hảo ở bạn vì tất cả chúng ta đều như vậy. Đừng rêu rao những thiếu sót của bạn mà hãy nói lời “cảm ơn” với những lời khen ngợi của người khác dành cho bạn.

Áp đặt cảm xúc của bạn

Bạn nghĩ rằng “Tôi cảm thấy như vậy, do đó nó phải là sự thật”. Bạn phản ứng với cuộc sống và mọi người dựa trên những cảm xúc không lành mạnh, phi logic và phi lý trí của bạn chỉ vì bạn muốn áp đặt cảm xúc của mình.

Giải pháp là hãy nhận thức về mọi việc dựa trên thực tế và bằng chứng. Điều đó sẽ làm sáng tỏ thực tế chứ không phải dựa trên cảm xúc, suy nghĩ mà bạn muốn áp đặt.

Theo Mộc/ Khoevadep